Mô hình trường học VNEN: Nơi tiếp tục, nơi muốn dừng

Bài 2: Còn ngại… đổi mới?

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/12/2016 | 8:30:27 AM

YBĐT - Một số trường, một số địa phương vẫn muốn tiếp tục duy trì mô hình trường học mới bởi lý do là cả học sinh và giáo viên đã quen với phương pháp mới và cũng đã có hiệu quả trong cách dạy và học. Tuy nhiên, với thành phố Yên Bái dư luận đang rất “nóng”. Hiệu quả có nhưng không muốn tiếp tục thực hiện do phụ huynh … không tin mô hình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

>> Mô hình trường học VNEN ở Yên Bái: Nơi tiếp tục, nơi muốn dừng

Khi bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình VNEN tại tỉnh Yên Bái, thành phố Yên Bái là địa phương có nhiều thuận lợi nhất, bởi đây là địa phương có trình độ dân trí cao, rất quan tâm đến việc học hành của con cái... Tuy vậy, theo đánh giá của ngành giáo dục thành phố thì đó lại chính là khó của thành phố khi triển khai VNEN và khó khăn ấy đã được hiện thực hóa bằng sự “quay lưng” của nhiều phụ huynh với VNEN.

Tại một hội nghị, lãnh đạo Phòng GD & ĐT thành phố khẳng định: “Trong 3 năm đầu triển khai mô hình đã đạt được nhiều thành tích được nhiều cấp ngành khẳng định, nhiều địa phương đến tham quan học tập, nhưng từ khi triển khai mô hình tại cấp học THCS, những dư luận trái chiều nhiều các tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tác động tới tâm lý của phụ huynh. Dẫn tới hiện tượng học sinh tại các trường VNEN xin chuyển. Có nhiều phụ huynh còn làm “động tác” xin chuyển ra ngoài thành phố rồi vài hôm xin quay trở lại một trường của thành phố nhưng không theo mô hình VNEN”.

Chỉ tính riêng năm học 2016 – 2017, hơn 100 học sinh thành phố ở hai cấp học đã chuyển đi. Chúng tôi đã thực hiện những cuộc phỏng vấn nhỏ với một số phụ huynh học sinh bậc tiểu học tại thành phố Yên Bái.

Một phần nhỏ đồng tình thực hiện mô hình, phần khác không tin tưởng lắm nhưng cứ để con học và phần nhiều là phản đối. Khi được hỏi lý do thì rất nhiều phụ huynh cho đó là việc… kê bàn học ngồi tròn, lớp học lộn xộn không có trật tự, dễ nói chuyện, không tập trung học bài, học sinh ngồi không nhìn thẳng bảng sẽ ảnh hưởng đến cột sống. Nặng nề hơn là “con tôi không phải là vật thử nghiệm”...

Đó là lý do hoàn toàn bằng cảm quan bởi hiệu quả của mô hình được đánh giá bằng chất lượng (mà ngành GD-ĐT đã chứng minh bằng các cuộc kiểm tra, khảo sát và điểm số) chứ không phải là cách học sinh ngồi học.

Hầu hết phụ huynh đều xuất phát từ những gia đình truyền thống của Việt Nam, định nghĩa về việc dạy và học là học sinh ngồi ngay ngắn mắt nhìn lên bảng, dù rằng có khi đó chỉ là ngồi chép những gì cô viết trên bảng hay cô đọc vào vở, như thế mới là dạy và học.

Để rồi “sản sinh” ra biết bao thế hệ những bạn trẻ hiện nay thay vì phát triển bản thân thành những cá thể độc lập, đam mê, sáng tạo thì họ lại được tập làm quen với việc trở thành một chiếc máy photocopy, không hơn và không kém. Trong khi mô hình VNEN hướng tới sự phát triển của cá thể độc lập. Đây chính là tư duy ngại đổi mới của chính phụ huynh học sinh đối với mô hình trường học mới.

Từ đây, có thể thấy công tác tuyên truyền tới phụ huynh học sinh về mô hình VNEN hoàn toàn chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, trong số những phụ huynh được hỏi có khá nhiều người cho biết, bản thân chưa hiểu hết về mô hình nhưng nghe dư luận nói “mô hình này không ổn” và chuyển con họ sang trường không học VNEN thì đương nhiên có suy nghĩ “những người hiểu rõ nhất về giáo dục nói thì sẽ đúng”.

Đúng như chia sẻ của bà Ngô Hồng Hạnh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái tại Hội nghị đánh giá công tác triển khai mô hình trường học mới rằng: thời gian qua lãnh đạo thành phố đã có những can thiệp tới các trường trong việc cho học sinh này chuyển đi hay không cho đi và trong đó phải giải quyết cả mối quan hệ ngay trong ngành giáo dục.

Khi người trong ngành GD & ĐT đã không tin tưởng vào mô hình thì phụ huynh học sinh không tin tưởng là hoàn toàn có căn cứ. Khó khăn khi thực hiện mô hình VNEN được ngành GD & ĐT các huyện, thị, thành phố đưa ra là cơ sở vật chất còn thiếu thốn, ở nhiều nơi còn thiếu giáo viên đảm bảo tỷ lệ giáo viên trên lớp ở bậc tiểu học... Có lẽ đó là khó khăn chung của ngành GD & ĐT tỉnh Yên Bái chứ không chỉ riêng đối với mô hình VNEN.

Với thành phố Yên Bái, lãnh đạo thành phố cũng đưa ra một loạt những khó khăn khi triển khai mô hình, đó là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa thực sự đồng bộ với mô hình VNEN, sách giáo khoa thiếu, không đồng bộ...

Ngoài ra, còn có những khó khăn về đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng, kinh nghiệm dạy VNEN, chưa thực sự tâm huyết, chưa chịu khó tìm tòi, ngại đổi mới, đặc biệt là các thầy cô giáo cao tuổi. Phải chăng, ngành GD & ĐT đang đổi mới nhưng một bộ phận cán bộ, giáo viên lại ngại thay đổi?

Vẫn biết mỗi mô hình đều phải có thời gian trải nghiệm và rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với từng điều kiện địa phương. VNEN không “đẩy lùi giáo dục” như vài ý kiến phản đối, VNEN có những mặt mạnh phù hợp với tiến trình đổi mới giáo dục. Đổi mới là sẽ khó, khó không có nghĩa là không đổi mới.

Nhìn lại quá trình triển khai mô hình trường học mới để có thể rút ra kinh nghiệm khi thực hiện bất kể một sự đổi mới nào khác đối với ngành giáo dục: cần phải đảm bảo sự đồng thuận của các cấp chính quyền, đảm bảo cán bộ giáo viên toàn ngành hiểu sâu sắc về mô hình, làm tốt công tác tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh học sinh, tránh thông tin tuyên truyền phiến diện, một chiều gây hoang mang dư luận, dẫn đến tình trạng cực đoan như đã và đang xảy ra ở thành phố Yên Bái.

Nhà giáo Lê Văn Sơn – nguyên Trưởng phòng GD & ĐT thành phố Yên Bái:

Yêu cầu đổi mới là cấp thiết để theo kịp sự phát triển của thế giới. Sau 4 năm học triển khai mô hình VNEN, chúng ta có thể rút ra rằng thầy cô giáo hoàn toàn có thể làm được nên cách dạy không phải khó, học sinh cũng làm được. Tuy vậy vẫn bộc lộ những nhược điểm như lớp đông, hệ thống quản lý thay đổi; phụ huynh hoang mang do chưa hiểu hết... Và còn nhược điểm nữa là thầy cô giáo ngại đổi mới – đây là tâm lý chung của con người. Nếu muốn làm tiếp cần thay đổi tư tưởng, tư tưởng không thông thì đeo bình tông cũng không nổi! 

Minh Tư

Các tin khác
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, cho người dân.

YBĐT - 3 mục tiêu 90 vào năm 2020 là : 90% người nhiễm HIV được xét nghiệm và biết về tình trạng nhiễm HIV; 90% người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.

Lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện Trạm Tấu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân xã Bản Mù.

YBĐT - Tham mưu giúp UBND quản lý nhà nước về công tác tư pháp, cán bộ Phòng Tư pháp huyện đã chủ động tham mưu giúp UBND huyện xây dựng, ban hành văn bản, thực hiện tốt việc thẩm định văn bản.

Các em học sinh Trường Tiểu học & THCS Âu Lâu rất hứng thú với giờ học Địa lý.

YBĐT - Công tác nghiên cứu viết đề tài, sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) trong quản lý và giảng dạy đã được đông đảo cán bộ, giáo viên hưởng ứng, tham gia.

Nhân dân xã An Phú biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

YBĐT - Tất cả các thôn của xã đã cùng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc vào đúng ngày 18/11 với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao sôi động, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng. Đây là một trong những hoạt động mà Ủy ban MTTQ xã An Phú chỉ đạo các ban công tác mặt trận ở các khu dân cư tổ chức thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục