Nậm Búng: Nỗ lực phát triển kinh tế
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã biết phát huy nội lực để phát triển kinh tế hiệu quả. Cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng khang trang. Người dân đã thay đổi được nếp nghĩ, cách làm từ manh mún lạc hậu, tự cung tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hoá và đã biết trồng và phát triển nghề rừng.
Nhân dân xã Nậm Búng (Văn Chấn) làm đất trồng rừng.
|
Với lợi thế nằm dọc theo quốc lộ 32, diện tích đất rộng, gần 10 ngàn ha, trong đó có 70 ha lúa ruộng nước cấy hai vụ chắc ăn và 9.612 ha rừng tự nhiên… nhưng những năm trước đây nói đến Nậm Búng là nói đến đói nghèo và là một điểm nóng trong chặt phá, khai thác rừng tự nhiên. Cái đói, cái nghèo cứ bám lấy người dân từ đời này sang đời khác. Cái nghèo không phải do lười lao động, sức lực, đất đai màu mỡ mà do hạn chế trong nhận thức và hiểu biết khoa học kỹ thuật.
Trước thực trạng đó, huyện, xã trăn trở tìm hướng đi cho người dân Đảng bộ đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế địa phương. Xã đứng ra phối hợp với Trạm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng vào sản xuất; vận động nhân dân xóa ruộng một vụ, trồng ngô, đậu tương và các loại rau mầu có giá trị cao vào sản xuất; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm vừa bảo đảm sức kéo lại có phân bón cho đồng ruộng, tăng thu nhập gia đình.
Diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn giao đến từng hộ dân quản lý bảo vệ. Những chủ trương, hướng đi đúng đắn ấy được bà con các dân tộc Thái, Dao cũng như người Kinh đồng tình ủng hộ và cụ thể hóa thành hành động. Nếu như những năm trước đây, diện tích gieo cấy đạt chưa đầy 100 ha, thì nay đã nâng lên 115 ha, trong đó có 70 ha cấy lúa 2 vụ chắc ăn. Không chỉ diện tích được nâng lên, người dân đã biết đưa các giống lúa lai, lúa tiến bộ năng suất cao vào thay thế các giống địa phương; biết bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ vậy năng suất lúa toàn xã nâng lên 100 tạ/ha/năm. Kết thúc năm 2007, sản lượng thóc toàn xã đã đạt 859 tấn, bình quân mỗi nhân khẩu đạt gần 300 kg/năm.
Bên cạnh cây lúa nước, bà con còn trồng 13 ha lúa nương mộ, 110 ha ngô, 20 ha cây đậu đỗ, 18 ha sắn…, vấn đề an ninh lương thực cơ bản được bảo đảm. Tận dụng diện tích đồng cỏ, nhân dân trong xã đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Đến nay đàn trâu toàn xã đã có 1250 con, 400 con bò, trên 2 ngàn con lợn, 16 ngàn con gia cầm, bình quân mỗi hộ nuôi 2 con trâu, bò, 3 con lợn. Diện tích rừng đã cơ bản giao đến từng hộ, nhóm hộ nhận bảo vệ khoanh nuôi, tình trạng chặt phá, khai thác gỗ rừng tự nhiên tuy vẫn còn, song không còn phổ biến như trước nữa. Đặc biệt, trong năm 2007, nhân dân trong xã còn trồng 181 rừng kinh tế và 70 ha rừng phòng hộ, trồng và phát triển rừng đã trở thành một nghề của rất nhiều hộ dân nơi đây. Cùng với đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế, xã đã đứng ra phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, trồng chè, rừng và chăn nuôi đưa tổng dư nợ toàn xã đến nay đạt trên 6 tỷ đồng.
Từ một xã nghèo của huyện, đến nay số hộ đói, nghèo đã giảm đáng kể số hộ khá, giầu ngày một nhiều. Nhiều gia đình đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm ti vi, tủ lạnh và có điều kiện nuôi con cái ăn học đầy đủ. Nói về sự vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã, Chủ tịch UBND xã Phạm Bá Dư nói: “Nậm Búng hôm nay chưa phải là một xã giầu, số hộ đói nghèo vẫn còn, nhưng so với trước đây đã có rất nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế-xã hội. Cái được lớn nhất là Nậm Búng đã làm thay đổi được tập quán canh tác từ manh mún, lạc hậu sang áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng và tu bổ rừng. Và đó sẽ là hành trang để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã vươn lên trong nay mai”.
Những gì được thấy, được nghe ở xã vùng cao này thật đáng trân trọng. Những thay đổi bước đầu này sẽ là động lực thúc đẩy Nậm Búng trở thành một xã giầu mạnh của huyện Văn Chấn trong tương lai.
Thanh Phúc
Các tin khác
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, giá bán thép xây dựng trong nước đã giảm từ 200.000 đến 650.000 đồng/tấn và sẽ ổn định trong tháng tới.
YBĐT – Trong giai đoạn 2004 - 2007, kinh tế công nghiệp của huyện Lục Yên(Yên Bái) thường xuyên duy trì được tốc độ phát triển trung bình 14%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp(TTCN) trong nền kinh tế năm 2007 đã đạt 11,8% và tăng 4,6% so với năm 2003. Nhiều ngành nghề đã có sự phát triển như: gạch nung, khai thác đá, sửa chữa cơ khí, sản xuất tranh đá... Công nghiệp – TTCN đi lên góp phần để Lục Yên đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ.
Chính phủ cho phép đánh thuế tuyệt đối đối với xuất khẩu gạo và phân urê. Bộ Công thương đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu. Sẽ cho lập quĩ bình ổn gạo lưu thông nhằm ổn định giá gạo trong nước...
Vào lúc 14h chiều 29/5/2008, tại trụ sở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đại diện Tập đoàn sản xuất vệ tinh Lockheed Martin đã chính thức bàn giao vệ tinh VINASAT-1 và hoá đơn bán hàng, kết thúc hợp đồng sản xuất và phóng vệ tinh cho chủ đầu tư VNPT.