Lao xao mặt nước sáng xuân này
- Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Không hiểu vì sao trong những ngày xuân này tôi lại nghĩ đến hình ảnh lao xao mặt nước trong nắng sớm ban mai của những vùng hồ Thác Bà, Vân Hội, Ngòi Thia...! Phải chăng trong những phiên chợ tết ở thành phố Yên Bái, chợ huyện Yên Bình, Mường Lò đầy ắp cá, tôm góp phần làm bữa ăn phong phú.
Nuôi cá là hướng phát triển kinh tế hiệu quả
ở xã Minh Quân (Trấn Yên).
|
Và trong hương thơm phảng phất, dưới ánh đỏ lung linh của những ngọn nến mâm cơm cúng tổ tiên chiều 30 tết hẳn không khi nào thiếu được đĩa cá rán vàng ươm tấm lòng thơm thảo của cháu, của con. Dưới mặt hồ lao xao kia là cá, là tôm đã giúp cho bao gia đình nông dân vượt qua được cảnh đói nghèo. Dưới các dòng sông, trên các mặt hồ, cứ nơi nào có nước là có những lồng, bè cá của người nông dân, nơi nào có nguồn sinh thuỷ bà con lại đắp đập đào ao nuôi cá, nuôi tôm, thậm chí nuôi cá xen với lúa. Từ chăn nuôi thuỷ sản nhiều vùng quê đang vươn mình đổi thay, nhà nông đang làm giàu trên mặt nước của quê hương mình.
Đầu năm, tôi chọn hướng xuất hành là vùng thuỷ sản, đến với những con người nổi tiếng với nghề nuôi cá, nuôi tôm. Gia đình ông Hoàng Phú, thị trấn Yên Bình huyện Yên Bình có lẽ là người đầu tiên nuôi thành công mô hình cá lóc bông trong ao. Thấy có khách lạ tìm đến ông Phú khoe ngay: "Tết này cá lóc bông của gia đình chắc chắn sẽ hiện diện trên nhiều bữa tiệc của người dân Yên Bái. Cá thì có nhiều loại, nhưng không phải ai cũng có điều kiện mua được cá lóc bông mà ăn đâu nhé! Với diện tích 200m2 sẽ thu được trên 4 tấn cá, sau khi trừ chi phí cũng cho lãi không dưới 60-70 triệu đồng, thế là gia đình rủng rỉnh đủ tiền tiêu tết".
Từ mô hình nuôi cá của ông Phú tôi lại miên man nghĩ đến tiềm năng thuỷ sản của Yên Bái. Với diện tích trên 32 nghìn ha mặt nước trong đó có 5 nghìn ha thích hợp cho nuôi thâm canh tập trung đạt năng suất cao. Tiềm năng thấy rõ nhất là một hồ Thác Bà rộng lớn, với 19 nghìn ha mặt nước, rồi đầm Vân Hội, Minh Quân (Trấn Yên).... Nguồn lợi thuỷ sản phong phú, đa dạng với hàng trăm giống, loài sinh sống, đặc biệt có nhiều giống loài quý hiếm như cá Anh vũ, cá lăng hay ba ba gai... Gần đây, với nỗ lực đưa chăn nuôi thuỷ sản là một ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, tăng cường công tác khuyến ngư, xây dựng các cơ sở sản xuất giống để cung ứng cho nhu cầu chăn nuôi của người dân. Bình quân mỗi năm các cơ sở đã sản xuất 100 triệu cá bột, trên 20 triệu cá hương giống các loại cung ứng cho phát triển thuỷ sản.
Bên cạnh đó, việc bổ sung cho nguồn lợi thuỷ sản cũng được chú trọng với số tiền đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng. Chỉ tính riêng năm 2008, tổng số tiền thả cá bổ sung nguồn lợi thuỷ sản là 500 triệu đồng, riêng hồ Thác Bà là 200 triệu đồng. Trung tâm Thuỷ sản đã xây dựng nhiều mô hình khuyến ngư đến các huyện, thị trong tỉnh, thông qua các mô hình đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi trồng thuỷ sản. Việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản đã góp phần xoá đói giảm nghèo nhiều vùng quê. Con cá, con tôm đang làm đổi đời biết bao hộ nông dân nghèo.
Hàng ngày, tôm, cá từ các ao, hồ rồng rắn kéo nhau ra các chợ lớn nhỏ, từ nông thôn đến thành thị. Trước đây, trong bữa cơm của người dân thường chỉ có rau, thì ngày nay tôm, cá đã góp phần làm bữa ăn thêm phong phú và đảm bảo dinh dưỡng hơn. Đối với mỗi gia đình ở nông thôn, hay thành thị chỉ cần một ao nuôi với vài chục mét vuông là có thể đảm bảo thực phẩm hàng ngày cho gia đình. Phong trào nuôi cá có mặt trên khắp các miền quê, vùng sông nước, nhà nhà đào ao thả cá. Nhà nông không chỉ tận dụng mặt nước ao, hồ, sông, suối mà còn mạnh dạn chuyển những thửa ruộng kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài những giống cá nuôi truyền thống nhiều địa phương mạnh dạn nuôi các giống thuỷ sản mới như tôm càng xanh, cá chép lai, rô phi đơn tính, ba ba gai… đạt hiệu quả kinh tế cao.
Phong trào nuôi cá lồng cũng được mở rộng ở các vùng quê trên khắp các sông, suối, ao hồ. Năm 2008, dù gặp rất nhiều khó khăn, đầu năm rét đậm, rét hại làm nhiều loại thuỷ sản bị chết, tiếp đến cơn bão 4 đã làm cho trên 600 ha diện tích ao, hồ thả cá của các hộ dân bị cuốn trôi. Nhưng với sự nỗ lực của bà con nông dân cùng với sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh chăn nuôi, thuỷ sản đã nhanh chóng được khôi phục, đã đưa trên 22 nghìn ha mặt nước vào nuôi trồng thuỷ sản, tổng sản lượng đánh bắt vẫn đạt 6000 tấn, giá trị thu nhập đạt hàng chục tỷ đồng.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song chăn nuôi thuỷ sản vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Cơ cấu sản xuất của ngành thuỷ sản còn lạc hậu; cơ cấu giống có nhiều, nhưng giống tốt, có hiệu quả kinh tế cao còn chiếm tỷ trọng thấp; diện tích nuôi thâm canh, chuyên canh còn ít mà chủ yếu là nuôi quảng canh. Người chăn nuôi còn hạn chế vốn đầu tư, thiếu kiến thức, chưa áp dụng tiến bộ vào sản xuất. Các cơ sở sản xuất cung cấp giống nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh còn thiếu, mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu giống, nhất là các giống cá mới nuôi thâm canh. Người nuôi trồng thuỷ sản vẫn phải mua giống ở các tỉnh, thành khác về nuôi không chỉ giá giống cao mà chất lượng giống không đảm bảo, hiệu quả sản xuất thấp.
Để chăn nuôi thuỷ sản phát triển mạnh tương xứng với tiềm năng vốn có, trước hết cần tiếp tục đầu tư hạ tầng nuôi thâm canh, chuyên canh bằng các giống đặc sản, hạn chế nuôi quảng canh; tiến tới phải quy hoạch bằng được vùng sản xuất tập trung, tiếp tục chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản; phát triển, đầu tư có trọng điểm đối với vùng nuôi hiệu quả, bền vững nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro; tích cực hướng dẫn kỹ thuật, công tác khuyến ngư tới rộng rãi người chăn nuôi. Đối với vùng chuyển đổi diện tích, nuôi cá đặc sản theo hướng hàng hoá, xuất khẩu cần có chính sách kích cầu hợp lý, từ vốn, giống đến tiêu thụ sản phẩm. Chỉ cần diện tích mặt hồ nước Thác Bà nếu được đầu tư cùng với chiến lược sản xuất, nuôi trồng cá đặc sản xuất khẩu tốt thì mỗi năm cũng đem về một nguồn thu lớn cho địa phương.
Với những cố gắng của bà con nông dân và các cơ chế chính sách, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, hy vọng trong tương lai không xa, cá, tôm Yên Bái sẽ bơi ra "biển lớn", không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng trong tỉnh, mà còn thu được ngoại tệ lớn về địa phương. Những mặt hồ mênh mông sóng nước không chỉ làm tăng thêm đẹp cảnh quan, cuốn hút khách du lịch mà còn là nguồn nước bạc, nước vàng của quê hương Yên Bái.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Doanh nhân là người chèo lái, quản lý và điều hành doanh nghiệp để làm ra các sản phẩm phục vụ cho xã hội. Doanh nhân - doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, doanh nhân doanh nghiệp mạnh thì nền kinh tế mạnh, nền kinh tế mạnh là các hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp thịnh vượng. Hội nhập kinh tế với những thách thức và biến động khôn lường của kinh tế thế giới, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp - doanh nhân phải có đủ bản lĩnh và đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp - doanh nhân tỏ rõ bản lĩnh của mình…
YBĐT - Năm 2008 qua đi, khép lại một năm đầy khó khăn đối với ngành nông nghiệp Yên Bái. Với những nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi của ngành nông nghiệp, của hàng ngàn nông dân trong tỉnh, sản xuất nông nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn để có mức tăng trưởng ổn định. Đã có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất lâm nghiệp, thuỷ sản, giảm tỷ trọng sản xuất trồng trọt. Chất lượng nhiều loại cây trồng - vật nuôi có ưu thế cạnh tranh trên thị trường tiếp tục tăng cao.
YBĐT - Theo những con đường, vào nhà máy, đến công trường, về những vùng quê trù phú... một mùa xuân mới, đầy sức sống đang về với đất trời và con người Yên Bái.
YBĐT - Nắng vàng cuối đông như dải lụa óng ấp ôm chồi non, lộc biếc. Những cành đào chúm chím nụ, những đồi chè xanh ngút ngàn đang nảy lộc mới, báo hiệu một mùa xuân đã đến trên quê hương Yên Bình. Từ thị trấn Yên Bình đến Đại Minh, Bảo ái, thị trấn Thác Bà, Vĩnh Kiên, Yên Thành, Xuân Lai, Tích Cốc, Xuân Long… đâu đâu cũng gặp không khí hăng say thi đua lao động sản xuất.