Xuân đến từ những con đường

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Theo những con đường, vào nhà máy, đến công trường, về những vùng quê trù phú... một mùa xuân mới, đầy sức sống đang về với đất trời và con người Yên Bái.

Dù bộn bề nhiều công việc của những ngày cuối năm, kỹ sư Vũ Văn Quỳnh - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) vẫn dành thời gian để tiếp cánh báo chí chúng tôi. Trong câu chuyện thân tình, anh thông tin: "Nhìn lại năm 2008 với bao khó khăn về vốn, biến động của giá cả thị trường, thiên tai bão lụt... nhưng với sự cố gắng của toàn thể cán bộ công nhân viên chức, người lao động toàn ngành GTVT mà giá trị thực hiện của ngành vẫn đạt cao. Hệ thống giao thông trên địa bàn tiếp tục được nâng cấp, cải tạo, đảm bảo thông suốt, phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH tỉnh nhà".

 

Ngồi trong căn phòng làm việc ấm cúng, ngoài sân đào đã hé nụ, nghe Giám đốc Sở thông tin về những kết quả đạt được của ngành trong năm, ai cũng thấy rất phấn khởi. Bởi trong điều kiện lạm phát, "bão giá", giá cả nguyên vật liệu tăng cao, nhiều công trình phải đình trệ... Đặc biệt, những ngày tháng 8, bão số 4 gây mưa lớn trên diện rộng, nước sông Hồng dâng cao lịch sử, giờ nghĩ lại vẫn thấy bàng hoàng. Khi đó, lãnh đạo ngành GTVT liên tiếp nhận được tin khẩn cấp: mưa lớn gây sạt hàng chục điểm, với hàng vạn mét khối đất đá trên quốc lộ 70, đường Yên Thế - Vĩnh Kiên, đường Yên Bái - Khe Sang, Khánh Hoà - Minh Xuân; lũ gây sập cầu Đát Hùng, ngập nhiều đoạn trên đường Yên Bái - Khe Sang, trên tuyến quốc lộ 37, 32 C... gây ách tắc giao thông hoàn toàn. Đối phó với khó khăn trở thành bình thường đối với những người làm công tác giao thông. Bởi, không có bão lũ, những người làm công tác "phát triển và gìn giữ mạch máu" giao thông đã luôn phải đối phó với muôn ngàn khó khăn từ nhiều phía để đảm bảo duy trì  và phát triển mạng lưới giao thông. Những khó khăn do mưa lũ gây ra là quá nặng nề, nó đòi hỏi một sự nỗ lực vô cùng lớn! Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ từ Sở GTVT đến các đơn vị quản lý đường bộ, bằng nỗ lực, tinh thần vượt khó, từ sự chủ động, sáng tạo mà chỉ trong thời gian ngắn, hậu quả bão lũ nhanh chóng được khắc phục, hàng vạn mét khối đất đá được hót, xúc vận chuyển để khôi phục mặt đường, nhiều điểm lún sụt, cầu sập được nhanh chóng xử lý để đảm bảo lưu thông... Những người thợ đường Yên Bái đã góp sức làm giảm đi những đau thương, mất mát do bão lũ gây ra đối với các địa phương.

 

Trong năm 2008, kết quả không chỉ dừng lại ở công tác bảo đảm giao thông. Với tổng giá trị xây dựng cơ bản thực hiện trên 155 tỷ đồng tỷ đồng, trong đó, vốn xây dựng cơ bản Trung ương đạt trên 42 tỷ đồng, vốn xây dựng cơ bản địa phương đạt trên 112 tỷ đồng. Từ nguồn vốn quý giá được đầu tư, mà nhiều tuyến đường, cây cầu trên địa bàn Yên Bái được sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới. Đó là đường Trung tâm Km5 - Yên Bình, Đại Lịch - Minh An, Yên Bái - Khe Sang; cầu Ngòi Bục, cầu Khe Đóm... Với tổng giá trị thực hiện đạt trên 57 tỷ đồng, công tác sửa chữa, đảm bảo giao thông tiếp tục được duy trì. Nhiều  tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ như: quốc lộ 32, 37, Yên Thế - Vĩnh Kiên, Yên Bái - Khe Sang, Hợp Minh - Mỵ, Văn Chấn  - Trạm Tấu... được tu sửa đảm bảo êm thuận, giao thông thông suốt. Dù là một tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, lại là một tỉnh còn nghèo, nhưng năm 2008, lại là một năm ghi nhận trong  công tác phát triển giao thông nông thôn miền núi. Từ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GTVT và các huyện thị, thành phố, phát huy mọi nguồn lực, đặc biệt là sức dân...

 

Toàn tỉnh đã huy động được  trên 277 tỷ đồng để phát triển giao thông nông thôn miền núi (GTNT - MN).  Đã mở mới 100 km đường ô tô, nâng cấp cải tạo 158 km đường GT NT - MN, xây mới 56 cầu các loại... Từ phong trào phát triển GTNT - MN, mạch máu giao thông đã lan tỏa khắp các vùng quê. 100% số xã trong tỉnh đã có đường đến trung tâm xã. Khó có thể diễn tả niềm vui của người  Mông Trạm Tấu, Mù Cang Chải; người Dao Văn Yên, người dân vùng quê cách mạng Chiến khu Vần... mừng đón những con đường mới như thế nào! Khát khao ngàn đời đã thành hiện thực. Đường về, đánh thức các vùng quê. Có đường, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: điện, đường, trường, trạm... được tiếp tục đầu tư thuận lợi hơn. Các loại phương tiện vận tải cũng được phát triển mạnh mẽ. Nhiều tuyến vận tải nội tỉnh từ Yên Bái đi Mù Cang Chải, đi Trạm Tấu và các tuyến ngoại tỉnh như: Hải Phòng, Quảng Ninh... được đưa vào khai thác nối miền ngược với miền xuôi, vùng cao với vùng thấp. Các loại sản phẩm từ bàn tay lao động cần cù của người Thái, người Mông, người Tày... đã thành hàng hóa, đem về cuộc sống no ấm hơn cho bà con. ánh sáng văn hoá cũng theo con đường để đời sống tinh thần của bà con được cải thiện. Hơn thế, nhiều loại phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất và sinh hoạt như: máy cày, máy bừa, xe ô tô  đặc biệt là phương tiện mô tô, xe máy được mua sắm, trở thành phương tiện hữu dụng của nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Làm giảm bớt những khó khăn, vất vả đồng thời tăng năng suất, hiệu quả lao động.

 

Thành công của người làm công tác giao thông trong năm 2008 thật đáng tự hào, đã phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên đại bàn. Trên những con đường còn nồng mùi nhựa, còn vương mầu đất đỏ dẫn vào nhà máy, vào công trường, về các vùng quê... mùa xuân mới đang lan toả theo những con đường về với quê hương Yên Bái thân yêu.

 

Nguyễn Đình

 

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình thăm quan mô hình kinh tế trang trại.

YBĐT - Nắng vàng cuối đông như dải lụa óng ấp ôm chồi non, lộc biếc. Những cành đào chúm chím nụ, những đồi chè xanh ngút ngàn đang nảy lộc mới, báo hiệu một mùa xuân đã đến trên quê hương Yên Bình. Từ thị trấn Yên Bình đến Đại Minh, Bảo ái, thị trấn Thác Bà, Vĩnh Kiên, Yên Thành, Xuân Lai, Tích Cốc, Xuân Long… đâu đâu cũng gặp không khí hăng say thi đua lao động sản xuất.

YBĐT - Cho đến nay vẫn chưa ai biết chính xác cây chè "định cư" trên đất Yên Bái từ bao giờ! Nhưng có lẽ điều đó không quan trọng lắm, chỉ biết cây chè đã gắn bó và góp phần quan trọng trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn Yên Bái. Những nương chè xanh bạt ngàn từ Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên đến vùng chè Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải… như những người bạn tri kỷ của hàng chục vạn hộ nông dân đến những người nghiện trà. Chè Shan tuyết Suối Giàng, Suối Bu, Nậm Búng đậm đà tinh khiết thì chè xanh vùng thấp nồng nàn dịu mát.

YBĐT-Sản xuất nông nghiệp Yên Bái trong vài năm trở lại đây liên tục thành công trên cả ba phương diện, từ diện tích, năng suất đến sản lượng. Từ một tỉnh hàng năm thiếu hàng ngàn tấn lương thực, thì đến nay đã đảm bảo được an ninh lương thực ở vùng cao, vùng thấp đã có lúa gạo hàng hóa, nông nghiệp nông thôn phát triển theo hướng bền vững.

Chè được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

YBĐT - Trong vài năm trở lại đây sản xuất, kinh doanh chè liên tục gặp khó khăn, năm thì mất mùa, năm được mùa thì lại không có thị trường tiêu thụ, cuộc sống người làm chè rất khó khăn. Thế nhưng tại vùng chè Văn Chấn, Doanh nghiệp chè Thành Công đã mạnh dạn đầu tư trồng giống chè mới, chế biến chè xanh đặc sản lại khá thành công. Giá một kg chè thành phẩm lên tới cả triệu đồng, dẫu diện tích, sản lượng chưa nhiều nhưng đang hứa hẹn một hướng đi đầy triển vọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục