Hồn đá

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/2/2013 | 10:19:24 AM

YBĐT - Những bức tranh nghệ thuật được thổi hồn từ đá quý thiên nhiên hay chơi đá cảnh, đá phong thủy không chỉ còn là vật trang trí để tô thêm vẻ đẹp cho không gian ngôi nhà mà còn phục vụ nhu cầu tâm linh của mỗi người với hy vọng một năm mới tràn đầy sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc và may mắn.

Một bức tranh phong cảnh với chất liệu đá quý.
Một bức tranh phong cảnh với chất liệu đá quý.

Tranh đá quý Lục Yên được tạo nên từ những báu vật của thiên nhiên ban tặng, qua bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân đã gửi gắm cả tâm hồn và tình yêu, niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật, tạo nên những bức tranh lung linh, huyền ảo, rực rỡ sắc màu… góp phần tô thắm thêm vẻ đẹp cho một vùng đất hiếu khách, vốn được mệnh danh là đất Ngọc.

Đến Lục Yên vào những ngày đầu xuân mới, tôi ghé thăm khu chợ đá quý nằm ngay ở phía đông bờ hồ thị trấn Yên Thế thơ mộng. Cả một góc phố huyện với những dãy nhà cao tầng, san sát nhau là các cơ sở chuyên sản xuất, chế tác và bày bán các sản phẩm đá quý hiếm như: ruby, saphire… rồi những đồ trang sức bằng đá quý, đá cảnh, đá phong thủy và những bức tranh nghệ thuật được làm bằng từ đá quý thiên nhiên… Náo nhiệt người bán kẻ mua ở nơi này tạo nên một nét đặc trưng “độc nhất vô nhị” chỉ có trong các phiên chợ  vùng đất Ngọc Lục Yên.

Cơ sở sản xuất tranh đá quý Hồng Ngọc của chị Nguyễn Thị Hằng, tổ 11, thị trấn Yên Thế là một trong những địa chỉ sản xuất tranh đá quý nghệ thuật có tiếng trong làng tranh đá quý Lục Yên. Rất bận rộn với khách đặt hàng, chị Hằng vẫn dành thời gian tiếp tôi. Nhớ lại thời hoàng kim - thập niên 90 của thế kỷ trước, Lục Yên được coi là “vương quốc” của đá quý.

Chị Nguyễn Thị Hằng và chiếc cúp công nhân sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2012 của cơ sở Hồng Ngọc.

Chị Hằng bảo: “Thời bấy giờ, ở Lục Yên đã xuất hiện rất nhiều các loại đá quý hiếm như: ruby, saphire… Khắp nơi, người người  đổ về tìm kiếm, đào đãi đá đỏ mong tìm vận may đổi đời; gia đình mình cũng không ngoại lệ”. Là người lớn lên ở vùng đất này, cả hai vợ chồng chị cũng đã có mặt khắp các bãi đá An Phú, Liễu Đô, Minh Tiến, Tân Lĩnh,… nhưng rồi những viên đá quý cũng hiếm và cạn kiệt dần, chỉ còn những viên “mắt tôm” tí xíu đủ sắc màu thì nhiều vô kể. Nhưng bấy giờ hầu như chưa ai nghĩ đến việc chế tác để làm tranh đá quý.

Nhận thấy nguồn tài nguyên quý giá ấy, năm 1996, chị Hằng đã bắt đầu sử dụng chúng để ghép thành những bức tranh đá. Trước đây, đá này chỉ được biết đến qua đồ trang sức, nhưng nay những viên “mắt tôm” đã đi vào tranh với một vẻ đẹp khác lạ. Vẻ đẹp ấy nằm ngay trên chính chất liệu, làm nên nét đặc trưng riêng của tranh đá quý.

Chị Nguyễn Thị Hằng (ngồi giữa) trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chế tác tranh đá quý với những người thợ trẻ.

Tranh đá Lục Yên từ hình thức cho đến cách làm khác hẳn so với những cách làm tranh khác. Những người thợ phải chọn kỹ từng viên đá trong hàng chục loại đá và lựa chọn từng hạt to, nhỏ khác nhau cho phù hợp để tạo nên các mảng màu hài hòa cho mỗi bức tranh.

Chị Hằng chia sẻ: “Nghề làm tranh đá đòi hỏi tỉ mỉ, lắm công phu. Dù quy mô lớn hay nhỏ, công đoạn sản xuất tranh vẫn tuân thủ cách chế tác thủ công. Từ viên đá trắng, hạt đá ruby, saphire… li ti để tạo nên những bức tranh sống động, hài hòa, hấp dẫn, được mọi người ưa thích, phải qua rất nhiều khâu. Tuyển chọn nguyên vật liệu như lựa, phân loại từng màu đá, kích cỡ. Xong, cũng chưa thể làm tranh ngay mà còn phải tẩy rửa sao cho óng ánh, hạt đá tròn đều, trơn mịn… thì tranh mới đẹp. Sau đó, đòi hỏi những người thợ phải có lòng kiên trì, trí tưởng tượng phong phú với con mắt nghệ thuật, thẩm mỹ cao… Màu sắc, bố cục mỗi bức tranh thể hiện một vẻ đẹp của tâm hồn, trí tuệ và tính sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân”.

Mới đây, để giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong và ngoài nước, cơ sở sản xuất của chị Hằng đã mạnh dạn tham gia cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. 3 bức tranh đá quý, gồm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ruộng bậc thang Mù Cang Chải và bức tranh với chủ đề “Quê mẹ” đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Yên Bái và khu vực phía Bắc năm 2012. Qua đó, bạn bè các tỉnh trong khu vực, đối tác biết đến, cơ sở sản xuất tranh đá quý Hồng Ngọc của chị Hằng đã cung cấp hàng trăm bức tranh cho thị trường trong, ngoài nước.

3 bức tranh đá quý, gồm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ruộng bậc thang Mù Cang Chải và bức tranh với chủ đề “Quê mẹ” đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Yên Bái và khu vực phía Bắc năm 2012.

Không ồn ào và chóng vánh qua nhanh như thời đá đỏ ruby, sau gần 20 năm phát triển, sản phẩm tranh đá Lục Yên đang dần tìm được cho mình chỗ đứng trong làng tranh Việt Nam. Người làm tranh đá đất Ngọc giờ cũng đã chuyên tâm hơn với nghề.

Trần Văn Hùng, người quê gốc Lục Yên, có hơn chục năm gắn bó với nghề làm tranh ở cơ sở Hồng Ngọc, cho hay: “Giá trị của tranh không hoàn toàn phụ thuộc vào lượng và giá trị của chất liệu mà nó được nhìn nhận ở góc độ nghệ thuật; ở sự nông - sâu, sự phối màu, chuyển cảnh tinh tế hay thô lộ thông qua kích cỡ, mảng màu sáng tối kỳ ảo của sắc đá tạo nên vẻ đẹp tinh tế của bức tranh. Thông thường, một bức tranh có khổ 90 x 120 cm, bình dân, giá cũng từ 2 đến 3 triệu đồng; có bức tranh khổ lớn trị giá hàng chục triệu đồng, tùy sở thích của khách hàng có bức tranh làm cả tháng trời mới xong”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Yên có khoảng trên 40 cơ sở sản xuất, chế tác tranh đá quý lớn nhỏ với rất nhiều mẫu mã sinh động, phong phú. Đây cũng là nơi duy nhất trong cả nước có nghề làm tranh đá quý và là ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp mũi nhọn, mang lại việc làm, thu nhập cho lao động địa phương. Điều mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế tác tranh đá quý ở Lục Yên mong mỏi đó là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tranh đá quý.

Việc thành lập Hiệp hội những người sản xuất kinh doanh tranh đá là cơ hội để các doanh nghiệp và người làm tranh đá Lục Yên nâng cao sức cạnh tranh, tìm kiếm thị trường hướng tới xuất khẩu trực tiếp, từng bước tìm ra giá trị thực của nghề làm tranh đá quý.

Những bức tranh nghệ thuật được thổi hồn từ đá quý thiên nhiên hay chơi đá cảnh, đá phong thủy không chỉ còn là vật trang trí để tô thêm vẻ đẹp cho không gian ngôi nhà mà còn phục vụ nhu cầu tâm linh của mỗi người với hy vọng một năm mới tràn đầy sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc và may mắn.

Đức Toàn

Các tin khác
Vùng chè nguyên liệu Văn Chấn.

YBĐT - Nếu biết khai thác, có cơ chế tốt thì Yên Bái sẽ giàu lên từ chè, sản phẩm không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn đủ sức chinh phục mọi người nghiền chè trên thế giới.

Mùa thu hoạch cam ở Văn Chấn.
(Ảnh: Tiến Lập)

YBĐT - Đi khắp thị trấn Nông trường Trần Phú, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi lớn của người dân nơi đây. Những ngôi nhà mới xây, những biệt thự xanh lộng lẫy mọc xen lẫn những vườn cam trĩu quả vàng mọng dưới nắng hanh khiến cho quang cảnh làng quê càng trở nên trù phú...

Làm đường giao thông nông thôn liên tổ dân phố 1 + 2 thị trấn Nông trường Liên Sơn.

YBĐT - Đồng chí Nguyễn Văn Lịch - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết: “Một trong những hoạt động nổi bật nhất trong phát triển kinh tế, xã hội năm 2012 của huyện Văn Chấn chính là thực hiện tốt phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn”.

Vợ chồng anh Đỗ Xuân Việt, thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La, vụ cam năm 2012 thu hơn 1 tỷ đồng.  (Ảnh: Tiến Lập)

YBĐT - Ai đó ví rằng: “Mùa xuân về, mỗi nông dân là một bông hoa, nông thôn là luống hoa và nông nghiệp là vườn hoa tươi thắm, ngát hương tô điểm cho đất nước Việt Nam”, thì những gì đã mắt thấy tai nghe quả là như thế!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục