Áp lực và dư luận đa chiều

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/3/2014 | 9:32:40 AM

YBĐT - Những công bố chính thức của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) về những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm nay đã thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận.

Khoảng cách giữa các môn thi đang là áp lực lớn với học sinh. (ảnh minh họa)
Khoảng cách giữa các môn thi đang là áp lực lớn với học sinh. (ảnh minh họa)

Ghi nhận chung là học sinh phấn khởi vì áp lực giảm, các nhà trường  kỳ vọng chất lượng, kết quả mới trong kỳ thi. Tuy nhiên, cũng có những áp lực mới cho cả học sinh,  nhà trường và  cơ quan quản lý giáo dục và  cả những băn khoăn về đổi mới thi cử kỳ này.

Giảm sức ép cho thầy và trò

Thi tốt nghiệp trước đây từ 6  nay chỉ còn 4 môn. Trong đó, môn Toán và Ngữ văn  thi bắt buộc, hai môn tự chọn nằm trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Ngoại ngữ. Một khảo sát nhỏ của chúng tôi ở Trường THPT Đồng Tâm cho thấy, 100% học sinh cuối cấp được hỏi đều đồng tình với đổi mới như trên. Nguyễn Mạnh Hùng - một trong những học sinh khối 12 tâm sự: “Giảm số môn thi, đưa Ngoại ngữ vào trong các môn tự chọn nên giảm sức ép về thi cử cho chúng em”.

Một khảo sát nhỏ trong số những học sinh lớp 12 ở Trường THPT Nguyễn Huệ cũng ghi nhận, tất cả những học sinh được hỏi đều cho rằng, giảm môn thi tốt nghiệp là giảm áp lực thi  và sẽ làm thay đổi kết quả thi vì học sinh có cơ hội ghi điểm cao ở những môn thi tự chọn, có sở trường. Hoàng Thị Minh Thư một học sinh  rất phấn khởi, em cho rằng, mình có nhiều thời gian hơn để tập trung vào ôn thi và lo lắng về ngoại ngữ đã được giải tỏa vì sẽ chọn môn Hóa, Sinh học để thi - những môn em thích học và học khá hơn.

Có thể nói, ở các trường THPT, sự hào hứng của học sinh khối 12 kéo dài nhiều ngày qua. Giảm số môn thi không chỉ học sinh mà nhà trường, giáo viên cũng giảm đáng kể áp lực.

Trao đổi với một số giáo viên ở Trường THPT Lý Thường Kiệt, chúng tôi được biết, việc tổ chức ôn thi cùng lúc 6 môn cho học sinh cuối cấp như trước đây là công việc khá vất vả, chiếm nhiều thời gian của thầy, cô. Năm nay, môn thi từ 6 giảm còn 4, học sinh giảm được thời gian và số môn thi phải ôn tập, do vậy chất lượng ôn luyện của thầy và trò chắc chắn cũng sẽ cao hơn.

Thực tế, việc đổi mới thi đã có những tác động khá mạnh đến tâm lý và việc dạy, học ôn hiện nay. Dễ nhận thấy nhất là các "lò" ôn ngoại ngữ đang vơi dần số học sinh đến ôn luyện, nhiều giáo viên dạy tiếng Anh ở thành phố Yên Bái "than phiền" về sự "rụng dần" của học sinh đến "lò". Nhìn một chiều thì rõ ràng là cải cách về thi tốt nghiệp THPT năm nay đã giảm sức ép cho cả thầy và trò, tuy rằng không phải giáo viên nào cũng phấn khởi !

 

Học sinh lớp 12D1, Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái) trao đổi kiến thức trước kỳ thi tốt nghiệp.

Có thêm áp lực mới?

Phấn khởi của số đông học sinh lớp 12 là môn Ngoại ngữ đã được Bộ GD - ĐT “loại” ra khỏi vòng bắt buộc để đứng trong số những môn tự chọn. Một số đông học sinh đã mừng hụt khi trước đó đã có ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT đưa môn Ngoại ngữ thành môn thi khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Áp lực mới cho học sinh “ngại” ngoại ngữ cũng từ đây vì bên cạnh phần thi trắc nghiệm, môn thi Ngoại ngữ năm nay sẽ có phần thi tự luận do khả năng viết tự luận bằng ngoại ngữ của học sinh đến đâu?

Em Hoàng Ngọc Hoa, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ cho rằng, đây là môn thi khó và sẽ có nhiều bạn sẽ bỏ môn tiếng Anh để thi môn khác. Theo em, tự luận đòi hỏi trước hết phải có tư duy, khả năng phân tích, tổng hợp, khái quát và học sinh phải khá về ngoại ngữ, cả về vốn từ lẫn ngữ pháp, trong khi học lực về ngoại ngữ của số đông học sinh THPT còn khiêm tốn.

Cũng có băn khoăn đến việc chấm điểm thi ngoại ngữ, một giáo viên bộ môn ở trường THPT Lý Thường Kiệt chia sẻ: Việc chấm điểm thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ phần trắc nghiệm thường qua máy với đáp án chung, năm nay thêm phân tự luận của học sinh thì sẽ chấm thế nào?

