Cát Thịnh nỗ lực đưa trẻ đến trường sau dịch sởi

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/3/2014 | 2:53:31 PM

YBĐT - Đợt dịch sởi diễn ra tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) khiến 249 người mắc bệnh đúng vào thời điểm tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 để lại cho chúng ta nhiều bài học về công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh, xây dựng đời sống văn hóa mới…

Học sinh Cát Thịnh đã trở lại lớp đầy đủ sau dịch sởi.
Học sinh Cát Thịnh đã trở lại lớp đầy đủ sau dịch sởi.

Khi dịch bệnh bùng phát, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành y tế đã dồn toàn lực tập trung xử lý dứt điểm. Đến nay cuộc sống của bà con, nhất là bà con người Mông ở các thôn Làng Lao, Làng Ca, Đồng Hẻo… đã trở lại bình thường; cán bộ, giáo viên các cấp học ở Cát Thịnh trút được nỗi lo khi học sinh từ các bản đã đến lớp đông đủ.

Giáo dục vùng cao có vô số khó khăn, vất vả, trong đó phải kể đến nỗi lo thường niên là duy trì sĩ số sau tết Nguyên đán vì khi đó học sinh bỏ luôn học hoặc vì mải chơi nên lười đến trường đã trở thành “căn bệnh” kinh niên. Mấy năm trở lại đây, nhờ nhận thức của người dân được nâng lên và nhờ sự nỗ lực của ngành giáo dục, tình trạng này đã được khắc phục. Tết Giáp Ngọ 2014 dù Chính phủ có quy định thời gian nghỉ dài hơn mấy tết trước nhưng các nhà trường ở xã Cát Thịnh cũng không quá lo vì đi học chuyên cần đã trở thành nếp của học sinh người Mông hay người Tày trong vùng.

Tuy thế, đến chiều ngày 8/2 (tức mùng 9 tết), học sinh, nhất là học sinh khối tiểu học chỉ lác đác đến khu kí túc xá; sáng hôm sau đã vào ngày học chính thức nhưng nhiều em vẫn chưa đến trường. Nguyên nhân được nhanh chóng xác định là do dịch sởi, nhiều cha mẹ không muốn cho con đến lớp; đặc biệt đã xuất hiện hoang tin vì nhà trường cho ăn gạo có độc nên học sinh mới ho, sốt, mọc mụn trên người.

Trước tình hình này, bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức dập dịch, chỉ đạo bà con tăng gia, sản xuất, giữ gìn trật tự trị an…, Đảng ủy, chính quyền xã Cát Thịnh đã thành lập 7 đoàn cán bộ về các bản, gặp gỡ từng hộ dân để tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu đây là một loại dịch bệnh dễ lây lan; trẻ chưa được tiêm phòng thì phải đi tiêm đầy đủ, người có bệnh phải xuống điều trị tại Trung tâm Y tế huyện; đặc biệt là các bậc phụ huynh không nên hoang mang, giữ con ở nhà không cho đến trường.

Cô giáo Phạm Thị Lâm – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cát Thịnh kể lại: Chúng tôi đã nắm được tình hình dịch bệnh nhưng không nghĩ học sinh nghỉ nhiều đến thế. Buổi học đầu chỉ có 362/523 em, học sinh vắng tập trung chủ yếu ở Làng Lao, Làng Ca và Rỵa; đặc biệt lớp  2B do cô Hoàng Thị Mai làm chủ nhiệm, tỷ lệ chuyên cần chỉ đạt 50%.

Đúng thời điểm ấy, Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện và xã Cát Thịnh đã có chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn có biện pháp huy động học sinh đi học; phối hợp với ngành y tế để phòng dịch cũng như điều trị bệnh sởi đối với những em học sinh học bán trú tại trường đã mắc phải. Thực hiện sự chỉ đạo, Ban giám hiệu nhà trường đã bố trí những giáo viên không có tiết dạy và tổ chức ghép lớp đối với những lớp có đông học sinh nghỉ học để giáo viên về các bản, cùng với giáo viên ở các điểm lẻ đến từng hộ gia đình tuyên truyền, thuyết phục các bậc phụ huynh.

Địa bàn xã Cát Thịnh rất rộng, đường đi lại còn khó khăn, nhiều điểm trường như điểm Táng Khờ phải đi cả chục cây số trong điều kiện lầy thụt, mưa rét nhưng vì học sinh, các thầy cô giáo vẫn đến được từng nhà để trao đổi, động viên các bậc phụ huynh đưa các em trở lại lớp.

Có thể nói, không dễ gì để cha mẹ người Mông cho con, nhất là những em còn mắc bệnh xuống trường vào thời điểm ấy nhưng các thầy các cô và cán bộ xã, cán bộ huyện qua tâm sự, động viên, nhất là hình ảnh các cô giáo và cán bộ y tế học đường tận tình chăm sóc các cháu ở viện, bón từng thìa cháo cho những em đang đau ốm đã lay chuyển được họ, để rồi số lượng học sinh tại các nhà trường đã tăng thêm từng ngày. Đúng một tháng sau tết, tỷ lệ chuyên cần của trường tiểu học đã là 96%, trường mầm non đạt 86%.

Được biết, thời gian của năm học cũng không còn nhiều, để bù đắp cho chương trình đã thiếu hụt vì học sinh nghỉ học, các nhà trường đã tổ chức dạy bù vào các buổi chiều, buổi tối tất cả các ngày học. Qua kiểm tra, tất cả các điểm trường đều dạy và học kịp với chương trình quy định. Thời gian gián đoạn vì dịch bệnh sẽ không làm ảnh hưởng chất lượng chuyên môn.

Cô giáo Bùi Thị Minh – Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Khe, tâm sự: “Đợt dịch vừa qua, nhà trường chỉ có 4 em mắc bệnh - một tỷ lệ rất thấp so với tổng số 462 học sinh ở 15 nhóm, 6 điểm trường, vậy mà tâm lý hoang mang đã khiến gần 50% số học sinh nghỉ học. Qua đợt dịch sởi lần này, chúng tôi đúc rút được một kinh nghiệm quý báu là phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa nhà trường với các cơ quan, ban ngành; giữa giáo viên với phụ huynh”.

Đã tròn một tháng sau khi bệnh sởi bùng phát ở Cát Thịnh, trẻ em từ các thôn bản đã tới trường, tới lớp. Năm học 2013 – 2014 đã đI hai phần ba chặng đường. Chất lượng giáo dục ở Cát Thịnh thêm một lần vượt khó đi lên nhờ sự nỗ lực của các thầy cô, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Lê Phiên

Các tin khác
Công an huyện Trấn Yên kiểm tra phương tiện xe máy trộm cắp bị thu giữ.

YBĐT - Bên cạnh việc điều tra, khám phá nhanh các vụ phạm pháp hình sự, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Những năm gần đây, Công an Trấn Yên (Yên Bái) có nhiều đổi mới trong cải cách, giảm thiểu các thủ tục hành chính.

YBĐT - “Vũ khí” hữu hiệu nhất của các nữ cảnh sát khu vực chính là tinh thần tận tụy, đức hy sinh, sự thông minh, tinh tế và tài biến hóa, linh hoạt trong ứng xử, góp phần cùng đơn vị hoàn thành thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững bình yên cho thành phố trẻ.

Ảnh minh họa

Các thí sinh dự thi vào ĐH, CĐ năm 2014 sẽ bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) theo tuyến Sở GD&ĐT từ ngày hôm nay, 17/3/2014 đến 17h ngày 17/4/2014. Tại các trường từ ngày 18/4/2014 đến 17h ngày 29/4/2014.

Vui tết chung, đồng bào Mông vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của mình. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Cũng như đồng bào Mông cả nước, người Mông Yên Bái thường ăn tết truyền thống của dân tộc mình vào dịp cuối tháng 12 dương lịch. Việc tổ chức tết thường kéo dài cả tháng trời, làm ảnh hưởng đến mùa màng, gây lãng phí tiền của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục