Tháng 6, giá nhiều mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định
- Cập nhật: Thứ hai, 2/6/2008 | 12:00:00 AM
Do cân đối cung cầu cho sản xuất, tiêu dùng được giữ vững và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát và giữ ổn định giá một số mặt hàng quan trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
|
Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, tháng 6, giá cả hàng hoá trong nước còn tiếp tục ở mức cao do chịu tác động của tình hình thời tiết (nắng nóng, mưa bão, lốc), dịch bệnh diễn biến khó lường và giá cả thị trường thế giới, đặc biệt là giá dầu thô, lương thực, phân bón...
Tuy nhiên, do cân đối cung cầu cho sản xuất, tiêu dùng được giữ vững và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát và giữ ổn định giá một số mặt hàng quan trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nên nhiều mặt hàng thiết yếu trong tháng 6 sẽ tương đối ổn định.
Hiện nay, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản gieo cấy xong vụ lúa hè thu, một vài nơi sâu bệnh đang phát triển, song các địa phương tích cực dập dịch. Nguồn cung lương thực trên thị trường khá dồi dào, trong khi nhu cầu mua gạo của các doanh nghiệp xuất khẩu và tư thương có chiều hướng giảm nên giá lương thực sau khi tăng mạnh vào những ngày cuối tháng 4 đã bắt đầu chững lại và giảm ở nhiều nơi, phổ biến ở mức 5.200-5.700 đồng/kg thóc tẻ và từ 9.000-11.000 đồng/kg gạo tẻ thường. Tại các tỉnh phía Bắc, nguồn cung thóc gạo cũng khá dồi dào, nhưng giá thóc gạo cao hơn trước khi “sốt” giá gạo từ 1.000-2.000 đồng/kg với gạo tẻ thường và từ 2.000-3.000 đồng/kg với gạo ngon.
Tổ điều hành thị trường dự báo, tháng 6, nếu thời tiết thuận lợi cho vụ lúa đông xuân ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch sớm lúa hè thu, giá lương thực sẽ tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp được triển khai ký các hợp đồng xuất khẩu gạo mới, giá lương thực có khả năng tăng ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào cuối tháng.
Dịch bệnh được khống chế, giá thực phẩm ít biến động
Tổ điều hành thị trường trong nước cũng dự báo, nếu dịch bệnh ở gia súc, gia cầm được khống chế và nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm ổn định, giá thực phẩm sẽ ít biến động. Hiện nay, ở các tỉnh phía Bắc, lợn hơi từ 32.000-36.000 đồng/kg, lợn mông sấn từ 55.000-60.000 đồng/kg. Các tỉnh phía Nam lợn hơi từ 35.000-45.000 đồng/kg, lợn mông sấn từ 60.000-70.000 đồng/kg.
So với cùng kỳ năm 2007, thịt lợn hơi đã tăng từ 94-113%, lợn mông sấn tăng từ 71-84%. Nguyên nhân là do dịch bệnh tai xanh lan rộng, chi phí sản xuất đầu vào tăng khá cao. Quý I/2008 so với quý 1/2007, giá lợn giống tăng 106,4%, ngô tăng 43%, khô đậu tương tăng 82%, cám gạo tăng 40%, thức ăn cho gà tăng 64%, thức ăn cho lợn tăng 71%. Tháng 4/2008 so với tháng 1/2008, giá lợn giống tăng 24%, ngô tăng 16%, cám gạo tăng 29%…
Tuy nhiên, trong tháng 5, giá thịt bò, thịt gia cầm và hải sản có mức tăng giảm không lớn, riêng giá cá tra, cá ba sa tiếp tục giảm, chỉ còn 13.500-13.800 đồng/kg; tôm sú giảm 5.000-7.000 đồng/kg tại một số tỉnh. Giá rau củ, trái cây cũng khá ổn định và một số loại giảm giá do nguồn cung tăng.
Giá phân bón trong nước tương đối ổn định
Thị trường phân bón thế giới chịu tác động của việc Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu phân bón và giảm mạnh nguồn cung đã tiếp tục tăng giá trên các thị trường giao dịch. Giá phân urê hiện có nơi đã tăng lên 650 USD/tấn, trong khi mức giá cao nhất của 5 tháng đầu năm 2007 chỉ là 330 USD/tấn.
Tuy vậy, theo các chuyên gia của Tổ điều hành thị trường trong nước, do có nguồn phân bón nhập khẩu từ biên giới và sản xuất trong nước nên vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng vì thế tháng 6, giá phân bón trên thị trường sẽ vẫn tương đối ổn định. Hiện nay, giá bán buôn phân urê tại cửa khẩu Trung Quốc là 7.200 đồng/kg, tại thành phố Hồ Chí Minh là 7.800 đồng/kg, của nhà máy Đạm Phú Mỹ là 8.000 đồng/kg và giá bán lẻ trên thị trường từ 7.700-9.000 đồng/kg.
Tiêu thụ giảm, giá thép, xi măng khó tăng
Tháng 6, giá bán xi măng tại các nhà máy tiếp tục ổn định, nguồn cung xi măng tại các tỉnh phía Bắc nhìn chung đáp ứng được nhu cầu, riêng tại các tỉnh phía Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh giá xi măng lại tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng và xu hướng tích trữ xi măng phòng tăng giá. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Tổng Công ty xi măng điều chuyển xi măng từ phía Bắc vào các tỉnh phía Nam. Hiện giá bán lẻ xi măng ở phía Nam từ 1,2-1,45 triệu đồng/tấn, cao hơn mức giá từ 0,850-1,1 triệu đồng/tấn ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, giá bán xi măng sẽ ổn định dần do mùa mưa bão đã đến, nhu cầu tiêu thụ giảm.
Giá thép xây dựng cũng được dự báo sẽ giữ ổn định như mức hiện nay. Giá bán thép xây dựng tại các nhà máy từ 14.500-15.950 đồng/kg. Giá bán lẻ trên thị trường từ 16.500-17.500 đồng/kg. Lượng thép tiêu thụ trong tháng 5 ước đạt 235.000 tấn (giảm 19% so với tháng 4) và hiện tượng thép thành phẩm tồn khoảng 225.000 tấn.
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Toàn huyện Trạm Tấu(Yên Bái) có 1.179 hộ với gần 10.000 nhân khẩu đang rất cần được cứu đói giáp hạt trong vòng một tháng. Ước tính số gạo cần hỗ trợ là gần 150 tấn.
Sau khi rà soát lại kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 2008, Bộ Xây dựng đã cho điều chỉnh nhiều dự án. Về sản xuất kinh doanh, đã giảm tới 4,8 trên tổng số 107,4 tỷ đồng của các đơn vị đã đăng ký kế hoạch từ đầu năm.
Những tháng đầu năm nay, giá lương thực trên thị trường thế giới tăng với tốc độ không ai ngờ. Đầu năm có doanh nghiệp ký bán được với giá 355 USD/tấn đã tưởng là được, vì cao hơn cuối năm 2007.
Sáng 31/5, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, thành viên thứ 4 của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn trong kỳ họp Quốc hội này, đã tập trung giải đáp những thắc mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu và bình ổn giá gạo.