Cây Chè: Niềm vui cuối vụ

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/11/2010 | 8:15:07 AM

YBĐT - Nắm chắc diễn biến thị trường, nhiều đơn vị sản xuất và xuất khẩu chè trực tiếp đã tranh thủ bán ngay để hưởng tỷ giá hối đoái khi giá USD tăng so với VNĐ chắc chắn đầu năm 2011 và nhất là qua tết Nguyên đán Tân Mão giá chè sẽ tăng...

Nông dân xã Chấn Thịnh, Văn Chấn thu hái chè.
Nông dân xã Chấn Thịnh, Văn Chấn thu hái chè.

Bà Nguyễn Thị Thoa ở thôn 1 xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn đang cùng chồng con thu hái lứa chè cuối cùng. Lứa này năng suất và chất lượng không bằng những lứa trước nhưng đổi lại, Công ty chè Chấn Thịnh mà bà con quen gọi là “Nhà máy chè ông Khâm” - (Chủ doanh nghiệp là Nguyễn Quang Khâm) vẫn duy trì mức giá 2.800 đồng/kg chè hái máy và 3.000 đến 3.200 đồng chè hái tay.

Từ quê hương Thái Bình, theo gia đình lên xây dựng vùng kinh tế mới ở Chấn Thịnh, bà Thoa tiếp nối nghề chè của gia đình, tuy chưa thể giàu có nhưng cuộc sống đã ổn định nhờ cây chè. Bà Thoa và nhiều hộ gia đình trong xã tin tưởng rằng: từ vụ chè tới, diện tích chè giống LDP 1 và nhất là các giống Bát Tiên, Phúc Vân Tiên cho thu hoạch, giá bán lên gấp đôi giá chè trung du thì cuộc sống sẽ khá hơn nữa, còn trước mắt 400 ha chè kinh doanh, sản lượng trên 3.000 tấn/năm đã đảm bảo cho bà con có việc làm và thu nhập ổn định. Chè đến lứa thì thu hoạch, thu xong lại ra xưởng chế biến, ngay trên địa bàn xã làm công nhân bán chuyên nghiệp, lương ổn định 110 nghìn đồng/ngày lại được nuôi ăn bữa trưa. Nay chè đã đến cuối vụ, thu hái nốt lứa này rồi quay ra đốn tỉa, rồi lại ra xưởng là công đoạn hoàn thành phẩm, đợi vụ chè mới.

Câu chuyện của bà Thoa là câu chuyện của những người làm chè vùng cao khu vực Hưng Khánh, Vân Hội (Trấn Yên) trở vào vùng chè Văn Chấn. Đối với vùng chè Trấn Yên, Yên Bình thì hết tháng 10 cũng là kết thúc vụ thu hái chè. Với bà con, năm nay là một năm sống được nhờ cây chè. Nói như vậy là bởi trong khi giá phân bón, thuốc trừ sâu khá cao thì giá thu mua của các nhà máy cũng tăng đáng kể, các nhà máy đều duy trì mức giá ổn định từ 2800 đồng đến 3000 đồng/kg.

 “Ngành chè năm nào cũng có cái khó! Năm thì chè vàng, chè thối, năm thì hạn hán, sâu bệnh, năm nay nghề chế biến chè còn gặp phải nỗi lo thiếu điện”, ông Chu Quốc Tuấn - Giám đốc công ty chè Hưng Thịnh, người có mấy chục năm kinh nghiệm trong nghề chế biến chè khẳng định. Nhưng cái hay là năm nào chúng ta cũng vượt qua để kết thúc thắng lợi. Riêng cái khó thiếu điện thì tỉnh đã chỉ đạo ngành công thương và nhất là Công ty Điện lực Yên Bái có kế hoạch ưu tiên cấp điện cho các nhà máy chè, nhờ thế mà nhiều nhà máy có công suất lớn vẫn tổ chức chế biến ổn định trong thời điểm vụ chè rộ nhất và thiếu điện trầm trọng nhất.

Những đơn vị mà nhà xưởng đặt cùng với khu dân cư, không thể lắp đường điện ưu tiên thì đều áp dụng phương án, thu mua chè tươi theo lịch, tổ chức sản xuất vào ca ba và tăng năng suất vào những ngày không cắt điện luân phiên; đặc biệt nhiều nhà máy còn mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy phát điện từ 100 đến 200 KVA.

Nhờ đó nhiều công ty chè hoàn thành vượt mức sản lượng đề ra như: chè Bình Thuận sản xuất 1.600 tấn sản phẩm; chè Hưng Thịnh sản xuất 1.300 tấn; Chè Sao Việt 1.000 tấn... Khi đã hết chè tươi thì các nhà máy lại tập trung cho việc hoàn thành phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các khách hàng trong nước và quốc tế. Các giám đốc công ty chè đều vui mừng thông báo “Hiện nay không làm kịp hàng để bán, nhiều khách hàng ứng tiền trước, lấy hàng sau”. Được biết, giá bán chè đen năm nay cao hơn năm trước vài nghìn đồng/kg; trong đó chè có phẩm cấp OP (chất lượng tốt) giá bán tại Yên Bái từ 28.000 - 32.000 đồng/kg tuỳ loại”.

Điều đáng chú ý là các giám đốc không bí mật thông tin thị trường, không phải vì chúng ta đã có sàn giao dịch chè hay mọi người cùng bắt tay chia sẻ mà thực tế là cầu đã cao hơn cung, đã xuất hiện sự khan hiếm trên thị trường chè thế giới. Nắm chắc diễn biến thị trường, nhiều đơn vị sản xuất và xuất khẩu chè trực tiếp đã tranh thủ bán ngay để hưởng tỷ giá hối đoái khi giá USD tăng so với VNĐ chắc chắn đầu năm 2011 và nhất là qua tết Nguyên đán Tân Mão giá chè sẽ tăng.

Lê Phiên

Các tin khác
Cơ sở sản xuất gạch của gia đình ông Lại Xuân Nghiêm đang tiếp tục đầu tư để thu hút nhiều hơn nữa lao động địa phương.

YBĐT - Những năm gần đây, nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái) có những bước chuyển mạnh mẽ trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi gia đình bằng sự năng động và sáng tạo đã phát huy nội lực để xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

YBĐT - Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của thành phố là một trong những ngành kinh tế chủ lực. Năm 2010, thành phố đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng các dự án, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư nguồn vốn, lao động, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

YBĐT - Qua gần 3 năm thực hiện, toàn tỉnh Yên Bái đã có 441 hộ tham gia chương trình chăn nuôi hàng hóa (dự kiến năm 2010 có 135 hộ), đảm bảo các tiêu chí nhận hỗ trợ từ chương trình, trong đó có 202 trang trại nuôi lợn thịt, 113 trang trại nuôi lợn nái và 126 trang trại nuôi gia cầm với tổng số tiền hỗ trợ tới trên 10 tỷ đồng.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện tại nước về các hồ thủy điện đã được cải thiện nên các nhà máy nhiệt điện vận hành tương đối ổn định. Theo đó, tình hình cung cấp điện trong thời gian tới cũng sẽ an toàn hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục