Cho một mùa chè bội thu

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/12/2011 | 9:40:09 AM

YBĐT - Kết thúc một năm, người nông dân làm chè phải tính toán xem hái thế nào, đốn chè làm sao, vào thời điểm nào, bón phân gì, lúc nào cho hiệu quả, chất lượng búp tốt, năng suất cao; các doanh nghiệp chế biến phải nhanh chóng tính toán cho được các chỉ tiêu doanh thu, chi phí và lợi nhuận.

Nông dân Văn Chấn thu hái chè. Ảnh minh họa
Nông dân Văn Chấn thu hái chè. Ảnh minh họa

Cuộc đời những người làm chè, gắn bó với chè là vậy bởi sản xuất, kinh doanh chè là vừa săn tìm lợi nhuận, vừa phải nâng cao đời sống cho công nhân, nông dân làm chè.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải biến lợi nhuận đang nằm trên giấy thành tiền, rồi phải lo nguồn tiền chi cho người lao động, dù có những phương pháp lãnh đạo, điều hành, ứng xử khác nhau nhưng tựu chung lại các doanh nhân sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn Yên Bái đều thừa nhận chất lượng và sự ổn định của đội ngũ công nhân công nghiệp và công nhân nông nghiệp cùng hàng chục vạn hộ dân làm chè có vai trò quyết định đối với sự tồn tại và phát triển doanh nghiệp.

Kết thúc năm 2011, sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn gặp không ít khó khăn nhưng với kinh nghiệm trên 40 năm gắn bó với chè, Yên Bái vẫn vượt qua và giành được những kết quả đáng khích lệ. Tổng sản lượng chè búp tươi thu hái được trên 90 ngàn tấn, sản xuất chế biến trên 20 ngàn tấn chè thành phẩm, giá trị thu nhập từ chè đạt trên 400 tỷ đồng.

Những kết quả đó không phải là thấp nhưng nhìn một cách tổng thể thì chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có. Hàng vạn công nhân, nông dân làm chè, những người có vai trò quyết định đối với sự tồn tại và phát triển doanh nghiệp chè lại chưa thật sự có cuộc sống khá giả.

Chỉ cần làm một bài toán đơn giản với trên 12.500 ha chè cho thu hái 90 ngàn tấn búp nhân với giá bình quân 3 ngàn đồng/kg thu được 277 tỷ đồng, như vậy bình quân mới đạt 22 triệu đồng/ha. Với mức thu bình quân như vậy thì cây chè là cây cho thu nhập thấp nhất trên địa bàn kể cả so với ngô, khoai, cây  màu vụ đông.

Dẫu những năm qua tỉnh luôn quan tâm đầu tư cho vùng chè nhưng với nhiều lý do khác nhau, cây chè vẫn chưa thực sự trở thành ngành kinh tế chủ lực. Nông dân làm chè đầu tư chưa thật bài bản, thu hái “tận diệt”, doanh nghiệp chế biến chè không tái đầu tư cho vùng nguyên liệu. Số doanh nghiệp, cơ sở chế biến rất hùng hậu nhưng trên thương trường lại không có tên tuổi gì bởi hoạt động, tác chiến rất “độc lập”, dây chuyền máy móc lạc hậu.

Bài toán về chè đã có nhiều lời giải nhưng đáp số lại chưa thật đúng. Bởi lời giải chưa đi vào cặn kẽ của vấn đề trong sản xuất nông nghiệp, nhất là với người làm chè. Một số người cho rằng chỉ khi nào các hộ làm chè liên kết lại với nhau thành nhóm hộ hay thành các tổ hợp tác, lớn hơn là sản xuất theo nông trang và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra chất lượng búp tốt, khối lượng lớn thì mới khấm khá được.

Khi đã liên kết hay sản xuất theo mô hình nông trang thì người làm chè mới có quyền định giá bán sản phẩm của mình và khó có doanh nghiệp nào ép giá, ép cấp được. Đối với khâu chế biến đã đến lúc buộc chúng ta phải cơ cấu lại sản xuất, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh chè.

Thanh lọc những cơ sở, doanh nghiệp chế biến không đủ tiềm lực tài chính, dây chuyền, máy móc cũ kỹ sản xuất không đảm bảo vệ sinh công nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải liên kết lại với nhau, đổi mới công nghệ chế biến sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường và xây dựng thương hiệu chè Yên Bái. Việc liên kết để sản xuất ra một vài nhóm sản phẩm đồng nhất từ chất lượng tới giá cả, đồng thời tăng cường khả năng tài chính và mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Sản xuất ra chè chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường, giá chè thành phẩm nâng lên cũng đồng nghĩa giá thu mua nguyên liệu lên cao. Theo đó người nông dân mới có điều kiện đầu tư vào cây chè và sản xuất chế biến ra chè thành phẩm tốt.

Vẫn biết là còn nhiều khó khăn và chưa thể giải quyết được ngay bởi phải cần có sự vào cuộc tích cực của nhiều phía nhưng hy vọng từ mùa xuân này, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và người làm chè cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc và tháo gỡ những khó khăn trước mắt, cũng như hoạch định cho tương lai để cây chè tiếp tục đâm chồi nảy lộc.

Ngọc Trúc

Các tin khác

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu rau quả thứ 5 thế giới. Đây là nhận định tại hội nghị quốc tế về rau quả nhiệt đới Việt Nam, được tổ chức sáng 14-12 tại TPHCM.

Dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông là giải pháp tốt nhất để phòng, chống đói, rét cho gia súc.

YBĐT - Mặc dù từ đầu mùa rét đến nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) chưa xảy ra đợt lạnh nào đáng kể nhưng rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ quý 4, Văn Chấn đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ảnh chỉ có tính minh hoạ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC về việc bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn và quý I năm 2012.

Bộ Tài chính Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa tổ chức hội thảo cho một số cán bộ thuộc Bộ Tài chính và cán bộ địa phương tại Hòa Bình, nhằm tăng cường năng lực quản lý dự án, tập trung vào khâu đánh giá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục