Nông dân thời hội nhập

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/2/2013 | 9:28:27 AM

YBĐT - Ai đó ví rằng: “Mùa xuân về, mỗi nông dân là một bông hoa, nông thôn là luống hoa và nông nghiệp là vườn hoa tươi thắm, ngát hương tô điểm cho đất nước Việt Nam”, thì những gì đã mắt thấy tai nghe quả là như thế!

Vợ chồng anh Đỗ Xuân Việt, thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La, vụ cam năm 2012 thu hơn 1 tỷ đồng.  (Ảnh: Tiến Lập)
Vợ chồng anh Đỗ Xuân Việt, thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La, vụ cam năm 2012 thu hơn 1 tỷ đồng. (Ảnh: Tiến Lập)

Với trên 29.000 ha đất nông nghiệp, thiên nhiên đã hào phóng ban tặng vùng đất Văn Chấn nhiều sản vật quý: vùng cao có gạo nếp tan Tú Lệ, chè Shan tuyết, quế; vùng ngoài là cam, quýt, thủy đặc sản (ba ba), rừng khu vực trung tâm huyện và cánh đồng Mường Lò nổi tiếng với các nông trường chè rộng lớn, các vùng chuyên canh tươi non đậu đỗ, ngô, khoai… và dẻo thơm gạo ShéngCù, Chiêm Hương,Thiên Hương, HT1…. Điều đó đã giúp 90% cư dân trên địa bàn sống ổn định bằng nghề nông. Tuy nhiên, cây lúa, củ khoai từ bao đời nay đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt khó thoát khỏi những quy luật biến thiên, sự can thiệp đỏng đảnh của ông trời. Nhưng cũng vì thế “cái khó ló cái khôn”, những người nông dân mảnh đất này đã có những cách đi tắt đón đầu bắt sỏi đá phải “thành cơm”.

Nhớ lại hơn chục năm về trước, những vườn cam bạt ngàn xanh tốt của các xã vùng ngoài bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ, dần xóa sổ. Trăn trở với những vườn cam đang thoái hóa, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền, các ngành chức năng, nhiều hộ dân đã chủ động áp dụng kiến thức khoa học và rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Tự cứu mình, những chủ vườn đã chuyển cam đi bán bằng những xe tải nhỏ và khi trở về không còn là những bao đạm, lân, kali, thay vào đó là những xe phân gà, phân chim cút mãi tận Hà Tây, Phú Thọ. Những ao đầm cũ được nạo vét, xây kè để nuôi ba ba; những cánh rừng kinh tế thay thế đồi hoang cỏ dại; những vườn cam thoái hóa nhường chỗ cho vườn cam Canh, cam V2, cam Valencia vàng mọng rộn ràng chuyển khắp các miền quê mỗi dịp cuối năm. 

Gần chục năm nỗ lực, hôm nay bức tranh “vùng ngoài” Văn Chấn đã khoác lên mình gam màu mới: những cánh rừng xanh bạt ngàn ôm ấp những vườn cam trĩu quả, điểm trong đó những ngôi “biệt thự nông dân” nguy nga, hoành tráng. Bên đường, nối nhau là những biển hiệu cam đặc sản phố Thượng, cam Trần Phú treo trước cửa nhà mặt phố. Ba ba giống “tiếng lành đồn xa”, thương nhân từ Trung Quốc đến các địa phương miền ngược, miền xuôi tìm về. Làng cam Trần Phú, làng ba ba Văn Hưng, xưởng gỗ, xưởng chè mi ni mỗi năm hàng chục ngàn ba ba giống, hàng trăm mét khối gỗ, hàng ngàn tấn quả “trảy” ngược xuôi. Nhiều hộ nông dân đã trở thành tỷ phú, triệu phú như gia đình chị Nguyễn Thúy Hoa - thôn 12, xã Nghĩa Tâm, anh Đỗ Xuân Việt, bà Vũ Thị Lợi -thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La, anh Phạm Ngọc Vê- tổ dân phố 10B... 

Từ một nông dân nghèo đi lên từ trồng cam, dẫu vụ vừa rồi thu trên một tỷ đồng tiền cam thì anh Đỗ Xuân Việt ở thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La vẫn chẳng màu mè: “Mình phải nghiên cứu kỹ những mô hình sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nông sản của mình nếu không đảm bảo chất lượng thì khó có đầu ra ổn định. Muốn sản phẩm có chất lượng đòi hỏi phải có sự đầu tư, chăm sóc kỹ, đồng nghĩa với việc chi phí cũng tăng. Vậy nên phải luôn đảm bảo cân bằng được giữa thu và chi thì mới có thể phát triển bền vững”.

Liên kết “4 nhà”

Khác với khu vực vùng ngoài, khu vực trung tâm huyện và cánh đồng Mường Lò lại xanh màu chè, lúa và rau đậu. Đi tắt đón đầu, những người  nông dân chân đất đã biết chọn cải tạo chè, sản xuất lúa hàng hóa và xây dựng vùng chuyên canh rau màu làm 3 hướng chính trong sản xuất.

Kết hợp sự giúp đỡ của Dự án QSeap, các công ty chè và chính quyền thị trấn Nông trường (TTNT) Liên Sơn, TTNT Nghĩa Lộ đã động viên nhân dân hoàn thành việc cải tạo các diện tích chè trung du, già cỗi bằng các giống LDP1, LDP2, Phúc Vân Tiên, xây dựng vùng nguyên liệu sạch, chất lượng cao. Giống mới, năng suất cao, giá nguyên liệu búp chè tươi thường cao hơn các địa phương khác từ 200 - 300 đồng/kg giúp người trồng chè thêm gắn bó với loại cây truyền thống.

Liên kết “4 nhà” thể hiện rõ nét hơn trong công tác “dồn điền đổi thửa”, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” ở vùng Mường Lò. Từ việc đưa giống khoai tây Atlantic vào sản xuất vụ đông đến sản xuất tập trung giống lúa Nhật Bản chất lượng cao Jamonica đã tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Theo tiến sĩ Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam: “Sản xuất nông sản hàng hóa là một trong những mục tiêu trọng điểm mà mỗi địa phương cần thực hiện. Chúng tôi đang cố gắng giúp nông dân Văn Chấn các yếu tố quan trọng để sản xuất nông sản hàng hóa, nhưng thái độ tích cực, sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm của người nông dân mới là yếu tố quan trọng, quyết định hiệu quả và tính bền vững của sản xuất”.

Gắn kết cộng đồng

Bên các vùng chuyên canh lúa gạo đặc sản là các vùng chuyên canh rau màu của nhân dân bản Hẻo, TTNT Liên Sơn và bản Chanh, xã Phù Nham. Điều đặc biệt trong phương thức sản xuất là sự liên kết sản xuất, lựa chọn cơ cấu cây trồng, thời điểm gieo trồng chủ yếu “trông chợ” chứ không “trông trời”. Khái niệm về thời vụ giờ là gối vụ. Tàn gốc cà chua, mầm mướp đắng, dưa leo đã vươn xanh, bên kia luống cà, đậu đỗ đỏ vàng mùa thu hoạch.

“Ở đây, nông sản, rau màu cho thu hoạch quanh năm. Việc tiêu thụ cũng tương đối thuận tiện, ngoài các tư thương ở địa phương thường xuyên lui tới những lúc thu hoạch rộ, bà con đều liên hệ các mối ngoài thành phố Yên Bái vào “ăn” hàng. Trồng màu vất vả nhưng bù lại, mỗi  ha cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng, cao gấp 1,5 đến 2 lần trồng lúa” bà Trần Thị Hoa, thôn bản Chanh, xã Phù Nham chia sẻ.

“Nhân định thắng thiên”, những đồi, vườn, ruộng của những người nông dân Văn Chấn hôm nay đã nối lại với nhau tạo thành những vùng chuyên canh hiệu quả bền vững. Liên kết nhóm hộ không chỉ giúp người nông dân chia sẻ kinh nghiệm, chọn cây, con giống, định hướng giúp nhau về thị trường tiêu thụ và chung tay xây dựng thương hiệu cho mỗi loại nông sản mà còn đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nhận thức, chủ động làm chủ vận mệnh của mình để “lợi nhà, ích nước”. 

Ai đó ví rằng: “Mùa xuân về, mỗi nông dân là một bông hoa, nông thôn là luống hoa và nông nghiệp là vườn hoa tươi thắm, ngát hương tô điểm cho đất nước Việt Nam”, thì những gì đã mắt thấy tai nghe quả là như thế!

Minh Doan

Các tin khác
Một góc trung tâm huyện Yên Bình.

YBĐT - Trong niềm vui hân hoan đón chào năm mới, người dân Yên Bình (Yên Bái) rất tự hào về những thành quả đã đạt được trong năm 2012 vừa qua. Thành quả đó là niềm tin, là sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện vững bước vào xuân.

Chuẩn bị cây giống trồng rừng vụ xuân.

YBĐT - Năm 2013, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng 15.000ha rừng phòng hộ, rừng kinh tế, trong đó có 9.000ha được trồng trong vụ xuân. Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng trong điều kiện thời tiết bất ổn, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, cần phải có giải pháp, kế hoạch cụ thể từ tỉnh đến cơ sở.

Sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực tiếp cận đất đai giúp Yên Bái sánh vai với các tỉnh trong khu vực. Ảnh minh họa

YBĐT - Gần tám mươi ngày trước thềm năm mới, cuộc hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã diễn ra tại Yên Bái.

Đồng chí Lưu Văn Đoàn - Chủ tịch UBND huyện kiểm tra việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại xã An Bình.

YBĐT - Những kết quả đạt được sau hơn 4 năm thực hiện Đề án thâm canh 1.000ha ruộng nước 2 vụ và một vụ ba trên đất 2 lúa ở Văn Yên (Yên Bái) là sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã xây dựng được những cánh đồng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục