Giữ thương hiệu chè Yên Bái
- Cập nhật: Thứ tư, 6/2/2013 | 9:53:49 AM
YBĐT - Nếu biết khai thác, có cơ chế tốt thì Yên Bái sẽ giàu lên từ chè, sản phẩm không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn đủ sức chinh phục mọi người nghiền chè trên thế giới.
Vùng chè nguyên liệu Văn Chấn.
|
Nếu nói về diện tích chè thì Yên Bái vẫn đứng sau Lâm Đồng nhưng Yên Bái lại là địa phương có những cây “chè tổ” Shan tuyết trên 300 tuổi, được xếp vào một trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới. Không chỉ vậy, sản phẩm chè Shan tuyết Văn Chấn, Trạm Tấu thơm ngon, tinh khiết đến lạ thường bởi chúng phát triển hoàn toàn tự nhiên, mộc mạc như người vùng cao, chỉ chắt lọc những tinh tuý của đất trời Tây Bắc.
Không phải dân làm chè, không phải người nghiền trà nhưng tôi lại có “duyên” với chè. Chưa có vùng chè nào trong tỉnh là tôi chưa đặt chân tới! Từ cây chè tổ trên 300 năm tuổi ở Suối Giàng đến những cây chè Shan tuyết ở Nậm Mười, An Lương, Nậm Búng, Gia Hội (Văn Chấn), Phình Hồ (Trạm Tấu) đến nương chè của những người lính Cụ Hồ ở thị trấn Nông trường Trần Phú hay vùng chè Yên Bình, Trấn Yên. Thế nhưng mỗi lần đến, đi trong tôi luôn lưu luyến, khắc khoải.
Lần này cũng vậy, trong cái gió heo may từ trung tâm huyện lỵ Văn Chấn, vượt qua hơn 10 km đường bồng bềnh trong sương đến với vùng chè ở xã vùng cao Phình Hồ, huyện Trạm Tấu. Cũng là chè Shan tuyết nhưng những cây chè ở đây không cổ thụ, không có các nhánh đan cài vào nhau như ở Suối Giàng mà mọc thẳng và tạo thành những rừng cây tự nhiên, có lá to và xanh ngắt. Sùng A Rua, người dân tộc Mông lý giải, cây chè ở đây quanh năm ngậm sương mù thành tuyết nên chè này mới gọi là chè Shan tuyết!
Chè Phình Hồ không chỉ cây to mà khả năng chống hạn, chịu rét và kháng sâu bệnh tốt nên lá mập và hấp dẫn bởi giá trị thực tế từ tỷ lệ đường, caffein nhiều hơn, tỷ lệ tananh ít hơn so với chè trồng ở nơi khác. Hấp dẫn thế nên có cả thương nhân người Hà Lan đến tận Phình Hồ để liên kết với nhà máy, người dân ở đây sản xuất chè xanh rồi mang về nước tiêu thụ.
Như để minh chứng, Giàng A Lầu - Trưởng nhóm câu lạc bộ “chè sạch” pha một ấm chè mới mời khách, chè rót ra nước vàng sóng sánh như mật ong, nhấp ngụm đầu tiên thấy vị chan chát, nhưng khi trôi đến họng thì vị ngọt lan tỏa. Bởi đã nói, chè Shan vùng Phình Hồ hay Suối Giàng, Nậm Búng, Gia Hội, Sơn Lương... chắt lọc tinh tuý của sương mù, của mây, của núi.
Hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái có khoảng 2 ngàn ha chè Shan tuyết. Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, chè Shan tuyết Suối Giàng là đặc sản và luôn là sự lựa chọn của người sành chè trong và ngoài nước. Chè Shan tuyết Suối Giàng đã được vinh danh thương hiệu chè Việt. Sau này có chè Bát Tiên Trấn Yên, Bát Tiên của doanh nghiệp chè Thành Công, Ô Long, doanh nghiệp chè Phú Tài... đã đều chinh phục được những khách hàng khó tính dẫu giá 1 kg chè không hề rẻ, loại ngon cũng có giá cả triệu đồng, chè “5 cực” Suối Giàng có giá trên 5 triệu đồng/kg mà không dễ gì mua được.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có khoảng 2.000ha chè Shan tuyết.
Trong miên man chuyện chè, ông Hoàng Đức Thủy - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Phú Tân nói: “Chưa có vùng chè nào trên thế giới mà tôi chưa đặt chân tới, từ Xrilanca, Ấn Độ đến vùng chè nổi tiếng Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) nhưng không đâu sánh được với chè Việt Nam, nhất là chè Shan tuyết cổ thụ Yên Bái.
Nếu biết khai thác, có cơ chế tốt thì Yên Bái sẽ giàu lên từ chè, sản phẩm không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn đủ sức chinh phục mọi người nghiền chè trên thế giới. Bởi lẽ không chỉ lớn về diện tích và có những cây chè hàng trăm năm tuổi mọc tự nhiên trên núi cao mà còn hàng chục vạn hộ dân sống và gắn bó với chè, hiểu tường tận về chè mà không phải nơi nào cũng có. Đó là “tài sản” quý”.
Để sản xuất, kinh doanh chè hiệu quả, người làm chè sống được bằng chè, nhiều ý kiến cho rằng nhất thiết Yên Bái phải “tái cơ cấu” ngành chè. Trong sản xuất nông nghiệp, người dân, doanh nghiệp cần hướng đến sản xuất chè sạch, chè an toàn, thay đổi từ làm chè bằng kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; ngành nông nghiệp, các huyện, thị phải thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân, doanh nghiệp về sản xuất, chế biến chè an toàn, chè sạch.
Trong những năm gần đây Yên Bái đã có cơ chế “đặc thù” trong trồng và cải tạo giống chè, tuy nhiên, chúng ta mới làm được phần ngọn còn vấn đề chính là chăm sóc, thu hái theo VietGap, đến chế biến thì chưa làm được. Một vấn đề cốt lõi trong sản xuất chè sạch, chè an toàn là phải có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp. Sự liên kết này chỉ bền chặt và thành công khi lợi ích các bên được đảm bảo hài hoà.
Trong chế biến phải rà soát và sàng lọc chọn doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính, công nghệ chế biến tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh công nghiệp để đầu tư phát triển. Tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư mang tính “đặc thù” riêng trong sản xuất chế biến chè, nhất là trong chế biến chè sạch, chè an toàn, chè tinh. Đặc biệt ưu tiên những nhà đầu tư vào chế biến chè đặc sản Shan tuyết vùng cao.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Đi khắp thị trấn Nông trường Trần Phú, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi lớn của người dân nơi đây. Những ngôi nhà mới xây, những biệt thự xanh lộng lẫy mọc xen lẫn những vườn cam trĩu quả vàng mọng dưới nắng hanh khiến cho quang cảnh làng quê càng trở nên trù phú...
YBĐT - Đồng chí Nguyễn Văn Lịch - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết: “Một trong những hoạt động nổi bật nhất trong phát triển kinh tế, xã hội năm 2012 của huyện Văn Chấn chính là thực hiện tốt phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn”.
YBĐT - Ai đó ví rằng: “Mùa xuân về, mỗi nông dân là một bông hoa, nông thôn là luống hoa và nông nghiệp là vườn hoa tươi thắm, ngát hương tô điểm cho đất nước Việt Nam”, thì những gì đã mắt thấy tai nghe quả là như thế!
YBĐT - Trong niềm vui hân hoan đón chào năm mới, người dân Yên Bình (Yên Bái) rất tự hào về những thành quả đã đạt được trong năm 2012 vừa qua. Thành quả đó là niềm tin, là sức mạnh để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện vững bước vào xuân.