Ngọt ngào cam Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/2/2013 | 9:47:17 AM

YBĐT - Đi khắp thị trấn Nông trường Trần Phú, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi lớn của người dân nơi đây. Những ngôi nhà mới xây, những biệt thự xanh lộng lẫy mọc xen lẫn những vườn cam trĩu quả vàng mọng dưới nắng hanh khiến cho quang cảnh làng quê càng trở nên trù phú...

Mùa thu hoạch cam ở Văn Chấn.
(Ảnh: Tiến Lập)
Mùa thu hoạch cam ở Văn Chấn. (Ảnh: Tiến Lập)

Con đường từ UBND thị trấn Nông trường Trần Phú đi khu 8 vừa được Nhà nước rải nhựa giúp người dân thuận lợi hơn rất nhiều trong quá trình vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa. Nhiều lúc chúng tôi phải dừng lại để nhường đường cho những chiếc ô tô mang biển số ngoại tỉnh nườm nượp vào ra.

 Anh Nguyễn Văn Thành, cán bộ văn phòng dẫn đường hồ hởi cho biết: “Nếu thị trấn Nông trường Trần Phú là vựa cam của huyện Văn Chấn thì khu 8 chính là vùng trọng điểm cam của thị trấn. Thời gian này là chính vụ thu hoạch quýt sen và quýt  Đường canh nên mới đông người và xe ra vào”.

Nhà ông Trần Văn Vàng được xây khang trang nằm gọn trong vườn cam, quýt xanh tốt. Trước sân, vàng rực một màu của những trái cam, quýt đang được người dân cẩn thận xếp vào thùng xốp, cân rồi vận chuyển ra xe. Trên đồi, hàng chục người tay nâng cam, tay cầm kéo tanh tách cắt cuống những quả cam chín vàng cho vào sọt.

Gặp ông Vàng trên đồi cam trĩu quả, ông cười lớn: “Để cắt đủ 3 tấn cam đảm bảo tươi ngon giao cho khách hàng đúng thời gian, gia đình phải đổi công cho gần chục hộ khác trong xóm. Xong việc, làm một bữa cơm thết đãi những người đổi công, thường thường cũng phải ba bốn mâm, vui lắm”.

Được biết, trước đây ông Vàng chỉ trồng cam sành và cam chanh. Từ năm 2008 trở lại đây, ông trồng thêm quýt Đường canh, cam Valencia và cam sen. Vụ vừa qua, gia đình thu hoạch trên 30 tấn quả, bán với giá tại gốc từ 8 - 35 ngàn đồng/kg tùy từng loại cam, thu về gần 100 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi vài chục triệu đồng. Tất cả giống cam ông đều mua trực tiếp tại Viện Giống cây ăn quả nên cây khỏe, không lai tạp, nhanh có quả.

 Đặc biệt, các chồi cam giống được ghép trên gốc bưởi lai nên vừa khỏe, vừa chịu được khô hạn và tránh các bệnh về rễ. Vì cam ưa đất thoáng nước nên gia đình ông trồng trực tiếp trên sườn đồi, không cần bạt đất hay thay đổi cảnh quan. Ngoài ra, việc trồng trên sườn đồi còn giúp vườn cam thoáng gió, cây khỏe, ít bệnh.

Vườn cam nhà ông Trần Văn Vàng năm qua thu về gần 100 triệu đồng.

Bắt đầu được trồng từ những năm 90 của thế kỷ 20, đến nay Văn Chấn đã hình thành một vùng cam hàng hóa với diện tích trên 500 ha từ thị trấn Nông trường Trần Phú qua Thượng Bằng La vào Minh An tới Nghĩa Tâm, Bình Thuận... với sản lượng trung bình từ 5.000 đến 6.000 tấn quả/năm. Cam trồng tại những vùng đồi thấp xen lẫn với chè.

Cây không phụ công người, những hộ gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi vụ cam không còn là điều hiếm gặp ở vùng đất này. Nhờ có cây cam mà diện mạo vùng quê nghèo đã dần thay đổi. Những con đường mới thênh thang, những ngôi nhà mới xây theo kiến trúc hiện đại ngày thêm nhiều nhờ những mùa cam bội thu.

Ông Đỗ Anh Thiện - Chủ tịch UBND thị trấn phấn khởi cho hay: “Năm 1992, bà con trồng cam chỉ để phục vụ sinh hoạt gia đình, thấy hiệu quả kinh tế cao nên năm 1994, thị trấn phát động phong trào xoá bỏ vườn tạp, xây dựng trang trại vừa và nhỏ. Lúc này bà con đã trồng trên 10 ha cam, chủ yếu là cam sành. Hiện tại, thị trấn có gần 1.600 hộ thì có tới 1.000 hộ trồng cam, năm 2012 này sản lượng cam toàn thị trấn đạt trên 2.000 tấn, doanh thu đạt khoảng 20 tỷ đồng”.

Mùa cam năm 2012 cam Văn Chấn lại được giá. Giá cam được thu hái tại vườn trung bình 12.000 đồng/kg. Trong khi nhiều địa phương người dân đang loay hoay tìm loại cây trồng phù hợp để thay thế các diện tích cây ăn quả đã già cỗi, thoái hoá thì ở Văn Chấn các ngành chức năng cùng nhân dân địa phương đã bước đầu thành công trong việc xây dựng và phát triển được vùng cam có năng suất, chất lượng cao.

Tuy nhiên, cam là loại cây khó tính, khả năng thích nghi hẹp, lại dễ bị sâu bệnh. Vì vậy, để xây dựng được vùng cam chất lượng, ngoài sự giúp đỡ của các ngành chức năng, các nhà khoa học, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, thu hoạch, nhất là việc loại bỏ, cách ly các diện tích cam đã nhiễm bệnh để mỗi năm sẽ lại có thêm nhiều ngôi nhà xây nhờ những mùa cam bội thu.

Quang Thiều

Các tin khác
Làm đường giao thông nông thôn liên tổ dân phố 1 + 2 thị trấn Nông trường Liên Sơn.

YBĐT - Đồng chí Nguyễn Văn Lịch - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết: “Một trong những hoạt động nổi bật nhất trong phát triển kinh tế, xã hội năm 2012 của huyện Văn Chấn chính là thực hiện tốt phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn”.

Vợ chồng anh Đỗ Xuân Việt, thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La, vụ cam năm 2012 thu hơn 1 tỷ đồng.  (Ảnh: Tiến Lập)

YBĐT - Ai đó ví rằng: “Mùa xuân về, mỗi nông dân là một bông hoa, nông thôn là luống hoa và nông nghiệp là vườn hoa tươi thắm, ngát hương tô điểm cho đất nước Việt Nam”, thì những gì đã mắt thấy tai nghe quả là như thế!

Một góc trung tâm huyện Yên Bình.

YBĐT - Trong niềm vui hân hoan đón chào năm mới, người dân Yên Bình (Yên Bái) rất tự hào về những thành quả đã đạt được trong năm 2012 vừa qua. Thành quả đó là niềm tin, là sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện vững bước vào xuân.

Chuẩn bị cây giống trồng rừng vụ xuân.

YBĐT - Năm 2013, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng 15.000ha rừng phòng hộ, rừng kinh tế, trong đó có 9.000ha được trồng trong vụ xuân. Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng trong điều kiện thời tiết bất ổn, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, cần phải có giải pháp, kế hoạch cụ thể từ tỉnh đến cơ sở.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục