Phan Thanh nỗ lực trong công tác giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xã Phan Thanh, huyện Lục Yên (Yên Bái) có 8 thôn, 463 hộ, 2.290 nhân khẩu, trình độ dân trí không đồng đều, năng lực của một số cán bộ lãnh đạo xã còn hạn chế. Bên cạnh đó, do địa bàn đồi núi của Phan Thanh dốc, đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 120 ha 2 vụ.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ chưa được người dân quan tâm. Kết quả sản xuất hàng năm còn thấp, chưa tận dụng được thế mạnh về đất đai, nhân lực của địa phương. Trước thực tế đó, cấp uỷ, chính quyền xã đã có nhiều chủ trương, nghị quyết nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xoá bỏ thế canh tác độc canh để thúc đẩy kinh tế phát triển, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho người dân, trước tiên cần phải có một hệ thống chính trị vững mạnh từ xã đến các chi bộ thôn bản, trong đó mỗi đảng viên phải là những nhân tố tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế. Do vậy, việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ xã được cấp uỷ chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Với những nghị quyết đúng, trúng đã tạo thành sức mạnh trong khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy là xã vùng 3 của huyện Lục Yên, mặc dù hệ thống giao thông liên xã đã cơ bản được bê tông hoá, song do đặc thù của xã vùng sâu, lại là đường cụt nên việc giao thương hàng hoá giữa các vùng miền ở Phan Thanh không mấy thuận lợi. Một số thôn, bản vùng sâu như: Làng Ro, Bản Kè, Bản Hốc, giao thông đi lại khó khăn, nay do ảnh hưởng của cơn bão số 4, số 6 hồi cuối năm 2008 đã khiến giao thông vào các thôn bản này khó khăn thêm.
Các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản không có thị trường tiêu thụ, hoặc có tiêu thụ được thì giá cả lại bấp bênh bởi tư thương ép giá. Bên cạnh đó, dù diện tích đất tự nhiên của xã trên 5.000 ha, song chủ yếu là diện tích đồi núi trọc, chỉ có 120 ha lúa nước cấy được 2 vụ. Những diện tích này tập trung chủ yếu tại 4 thôn gần trung tâm, những thôn còn lại như: Làng Ro, Bản Kè, Bản Hốc và một số hộ dân vùng ven hồ Thác Bà không có ruộng để canh tác nên việc sinh sống chủ yếu trông cậy vào đánh bắt thuỷ sản trên vùng hồ Thác Bà. Khi mùa nước cạn người dân mới có thể canh tác trên những diện tích mặt nước hồ đã rút nước.
Trước những khó khăn đó, để thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ dân những khu vực không có đất sản xuất này, ngoài những cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước về trợ giúp, hỗ trợ người dân phát triển nuôi trồng thuỷ sản, xã cũng đã có những chủ trương khuyến khích các ngành nghề dịch vụ phát triển bằng việc phối hợp với trung tâm dạy nghề của huyện, tỉnh mở các lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ mây tre đan, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản, tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó là việc đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, tạo đầu ra ổn định cho hàng hóa bằng việc thành lập các tổ hợp tác xã thu mua nông, lâm, thủy sản với giá cả hợp lý cho người dân. Để tránh tình trạng người dân xâm chiếm, phá rừng làm nương rẫy, xã đã thực hiện việc giao khoán gần 3.000 ha rừng cho các chủ hộ nhận trông coi, bảo vệ, không để xảy ra tình trạng xâm chiếm đất rừng, cháy rừng trong mùa khô hanh.
Đối với diện tích chè trung du năng suất thấp, xã đã chỉ đạo nhân dân thay thế bằng giống chè Shan giâm cành, nâng tổng diện tích chè kinh doanh của toàn xã lên 300 ha. Trung bình mỗi năm nhân dân thu hái được 50 tấn chè búp tươi, khai thác 300 - 700 m3 gỗ tỉa thưa… tổng giá trị đạt gần 600 triệu đồng. Cùng với đó, xã còn khuyến khích người dân đẩy mạnh chăn nuôi thông qua hình thức tạo điều kiện cho người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, vay vốn đầu tư, từng bước đưa chăn nuôi thành sản xuất hàng hoá, vận động các hộ gia đình hạn chế thả rông gia súc, gia cầm để tiện cho việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, góp phần đưa tổng đàn gia súc của xã đã tăng từ 800 con lên 1200 con, đàn gia cầm từ 13.182 con lên 14.000 con.
Kinh tế phát triển, đời sống người dân từng bước được cải thiện đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 76% năm 2007 xuống còn 45% năm 2008. Bằng những hành động cụ thể đó, tin rằng thời gian tới, Phan Thanh sẽ tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra. Trong đó, tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chủ yếu đưa giống mới năng suất cao sản xuất, đầu tư chế biến lâm sản, bao tiêu sản phẩm; mở rộng diện tích lúa nước, đầu tư thâm canh tăng vụ: đậu tương với diện tích 40- 50 ha, ngô hè thu 25 ha…; bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng sản lượng lương thực và bình quân lương thực đầu người đạt 350 kg/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 4 triệu đồng/năm.
Thanh Tân
Các tin khác
Lãi suất cơ bản giảm xuống còn 7%/năm, mở cơ chế cho vay thỏa thuận, thực hiện bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ, triển khai hỗ trợ lãi suất cho vay 4%/năm… là những tin vui về chính sách tài chính tiền tệ đến với giới doanh nghiệp trong những ngày đầu năm mới Kỷ Sửu 2009.
YBĐT - Không hiểu vì sao trong những ngày xuân này tôi lại nghĩ đến hình ảnh lao xao mặt nước trong nắng sớm ban mai của những vùng hồ Thác Bà, Vân Hội, Ngòi Thia...! Phải chăng trong những phiên chợ tết ở thành phố Yên Bái, chợ huyện Yên Bình, Mường Lò đầy ắp cá, tôm góp phần làm bữa ăn phong phú.
YBĐT - Doanh nhân là người chèo lái, quản lý và điều hành doanh nghiệp để làm ra các sản phẩm phục vụ cho xã hội. Doanh nhân - doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, doanh nhân doanh nghiệp mạnh thì nền kinh tế mạnh, nền kinh tế mạnh là các hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp thịnh vượng. Hội nhập kinh tế với những thách thức và biến động khôn lường của kinh tế thế giới, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp - doanh nhân phải có đủ bản lĩnh và đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp - doanh nhân tỏ rõ bản lĩnh của mình…
YBĐT - Năm 2008 qua đi, khép lại một năm đầy khó khăn đối với ngành nông nghiệp Yên Bái. Với những nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi của ngành nông nghiệp, của hàng ngàn nông dân trong tỉnh, sản xuất nông nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn để có mức tăng trưởng ổn định. Đã có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất lâm nghiệp, thuỷ sản, giảm tỷ trọng sản xuất trồng trọt. Chất lượng nhiều loại cây trồng - vật nuôi có ưu thế cạnh tranh trên thị trường tiếp tục tăng cao.