Trở lại về việc giảm số môn thi, đã xuất hiện nhiều vấn đề mang tính kỹ thuật mới với các nhà trường, giáo viên, cơ quan quản lý giáo dục, hội đồng thi, chấm thi. Theo Bộ GD - ĐT, có 4 môn thi tốt nghiệp (2 môn bắt buộc, hai môn tự chọn trong 4 môn gồm: Vật lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ) thi trong hai ngày, mỗi buổi thi hai môn. Theo dự kiến, mỗi phòng chỉ thi 1 môn, hội đồng thi dành khoảng hơn 1 giờ để ổn định phòng thi trước khi thi môn khác. Cách này, ở các trường cao đẳng, đại học vẫn thực hiện nhưng không ít giáo viên lo ngại khi tổ chức lần đầu ở các trường THPT.

Quan tâm lớn nhất của nhiều giáo viên và nhà trường đó là việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp THPT năm nay. Việc lấy kết quả điểm các môn tốt nghiệp cùng kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp 12 để công nhận và xếp loại tốt nghiệp dường như đang tạo một áp lực mới cho học sinh, hơn cả là giáo viên và nhà trường khi dư luận lo ngại có thể có tình trạng “chạy” điểm xảy ra!

Đa chiều

Việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD - ĐT thu hút sự quan tâm, chú ý, bản thảo khá sôi nổi trong những ngày qua. Trong đó, việc Bộ sẽ áp dụng lâu dài hay chỉ là một vài năm? Những người quan tâm đến giáo dục đang băn khoăn, lo lắng vì hiện tượng học “lệch” rồi đây sẽ xảy ra càng trầm trọng hơn!

Ông Nguyễn Văn Thành - cán bộ hưu trí phường Yên Ninh cho rằng, nếu để thi tự chọn (ngoài hai môn bắt buộc) vô hình chung khuyến khích học sinh "học lệch", vì chúng chỉ chăm chú vào học môn chúng thích, những môn khác tất sẽ sao nhãng. Như vậy, làm sao để các em có kiến thức khoa học căn bản, toàn diện ở trường phổ thông?

Một góc độ khác, anh Nguyễn Văn Sang -  một phụ huynh học sinh ở huyện Trấn Yên thì lo ngại: Thi “lệch” sẽ  “khuyến khích” học “lệch” và liệu đây có là mảnh đất tốt cho sự “chạy” điểm trước kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, đặc biệt là các môn khoa học xã hội, ví dụ như môn Lịch sử?

Trong số các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay,  học sinh phấn khởi khi ngoại ngữ được đưa vào một trong số môn tự chọn. Nhiều người tán đồng nhưng cũng có nhiều người bất đồng. Một cán bộ quản lý ngành giáo dục Yên Bái (không nêu tên) cho biết, khi họp bàn về vấn đề này, một bộ phận không nhỏ lãnh đạo ngành giáo dục địa phương trong cả nước bày tỏ quan điểm không đồng tình. Theo ông, tuy việc học môn này của một học sinh nông thôn, các huyện miền núi có khó khăn nhưng không nên thay đổi như vậy.

Một viện dẫn về chủ trương và cũng là quan tâm của một số cán bộ, giáo viên môn ngoại ngữ là quyết định đó liệu có “ngược” với Đề án về Ngoại ngữ của Bộ hay không, trong bối cảnh chung là đất nước đang tiến nhanh vào thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới và đẩy nhanh CNH – HĐH?

Góp thêm tiếng nói về việc đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, trên một diễn đàn thông tin, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT cho rằng, hệ thống giáo dục Việt Nam đang đi lên và chắc chắn sẽ có những thay đổi, nhưng chưa rõ ràng, cụ thể, do đó không thể lấy phương án thi tốt nghiệp 4 môn như thời điểm này để áp dụng cho những chủ trương giáo dục sau này. Nhưng ông cho rằng, phù hợp ở thời điểm hiện nay, nhất là ở chỗ nó đã giảm đáng kể áp lực cho học sinh.

Thời điểm này, không ít người đã dự đoán kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ rất khả quan. Theo dự đoán của Phó giáo sư Văn Như Cương  - Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội): 99,9% học sinh đỗ tốt nghiệp! Bày tỏ sự đồng tình về  những đổi mới về thi cử nhưng ông cũng lo lắng rằng với việc thi 4 môn thì sẽ không còn ý nghĩa khi hầu hết học sinh đều thi đỗ tốt nghiệp THPT! Dư luận đa chiều, nhưng có thể coi những nỗ lực đổi mới thi cử của ngành giáo dục hiện nay là cần thiết, thiết thực thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), từng bước đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.

T.A

Các tin khác
An ninh được thắt chặt tại sân bay Tân Sơn Nhất  (ảnh chụp ngày 9.3)

Sau công điện yêu cầu thắt chặt an ninh tại các sân bay, cảng vụ của Bộ trưởng GTVT ngày 8.3, ngày 9.3 an ninh tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã được siết chặt.

Máy bay của Việt Nam đã phát hiện một vệt màu lạ dài 20km nghi là vệt dầu loang trên biển.

Chiếc máy bay của Malaysia Airlines chở 239 người trên đường tới Bắc Kinh đã mất tích vào rạng sáng 8/3 tại khu vực cách mũi Cà Mau 230km. Sau 30 giờ, vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về số phận chiếc máy bay này.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gặp mặt Đoàn đại biểu nữ doanh nhân.

100 nữ doanh nhân là chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa sẽ được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu.

Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được lần lượt triển khai bắt đầu ở lớp 1, 6 và lớp 10 từ năm học 2016-2017. Đến năm học 2021-2022, các lớp cuối cấp đều thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục