Yên Bái: Tăng cường giải pháp để kinh tế trang trại thực sự phát triển
- Cập nhật: Thứ hai, 30/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Với những tiêu chí cụ thể, đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 1.030 trang trại, trong đó có 319 trang trại đủ tiêu chí quy định. Trong đó, huyện Trấn Yên có 95 trang trại, Yên Bình có 62 trang trại, Văn Yên có 77 trang trại…
Trang trại trồng quế của một hộ nông dân ở huyện Văn Yên.
(Ảnh: Quang Thiều)
|
Có thể nói, các trang trại Yên Bái đã có tác động tích cực góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất tự cấp, tự túc sang kinh tế hàng hóa. Làm thay đổi tư duy cho người nông dân, từ sản xuất bằng kinh nghiệm là chính sang cách làm mới theo hướng sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tạo ra khối sản phẩm lớn.
Kinh tế trang trại đã góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất, sức lao động và tiềm năng trong nông nghiệp nông thôn, giảm sự thất nghiệp ở địa phương. Nhiều trang trại đã tổ chức tốt công tác cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, dịch vụ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Theo điều tra trong 319 trang trại đủ tiêu chí quy định, có 248 trang trại sản xuất lâm nghiệp, 3 trang trại trồng cây hàng năm, 29 trang trại sản xuất cây lâu năm; 23 trang trại chăn nuôi; 11 trang trại nuôi trồng thủy sản và 5 trang trại kinh doanh tổng hợp.
Kinh tế trang trại đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương về đất đai và nguồn nhân lực trong dân. Các trang trại đang sử dụng 4.926 ha đất; bình quân mỗi trang trại là 15,44 ha ( năm 1998 là 3,1 ha), đồng thời sử dụng 3.774 lao động, bình quân mỗi trang trại có 3,94 người lao động thường xuyên.
Tổng số vốn sản xuất của trang trại là 55 tỷ 313 triệu đồng, bình quân mỗi trang trại là 173 triệu đồng; giá trị sản xuất hàng hóa và dịch vụ đạt 20 tỷ 562 triệu đồng, tổng thu nhập của các trang trại là 11 tỷ 713 triệu đồng, bình quân mỗi trang trại là 36,7 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, do chưa chịu thay đổi tư duy theo cách làm ăn lớn, nguồn lực đất đai và vốn đầu tư hạn chế; công tác quy hoạch và quản lý đất đai còn yếu, nhất là trong lĩnh vực giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện chậm đã ảnh hưởng đến tâm lý của các chủ trang trại dẫn đến chưa yên tâm sản xuất, kinh doanh lâu dài. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin thị trường, tổ chức sản xuất… chưa được quan tâm đúng mức; chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông, đã ảnh hưởng đến hiệu quả của phát triển kinh tế trang trại.
Các chủ trang trại chưa được tiếp cận với các nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi; các ngân hàng thương mại chưa thực sự vào cuộc trong phát triển kinh tế rừng và kinh tế trang trại… nên số trang trại tại Yên Bái đạt so với tiêu chí còn thấp; quy mô còn bé, chưa phát triển chiều sâu, thiếu tính bền vững, chủ yếu là tự phát nên ranh giới giữa kinh tế hộ và kinh tế trang trại còn lớn.
Đến nay, số hộ trang trại mới chiếm 0,3 tổng số hộ sản xuất nông lâm nghiệp, đất sản xuất chiếm khoảng 1% đất sản xuất nông, lâm nghiệp; số lượng đàn gia súc trong các trang trại chỉ chiếm khoảng 0,7% tổng đàn gia súc của tỉnh.
Tại hội nghị tổng kết 15 năm về kinh tế trang trại, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Hoàng Xuân Lộc một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng đó là: “Kinh tế trang trại là hướng đi đúng đắn trong phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển nông thôn mới. Vì vậy, tỉnh, các ngành chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương cần tiếp tục tạo mọi điều kiện để kinh tế trang trại tiếp tục phát triển”.
Để kinh tế trang trại trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và giữ gìn an ninh quốc phòng… Trong thời gian tới, bên cạnh những giải mạnh về cơ chế chính sách, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quản lý, đẩy mạnh chuyển giao KHKT, cung cấp thông tin, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… thì tỉnh cần quan tâm rà soát bổ sung qui hoạch đất đai các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, và đất đai của các trang trại.
Các địa phương cần đẩy mạnh việc "dồn điền, đổi thửa" để một bộ phận tổ chức, cá nhân có điều kiện tích tụ ruộng đất, đồi rừng đầu tư sản xuất làm ăn lớn; cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trang trại, để các chủ trang trại yên tâm đầu tư sản xuất, tạo nguồn vốn đầu tư.
Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại cần nghiên cứu giảm bớt những thủ tục rườm rà để người làm trang trại có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn, đồng thời, cần tăng thời hạn cho vay đối với trang trại có chu kỳ đầu tư dài như: trồng rừng, trồng cây lâu năm…để kinh tế trang trại có điều kiện thực sự phát triển.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Vụ mùa 2008, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có kế hoạch gieo cấy 2.331 ha lúa ruộng (tăng trên 100 ha so với cùng kỳ). Nhiều xã có diện tích gieo cấy lớn là: Nậm Có gần 335 ha, Nậm Khắt trên 341 ha, Cao Phạ trên 200ha, La Pán Tẩn gần 212 ha...
Tại Hội nghị lần thứ 11 Câu lạc bộ ca-cao Ðông - Nam Á, chất lượng ca-cao của Việt Nam được đánh giá đứng hàng đầu thế giới.
YBĐT - Hoạt động sản xuất xi măng ở Yên Bái bắt đầu từ những năm tám mươi của thế kỷ trước. 2 nhà máy trên địa bàn với tổng công suất trên 1.300 tấn năm, sản xuất xi măng đã trở thành động lực thúc đẩy công nghiệp Yên Bái phát triển, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho hàng ngàn lao động.
Ngày 26-6, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4220/VPCP-KTN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Xây dựng rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn tối thiểu cần cho các dự án xi-măng theo thứ tự tiến độ thời gian đưa vào sản xuất hằng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.