Điều chỉnh chính sách tài chính tiền tệ: Gỡ khó cho doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/1/2009 | 12:00:00 AM

Lãi suất cơ bản giảm xuống còn 7%/năm, mở cơ chế cho vay thỏa thuận, thực hiện bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ, triển khai hỗ trợ lãi suất cho vay 4%/năm… là những tin vui về chính sách tài chính tiền tệ đến với giới doanh nghiệp trong những ngày đầu năm mới Kỷ Sửu 2009.

Khơi thông dòng vốn

Từ ngày 1-2-2009 trở đi, lãi suất cơ bản của VND sẽ giảm từ 8,5%/năm xuống còn 7%/năm. Điều này cũng có nghĩa là lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng bằng VND đối với khách hàng giảm từ 12,75%/năm xuống 10,5%/năm.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu, mục đích của việc điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản lần này là triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động, trong điều kiện nền kinh tế bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.

Năm 2009 được đánh giá là một năm đầy khó khăn đối với giới doanh nghiệp. Vì thế, việc giảm lãi suất cơ bản sẽ góp phần hỗ trợ thêm nguồn vốn giá rẻ cho doanh nghiệp; mặt khác cũng để lưu thông mạnh dòng vốn, góp phần thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ.

Bên cạnh đó, từ ngày 10-2, hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sẽ bắt đầu triển khai việc bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng trở xuống và sử dụng 500 lao động trở xuống. Chỉ cần có 10% vốn tự có, các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được vay 90% vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường, dưới sự bảo lãnh của VDB.

Lãi suất cho vay giảm thì lãi suất huy động chắc chắn cũng sẽ giảm theo. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng người dân sẽ không mặn mà gửi tiết kiệm, có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân (Đại học Kinh tế TPHCM), để các ngân hàng không phụ thuộc nguồn vốn huy động tiết kiệm, Ngân hàng Nhà nước cần mạnh tay “bơm” tiền cho hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu các loại giấy tờ có giá... với lãi suất thấp. Như vậy, vấn đề vốn của các ngân hàng sẽ được giải quyết.

Trên thực tế, từ ngày 1-2, ngoài lãi suất cơ bản, một số lãi suất chủ chốt khác của VND cũng được điều chỉnh giảm. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 9,5%/năm xuống 8%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 7,5%/năm xuống 6%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng giảm từ 9,5%/năm xuống 8%/năm.

“Cởi trói” lãi suất cho vay

Một dấu ấn quan trọng khác trong chính sách tiền tệ đầu năm 2009 là Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư số 01/2009/TT-NHNN, hướng dẫn về lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng.

Với thông tư này, việc cho vay theo lãi suất thỏa thuận được mở rộng, thay vì chỉ áp dụng đối với những dự án có tính hiệu quả cao như quy định trước đó.

Cụ thể, từ ngày 1-2-2009, các tổ chức tín dụng được thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, mức độ tín nhiệm của khách hàng vay.

Các tổ chức tín dụng sẽ xác định các giới hạn tín dụng đối với một khách hàng và lĩnh vực cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và điều kiện hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Theo bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc mở lại cơ chế cho vay theo lãi suất thỏa thuận là một hướng tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng thương mại phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng vốn bị thắt chặt trong suốt thời gian qua.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Nuôi cá là hướng phát triển kinh tế hiệu quả
ở xã Minh Quân (Trấn Yên).

YBĐT - Không hiểu vì sao trong những ngày xuân này tôi lại nghĩ đến hình ảnh lao xao mặt nước trong nắng sớm ban mai của những vùng hồ Thác Bà, Vân Hội, Ngòi Thia...! Phải chăng trong những phiên chợ tết ở thành phố Yên Bái, chợ huyện Yên Bình, Mường Lò đầy ắp cá, tôm góp phần làm bữa ăn phong phú.

Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra tình hình sản xuất tại Công ty cổ phần Chè Văn Hưng.(Ảnh: Quang Tuấn)

YBĐT - Doanh nhân là người chèo lái, quản lý và điều hành doanh nghiệp để làm ra các sản phẩm phục vụ cho xã hội. Doanh nhân - doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, doanh nhân doanh nghiệp mạnh thì nền kinh tế mạnh, nền kinh tế mạnh là các hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp thịnh vượng. Hội nhập kinh tế với những thách thức và biến động khôn lường của kinh tế thế giới, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp - doanh nhân phải có đủ bản lĩnh và đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp - doanh nhân tỏ rõ bản lĩnh của mình…

Nông dân huyện Yên Bình thu hoạch lúa.

YBĐT - Năm 2008 qua đi, khép lại một năm đầy khó khăn đối với ngành nông nghiệp Yên Bái. Với những nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi của ngành nông nghiệp, của hàng ngàn nông dân trong tỉnh, sản xuất nông nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn để có mức tăng trưởng ổn định. Đã có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất lâm nghiệp, thuỷ sản, giảm tỷ trọng sản xuất trồng trọt. Chất lượng nhiều loại cây trồng - vật nuôi có ưu thế cạnh tranh trên thị trường tiếp tục tăng cao.

YBĐT - Theo những con đường, vào nhà máy, đến công trường, về những vùng quê trù phú... một mùa xuân mới, đầy sức sống đang về với đất trời và con người Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục