Tình đất và người

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cho đến nay vẫn chưa ai biết chính xác cây chè "định cư" trên đất Yên Bái từ bao giờ! Nhưng có lẽ điều đó không quan trọng lắm, chỉ biết cây chè đã gắn bó và góp phần quan trọng trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn Yên Bái. Những nương chè xanh bạt ngàn từ Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên đến vùng chè Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải… như những người bạn tri kỷ của hàng chục vạn hộ nông dân đến những người nghiện trà. Chè Shan tuyết Suối Giàng, Suối Bu, Nậm Búng đậm đà tinh khiết thì chè xanh vùng thấp nồng nàn dịu mát.

Những cây chè Shan tuyết Suối Giàng hàng trăm năm tuổi, mọc trên độ cao 1.300 m so với mực nước biển, quanh năm mây phủ như hấp thụ những tinh tuý nhất của đất trời tạo nên một chè Suối Giàng lừng danh và đã trở thành thương hiệu của chè Việt. Tình đất, tình chè, tình người cứ nối dài, rộng mãi và đưa Yên Bái trở thành "thủ phủ" của chè. Chè từ vùng thấp đến vùng cao, từ giống chè Shan tuyết độc đáo, chè lai LDP1, LDP2 đến chè nhập nội nào là: Tứ Quý, Thanh Tâm, Bát Tiên, Kim Tuyên, Thuý Ngọc, Hồng Bạch Trà… tạo thành một tập đoàn giống chè có chất lượng. Không chỉ lớn về diện tích mà sản lượng chè Yên Bái được đứng vào hàng "tốp ten" trong các địa phương phát triển chè.

Tính đến năm 2008, toàn tỉnh có gần 13 ngàn ha chè, trong đó có gần 10 ngàn ha chè kinh doanh, sản lượng đạt trên 75 ngàn tấn búp tươi.  Chè đã trở thành một loại cây chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo của địa phương. Hàng chục vạn hộ dân sống và sản xuất kinh doanh chè, giá trị thu nhập từ chè mỗi năm đạt trên 230 tỷ đồng. Những cây chè trên mảnh đất khô cằn vẫn căng tràn sức sống, đâm chồi nảy búp xanh tươi. Nhiều con em từ vùng thấp đến vùng cao này đã trở thành kỹ sư, nhà giáo, cán bộ khoa học kỹ thuật…đến những gia đình nông dân khốn khó bao đời nay đã đổi đời cũng từ cây chè. Cuộc sống của người làm chè đã khấm khá hơn, nhà xây, xe máy, ti vi đủ cả.

Cùng với phát triển vùng nguyên liệu, các cơ sở chế biến cũng phát triển mạnh mẽ, từ một Nhà máy chè Trần Phú lớn nhất nước vào những năm 70 của thế kỷ trước nay đã có trên 60 cơ sở, nhà máy chế biến chè. Sản lượng chế biến đạt từ 16-17 ngàn tấn chè thành phẩm, từ chè đen, chè xanh, chè xanh đặc sản đáp ứng người tiêu dùng và đem về một nguồn thu không nhỏ. Chè Yên Bái tuy chưa phải là một thương hiệu mạnh trên thương trường nhưng cũng đã có mặt hầu hết trên thị trường trong và ngoài nước. Chè đen sang nước Nga anh hùng và các nước thuộc khối SNG, đến Iran, Irắc, chè xanh Bát Tiên, Ô Long, Phúc Vân Tiên… sang Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đến Đức, Mỹ, ở đâu có người uống trà là ở đó có chè Yên Bái.

Xác định rõ vai trò, vị trí của cây chè trong nền kinh tế, Tỉnh uỷ Yên Bái đã có Nghị quyết chuyên Đề về phát triển chè, UBND tỉnh có đề án phát triển chè giai đoạn 2006-2010: cải tạo giống chè cũ bằng giống chè lai, chè nhập nội tạo năng suất, sản lượng, chất lượng cao đáp ứng cho chế biến, thị trường là nhiệm vụ then chốt; đầu tư, đổi mới dây chuyền trong chế biến tạo sản phẩm đáp ứng thị trường là trọng tâm; trong nông nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước áp dụng sản xuất chè an toàn, chè sạch là tiên quyết. Những định hướng, hướng đi đó đã tạo một sức bật mới cho ngành chè đi lên sản xuất lớn.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng song việc sản xuất kinh doanh chè vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của cơ chế, chiến lược và thị trường. Người nông dân làm chè rất tâm huyết với chè,  muốn đầu tư thâm canh tăng năng suất, giá trị, sản lượng chè nhưng vẫn thiếu vốn. Trong năm 2008, người làm chè gặp nhiều khó khăn, giá vật tư phân bón tăng cao, giá chè nguyên liệu xuống thấp và không ổn định, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Doanh nghiệp chế biến có quan tâm, nhưng chưa thật sự vì vùng chè mà mới chỉ biết khai thác vì lợi nhuận, chưa có chiến lược kinh doanh, dẫn đến thiếu ổn định trong sản xuất.

Tạo một ngành chè đủ mạnh là ước ao, là khát vọng chân chính của những người tâm huyết với chè. Muốn vậy trước tiên, doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè phải kề vai sát cánh với nhau và cùng tỉnh, huyện tháo gỡ khó khăn, chia sẻ cùng người nông dân. Vẫn biết "thương trường là chiến trường", nhưng muốn sản xuất kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp phải thực sự có trách nhiệm với người dân vùng nguyên liệu chè và có một chiến lược sản xuất kinh doanh lâu dài, đổi mới công nghệ, mỗi sản phẩm và mẫu mã giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, xuất khẩu hàng hoá. Bà con nông dân vùng chè hãy tự tin, "sau cơn mưa trời lại sáng", cây chè vẫn gắn bó với người dân vùng chè. Chè vẫn cứ đâm chồi, nảy búp đem về một nguồn thu quan trọng trong mỗi gia đình nông dân vùng chè.

Tiễn năm Chuột khốn khó, người dân vùng chè đón Trâu  về cày kéo, cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân, doanh nghiệp và sự chỉ đạo sáng suốt của các cấp uỷ, chính quyền, chè lại đâm chồi nảy búp căng tràn sức sống nuôi dưỡng cho đời.

Thanh Phúc

 

Các tin khác

YBĐT-Sản xuất nông nghiệp Yên Bái trong vài năm trở lại đây liên tục thành công trên cả ba phương diện, từ diện tích, năng suất đến sản lượng. Từ một tỉnh hàng năm thiếu hàng ngàn tấn lương thực, thì đến nay đã đảm bảo được an ninh lương thực ở vùng cao, vùng thấp đã có lúa gạo hàng hóa, nông nghiệp nông thôn phát triển theo hướng bền vững.

Chè được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

YBĐT - Trong vài năm trở lại đây sản xuất, kinh doanh chè liên tục gặp khó khăn, năm thì mất mùa, năm được mùa thì lại không có thị trường tiêu thụ, cuộc sống người làm chè rất khó khăn. Thế nhưng tại vùng chè Văn Chấn, Doanh nghiệp chè Thành Công đã mạnh dạn đầu tư trồng giống chè mới, chế biến chè xanh đặc sản lại khá thành công. Giá một kg chè thành phẩm lên tới cả triệu đồng, dẫu diện tích, sản lượng chưa nhiều nhưng đang hứa hẹn một hướng đi đầy triển vọng.

Sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu tại Khu công nghiệp Đầm Hồng.

YBĐT - Tại kỳ họp thứ 2, HĐND thành phố Yên Bái khoá XVIII đã ban hành 3 Nghị quyết về triển khai Đề án phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh, thương mại dịch vụ và nông lâm nghiệp thành phố Yên Bái giai đoạn 2004 - 2005 và đến năm 2010.

7 xã, phường tham gia dự án.

YBĐT - Từ vụ đông xuân 2008 – 2009, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) chính thức đưa 500 ha ruộng vào thực hiện “Dự án sản xuất vùng lúa hàng hoá năng suất, chất lượng cao giai đoạn 2009 – 2010”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục