Về miền gạo trắng nước trong

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/2/2013 | 1:54:32 PM

YBĐT - Từ Yên Bái trời mưa lâm thâm là thế mà vượt qua đèo Ách, trời quang nắng đẹp. Trời phú cho khu vực miền Tây vừa được cảnh sắc lại được khí hậu ôn hòa. Bên đường, nhiều vườn đào đã bung hoa đón xuân sớm. Qua dốc Thái Lão, diện mạo cánh đồng hiện ra rõ nét với chiều rộng ngút tầm mắt, thật xứng câu ca "Nhất Thanh, nhì Lò…".

Là cánh đồng lớn thứ nhì Tây Bắc, diện tích tự nhiên đến gần ba mươi cây số vuông, Mường Lò là nơi tập trung sinh sống của hàng vạn đồng bào Thái, Mường, Kinh, Khơ Mú… Điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo cho nơi đây cái nôi của nền văn minh lúa nước từ rất sớm, với câu ca nổi tiếng "Muốn ăn gạo trắng nước trong/ Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò".

Từ Yên Bái trời mưa lâm thâm là thế mà vượt qua đèo Ách, trời quang nắng đẹp. Trời phú cho khu vực miền Tây vừa được cảnh sắc lại được khí hậu ôn hòa. Bên đường, nhiều vườn đào đã bung hoa đón xuân sớm. Qua dốc Thái Lão, diện mạo cánh đồng hiện ra rõ nét với chiều rộng ngút tầm mắt, thật xứng câu ca "Nhất Thanh, nhì Lò…".

Từ trên cao nhìn xuống, Mường Lò như chiếc chảo lớn, bao bọc xung quanh là hàng dãy núi nhấp nhô. Mường Lò có diện tích canh tác lúa nước khoảng 2.400 ha, trong đó huyện Văn Chấn 1.700 ha, Nghĩa Lộ trên 700 ha.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cây lúa, trong đó có việc đưa lúa chất lượng cao vào gieo cấy, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn Nguyễn Văn Toản chia sẻ: “Về thâm canh năng suất, cả vùng đã đạt trên mười tấn hai vụ. Nhưng để nâng cao giá trị thì phải đưa giống có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng. Văn Chấn đã có chương trình xây dựng một ngàn ha lúa chất lượng cao. Về chuyển đổi lúa chất lượng cao của Văn Chấn phải nói tới Phù Nham và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ”.

Trên con đường thảm nhựa êm ả, qua ngòi Cửa Nhì xanh mát, chúng tôi xuống tổ dân phố 3B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, một điểm sáng về “dồn điền đổi thửa” và thâm canh lúa chất lượng cao. Vừa  xong vụ lúa bội thu, đồng đất nơi đây đã xanh màu ngô, cà chua, rau đậu…, những loại cây đem lại cho người nông dân thu nhập chẳng kém gì lúa.

Trong không khí rộn rã ngày cuối năm, ông Vũ Đăng Lư - Trưởng khu phố đồng thời là một nông dân chính hiệu quê Thái Bình lên đây lập nghiệp cho biết: Diện tích của cả khu trên 34 ha lúa nước. Trước đây ruộng đất cũng manh mún, mỗi nhà vài mảnh không tiếp giáp nhau, gây khó khăn cho việc thâm canh. Sau khi có chủ trương của huyện về “dồn điền đổi thửa”, bà con đã tự nguyện sang đổi cho nhau, giờ đây đất nhà nào nhà nấy đã “ra tấm ra miếng”!”.

Khi hỏi về chương trình sản xuất gạo chất lượng cao, ông say sưa:  Phải công nhận việc tỉnh, huyện và địa phương đưa cái “anh” chất lượng cao vào gieo trồng thật đúng đắn, sản xuất thì không có gì khó khăn nhưng hiệu quả thì cực kỳ! Cũng một công chăm sóc, năng suất ngang nhau nhưng giá thành gấp rưỡi thậm chí có lúc gấp đôi giống cũ.

Với 5.000 mét vuông ruộng, gia đình ông Lư cấy toàn bộ lúa thuần chất lượng cao là giống Séng Cù. Có thời điểm 20 ngàn đồng/kg thóc, đầu ra ổn định, qua vài năm, cây lúa chất lượng cao đã góp phần giúp  80% hộ dân trong tổ dân phố có nhà xây, điều kiện sống tốt hơn. Vụ xuân này, tổ dân phố cũng phấn đấu 80% diện tích cấy giống chất lượng cao.

Qua tổ dân phố 3B đến Phù Nham - một xã thuần nông. Trải qua nhiều lần vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Chủ tịch UBND xã Phù Nham Nguyễn Văn Duyên đã có vài chục năm gắn bó với đồng đất nơi đây, cho biết: Để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, năm nay, xã chỉ đạo làm 100 ha lúa Chiêm Hương, J03, ĐH1, Séng Cù ở các  thôn Nam Hăn 1,2,3 và Ta Tiu. Qua đánh giá, năng suất tương đương giống lúa lai, chịu rét tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với lúa lai, đầu ra rất tốt, sản xuất đến đâu bán hết đến đấy.

Cùng Văn Chấn, với tổng diện tích gieo cấy 707,73 ha, từ năm 2008 đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã thực hiện Dự án 500 ha lúa chất lượng cao (chiếm trên 70% diện tích đất ruộng) với các giống lúa Chiêm Hương, HYH 100, Nghi Hương 305...

Bà Lê Thị Kim Hoa - Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: Cùng với việc tăng cường vận động nhân dân thực hiện hiệu quả và chất lượng Dự án, thị xã đã tích cực vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật như sử dụng phân viên nén dúi sâu... nên năng suất bình quân đạt từ 65 - 70 tạ/ha/vụ, giá thành cao hơn nhưng đầu ra không phải lo.
Nghĩa Lợi là xã nằm trọn trong cánh đồng Mường Lò, cây lúa luôn là người bạn thủy chung bao đời.

Ông Lê Văn An, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với trên 100 ha đất lúa, có đến 80% diện tích của xã được gieo trồng bằng các loại giống năng suất, chất lượng cao. Với 3.000 mét vuông đất, bà Hà Thị Vân - bản Chao Hạ 2 đã đưa giống lúa chất lượng cao vào gieo trồng ba, bốn năm nay. Mặc dù cây lúa chất lượng cao “khó tính hơn”, phải đầu tư, chăm sóc kỹ hơn so với lúa thường nhưng bù lại giá trị cao hơn từ vài ba đến năm, bảy ngàn đồng/kg, có thời điểm giá gấp đôi nên gia đình vẫn cấy. Bà tâm sự: Chẳng tội gì mà không trồng những giống lúa này, ăn cũng ngon mà bán cũng giá trị.

Đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với đồng bào Thái tổ Tông Co 5, phường Tân An (thị xã Nghĩa Lộ) về việc huy động làm đường giao thông nông thôn. (Ảnh: Đức Toàn)

Lang thang trên cánh đồng Mường Lò thẳng cánh cò bay, nghĩ về đồng đất, về cây lúa, về cuộc sống người dân, tôi nhớ về câu chuyện sử thi của người Thái khi hai anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần tìm nơi lập nghiệp. Tạo Nguồn lên Mường Then (Mường Thanh ngày nay) xây dựng bản làng người Thái Trắng. Còn Tạo Xuông cùng con là Tạo Lò và các cháu là Ta Đúc, Ta Đẩu, Lò Lại Trượng, Lò Lạng Quạn thấy đồng đất bằng phẳng, màu mỡ, nguồn nước dồi dào đã nối tiếp nhau cai quản, xây dựng nên vùng đất tổ tiên của người Thái Đen ở khắp vùng Tây Bắc tạo nền văn minh lúa nước.

Không hiểu ngày xưa các cụ giải thích thế nào về sự ngon của hạt gạo Mường Lò nhưng theo các nhà khoa học ngày nay, do nằm ở độ cao 250 mét so với mặt biển, nằm trong vùng đất cổ thuộc cấu tạo địa chất Indonixit, lượng bức xạ nhiệt luôn dương tạo ra các sinh khối lớn, độ ẩm thấp so với một số nơi trong khu vực, tầng dày phong hóa lớn nên thiên nhiên đã ban tặng cho Mường Lò phù sa màu mỡ bồi lắng từ ngàn năm.

Cánh đồng lại được cung cấp nước tưới mát từ ngòi Thia, ngòi Nung, Nậm Tộc…., dưới bàn tay lao động cần cù của người Thái, Mường, Kinh… làm nên hạt gạo trắng thơm. Tôi nhẩm tính, Mường Lò hiện nay có khoảng 2.400 ha lúa, nếu nhân một ha là mười tấn, mỗi năm cánh đồng đã cho sản lượng trên hai mươi ngàn tấn.

Chỉ riêng thị xã Nghĩa Lộ có 2.249 ha, 1.319 ha đất nông nghiệp, trong đó đất sản xuất lúa hai vụ 720 ha, trên 500 ha sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, năng suất trên 12 tấn/ha/năm đã góp phần đưa giá trị canh tác trên cánh đồng Mường Lò đạt 100 triệu đồng/ha vào năm 2009 và 121 triệu đồng/ha vào năm 2012.

Ở Nghĩa Lộ nói đến doanh nghiệp tư nhân Nhân Thu, chuyên chế biến cung cấp gạo cho vùng và các tỉnh miền xuôi thì nhiều người biết. Với công suất chục tấn/ngày, gạo của doanh nghiệp sau khi chế biến đóng gói bao bì đẹp, có nhãn mác, nếu mua lẻ đã có túi đựng từ 5 kg đến 10 kg. Chị Thu - chủ doanh nghiệp cho biết: Gia đình chế biến gạo cung cấp cho thị trường trên hai mươi năm nay. Tuy nhiên trước đây chỉ làm nhỏ lẻ, từ 2010 khi nhiều loại lúa chất lượng cao đưa vào gieo trồng, gia đình đã đầu tư dây chuyền chế biến để thu mua gạo cung cấp cho thành phố Yên Bái và các tỉnh lân cận như Hà Nội, Lai Châu, Lào Cai…

Qua câu chuyện với chủ doanh nghiệp được biết với vào những thời điểm mùa vụ, doanh nghiệp của chị mua hàng chục tấn gạo, khách hàng thường xuyên là Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc đặt mối để cung cấp cho các siêu thị trong nước. Lúc cao điểm “cung” không đủ “cầu”, nhất là các loại gạo Séng Cù, Chiêm Hương… Cầm nắm gạo Séng Cù Mường Lò, hạt dài, trắng, trăm hạt tăm tắp như một, tỏa hương, đúng là “ ngọc của trời đất”.

Chẳng vậy mà nhiều người sành ăn đã nhận xét gạo Mường Lò thơm ngon chẳng kém gì các loại gạo đã có thương hiệu như Séng Cù của Mường Khương, tám thơm, nếp cái hoa vàng của Nam Định. Hạt lúa Mường Lò dẻo thơm, thuần hậu như chính người Mường Lò vậy!

Nguyễn Đình

Các tin khác
Một bức tranh phong cảnh với chất liệu đá quý.

YBĐT - Những bức tranh nghệ thuật được thổi hồn từ đá quý thiên nhiên hay chơi đá cảnh, đá phong thủy không chỉ còn là vật trang trí để tô thêm vẻ đẹp cho không gian ngôi nhà mà còn phục vụ nhu cầu tâm linh của mỗi người với hy vọng một năm mới tràn đầy sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc và may mắn.

Vùng chè nguyên liệu Văn Chấn.

YBĐT - Nếu biết khai thác, có cơ chế tốt thì Yên Bái sẽ giàu lên từ chè, sản phẩm không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn đủ sức chinh phục mọi người nghiền chè trên thế giới.

Mùa thu hoạch cam ở Văn Chấn.
(Ảnh: Tiến Lập)

YBĐT - Đi khắp thị trấn Nông trường Trần Phú, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi lớn của người dân nơi đây. Những ngôi nhà mới xây, những biệt thự xanh lộng lẫy mọc xen lẫn những vườn cam trĩu quả vàng mọng dưới nắng hanh khiến cho quang cảnh làng quê càng trở nên trù phú...

Làm đường giao thông nông thôn liên tổ dân phố 1 + 2 thị trấn Nông trường Liên Sơn.

YBĐT - Đồng chí Nguyễn Văn Lịch - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết: “Một trong những hoạt động nổi bật nhất trong phát triển kinh tế, xã hội năm 2012 của huyện Văn Chấn chính là thực hiện tốt phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục