Yên Bái: Giải pháp nào kiểm soát dịch lở mồm long móng?

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/3/2011 | 11:47:03 AM

Xuất hiện rải rác trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 1, đến nay dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã có mặt ở hầu khắp 9 huyện, thị, thành phố. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp khi mà số gia súc mắc bệnh ngày một tăng.

Dịch LMLM đã xuất hiện trên 9 huyện thị thành phố.
Dịch LMLM đã xuất hiện trên 9 huyện thị thành phố.

Nhiều khó khăn trong việc khống chế dịch LMLM

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, đến thời điểm 11/3 toàn tỉnh đã có 2.725 con gia súc bị nhiễm dịch LMLM, trong đó trâu 1.059 con, bò 325 con và 1.341 con lợn. Hiện đã có 8/51 xã, phường, thị trấn đã qua 21 ngày không phát sinh thêm trường hợp mắc bệnh LMLM. Trong những địa phương xuất hiện dịch LMLM thì huyện Yên Bình là nơi có số gia súc nhiễm dịch nhiều nhất và bùng phát rộng nhất với 1.332 con gia súc của 42 thôn thuộc 10 xã, thị trấn đã có dịch.

Ông Vũ Văn Thắng - Phó trạm trưởng Trạm Thú y huyện Yên Bình cho biết: “Cả 10 xã, thị trấn đang có dịch đều là những địa phương lần đầu bị dịch LMLM”. Theo kinh nghiệm của các cán bộ thú y thì dịch LMLM thường bùng phát và lây lan nhanh tại những khu vực này. Điều này có thể lý giải bởi với những địa phương chưa từng xuất hiện dịch bệnh thì khả năng đề kháng của gia súc sẽ thấp, người dân cũng chưa có kinh nghiệm trong việc phát hiện, xử lý và đối phó với dịch bệnh.

Theo anh Đặng Bình Nguyên - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y, sở dĩ dịch bệnh lây lan nhanh với mức độ rộng như hiện nay là do việc vận chuyển gia súc thời điểm trước và trong tết Nguyên đán đã kéo theo sự lây lan mầm dịch từ vùng này sang vùng khác. Do vậy, dù đã được tiêm phòng nhưng mầm bệnh ủ sẵn trong gia súc vẫn phát tán. Một nguyên nhân nữa khiến dịch bệnh bùng phát rộng như năm nay là do thiếu vắc - xin LMLM, hiện nguồn vắc -xin dự trữ của cả nước còn chưa đến 1 triệu liều, trong khi lượng vắc - xin mới vẫn chưa được nhập về.

 Xí nghiệp sản xuất vắc - xin của Viện Thú y cũng không có hàng để bán cho các địa phương. Tại Yên Bái, để đáp ứng đủ nhu cầu về vắc - xin tiêm phòng cho gia súc nhiễm dịch LMLM sẽ cần tới khoảng 60.000 liều nhưng cũng chỉ được cấp 21.000 liều Vắc xin và 2.000 lít thuốc khử độc tiêu trùng. Số vắc - xin này mới chỉ đủ phân bổ cho 5 địa phương là huyện Yên Bình, Trấn Yên, Mù Cang Chải, Văn Yên và thành phố Yên Bái. Tuy nhiên cũng chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu số gia súc cần tiêm phòng.

Đánh giá của Cục Thú y cho thấy, dịch LMLM năm nay xuất hiện chủng virut mới hình thành là Clad 2.3.2, so với các loại Clad 1 và Clad 2.3.4 ở những năm trước thì chủng virut này có những dấu hiệu đáng lo ngại về tính chất lây lan nhanh và gây chết nhiều ở đàn trâu, bò, lợn. Đáng lo ngại hơn, năm nay virut gây bệnh LMLM lây lan nhanh ở lợn, tỷ lệ lợn mắc bệnh và bị chết cũng rất cao.

Theo các cán bộ thú y, lợn có mức độ lây lan gấp 400 lần so với bò mắc bệnh, như vậy nguy cơ dịch LMLM lan rộng trên đàn lợn là rất lớn khi mà hiện nay việc tiêm phòng vắc - xin LMLM mới chỉ thực hiện trên đàn lợn nái và lợn con, còn lợn thịt vẫn chưa được tiêm phòng.

Cán bộ thú y thành phố Yên Bái bắt lợn nhiễm dịch LMLM đi tiêu hủy.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Chiều ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số biện pháp cấp bách, kiên quyết không để dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan trên diện rộng. Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, với các địa phương đang có dịch, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và tới tận thôn, ấp, bản. Do vậy, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan và bùng phát của dịch LMLM, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân điều cần thiết là phải có sự vào cuộc đồng bộ của của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và mỗi người dân.

Tại những khu vực bị nhiễm dịch cần nhanh chóng khoanh vùng, cách ly gia súc nhiễm dịch, đồng thời sử dụng các biện pháp tiêm phòng, phun thuốc khử độc tiêu trùng thường xuyên cho chuồng trại. Cách làm này đã được thực hiện hiệu quả tại thành phố Yên Bái, với 2 ổ dịch được phát hiện tại phường Nguyễn Phúc, cơ quan chức năng đã nhanh chóng xử lý, sử dụng các biện pháp kiểm soát và nhanh chóng tiêu hủy số lợn bị nhiễm dịch LMLM. Dó đó, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, không phát sinh hay lây lan ra trên diện rộng. Ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, với mỗi người dân cần chủ động thực hiện việc phòng, chống dịch cho đàn gia súc của mình.

Cụ thể như khi phát hiện gia súc có dấu hiệu nhiễm dịch cần nhanh chóng khai báo với chính quyền địa phương và ngành thú y, đồng thời thực hiện ngay một số giải pháp như: cách ly gia súc nhiễm dịch, bôi các chất chua lên vết thương ở mồm, chân gia súc, sau đó bôi thuốc sát trùng. Gia súc nhiễm dịch nên nhốt tại chuồng khô ráo, sạch sẽ và cho ăn cháo loãng. Trường hợp gia súc bị nặng phải tiêm phòng kháng sinh và phun thuốc khử độc tiêu trùng hàng ngày.

Hiện vắc - xin tiêm phòng LMLM cho gia súc đang thiếu, tuy nhiên theo đánh giá của cơ quan thú y, tiêm phòng vắc - xin không phải là giải pháp phòng ngừa duy nhất, bởi vắc - xin trong quá trình miễn dịch cũng chỉ có hiệu quả từ 70 - 80%, còn phương thức nuôi, vệ sinh chuồng trại, khử trùng, tiêm phòng thường xuyên sẽ giúp khả năng đề kháng của gia súc với dịch bệnh được tốt hơn.

Ở Yên Bái, nhiều đồng bào vùng cao thả rông, không làm chuồng trại cho gia súc, do vậy, trong những điều kiện thời tiết mưa ẩm, dịch bệnh càng có điều kiện phát sinh và lây lan. Vì thế, tại những nơi này cần thực hiện nuôi nhốt tại chuồng, dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cẩn thận mới hạn chế được nguy cơ xuất hiện dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát việc vận chuyển gia súc từ vùng này sang vùng khác cũng cần phải được các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện.

Gia súc vận chuyển phải đúng theo quy định của ngành thú y. Tâm lý người dân hiện rất hoang mang khi thấy những con gia súc là tài sản có giá trị nhất của họ dần đổ gục, trong khi đó nhiều tư thương lại lợi dụng tình hình “mua chui, bán chui” gia súc để ép giá, do vậy việc kiểm dịch cần được đề cao hơn bao giờ hết nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh. Song song với đó, ngành thú y cũng cần tăng cường công tác dịch tễ thú y, bám sát địa bàn, nắm bắt thông tin từ các hộ chăn nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng để dịch bệnh lan rộng.

Dịch LMLM trên địa bàn tỉnh sẽ còn diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng nếu không có các biện pháp kiểm soát kịp thời. Vì thế, các cơ quan chức năng cũng như từng người dân cần đề cao cảnh giác, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh LMLM trên địa bàn.

Hùng Cường

Các tin khác
Nông dân xã Tân Phượng trữ đủ thức ăn chăm sóc đàn gia súc. Ảnh MQ

YBĐT - Đợt rét đậm vừa xảy ra trong 3 ngày 16, 17 và 18/3 vừa qua đã làm 194 con gia súc trong toàn huyện Lục Yên bị chết, trong đó có 187 con trâu và 7 con dê.

Ảnh minh họa

Ngày 21-3, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng (LMLM) tiếp tục lan nhanh ra nhiều địa phương.

Ngày 21.3, các Cục thuế địa phương cho biết vừa nhận được công văn của Tổng cục Thuế (TCT) đề nghị nếu doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện thì sử dụng ngay hình thức hóa đơn tự in.

Tổng cục Thuế vừa có công văn số về tạm hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hoá thực xuất khẩu trong năm 2011.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục