Thay đổi tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục đại học là tất yếu
- Cập nhật: Thứ tư, 15/2/2017 | 8:48:33 AM
Theo các chuyên gia giáo dục, việc Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) xây dựng 25 tiêu chuẩn mới với 111 tiêu chí thay thế 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí trước đây là tất yếu.
|
Tính đến nay, hầu hết các trường đại học của Việt Nam đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá và trong số đó, có 32 trường đã được đánh giá ngoài, 12 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng.
Bên cạnh đánh giá của các trường, nhiều chương trình đào tạo cũng được đánh giá theo chuẩn trong nước và quốc tế. Cụ thể đã có 5 chương trình được đánh giá theo chuẩn của các nước và hơn 80 chương trình được đánh giá và đạt chuẩn quốc tế.
Đáng nói, đội ngũ đảm bảo cho hoạt động kiểm định chất lượng từ bên ngoài đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ. Cụ thể, có hơn 700 người đã hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên, trong đó có 240 người đã được cấp thẻ kiểm định viên.
Tuy nhiên, theo Phó giáo sưu, tiến sĩ (PGS.TS) Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, thời gian vừa qua, vấn đề kiểm định chất lượng đại học được đưa vào vận hành trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã đi được bước khá dài, có được những kết quả đáng ghi nhận, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
"Thứ nhất, nhận thức, chuyển biến của cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học hiện nay chưa đồng đều, kéo theo chất lượng tự báo cáo đánh giá của các nhà trường mới ở mức độ chưa đạt được yêu cầu đặt ra.
Thứ hai, cho đến nay mặc dù hệ thống văn bản đã khá hoàn chỉnh song các chế tài để khuyến khích các trường làm tốt, đặc biệt là xử lý những trường làm chưa tốt, chưa thực sự chú trọng đến công tác kiểm định chưa mạnh.
Thứ ba, các bộ công cụ đánh giá hiện nay ở chừng mực nào đó chưa theo kịp được sự vận hành, phát triển rất nhanh của thực tế giáo dục đại học, đặc biệt là theo chuẩn quốc tế", PGS.TS Mai Văn Trinh chỉ rõ.
Theo đó, vị Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: "Chính vì thế, cần thiết phải xây dựng một bộ thông tư mới, bộ công cụ mới như một thang thước để đạt được chuẩn của khu vực để các trường lấy đó đánh giá để xem mạnh ở đâu, chỗ nào chưa được để từng bước tiếp tục duy trì điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, từng bước theo chiến lược cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực. Bằng cách ấy, trong một thời gian, chúng ta sẽ có được bước chuyển biến rõ nét về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực".
GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội đồng quan điểm: "Hiện nay bộ tiêu chuẩn đánh giá các trường đại học Việt Nam bao gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí, trước khi có bộ tiêu chuẩn đánh giá này đã có một bộ tiêu chuẩn ít tiêu chuẩn và tiêu chí hơn năm 2004. Bộ tiêu chuẩn khi đó đã được 20 trường đại học áp dụng để đánh giá ngoài.
Bộ tiêu chuẩn hiện hành không bao quát hết các chức năng vốn có của các trường đại học, ví dụ kết nối với cộng đồng thì trong bộ tiêu chuẩn mới được đề cập đầy đủ hơn.
Các trường đại học hiện nay không chỉ thực hiện việc đào tạo, việc nghiên cứu mà còn phải đóng góp trở lại để kết nối cộng đồng tốt hơn, phù hợp với xu thế của Việt Nam hiện nay. Tôi muốn nhấn mạnh đến nghiên cứu đào tạo phục vụ ứng dụng, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các trường đại học càng phát triển bao nhiêu thì đòi hỏi càng lớn lên bấy nhiêu chứ không phải bỏ bớt tiêu chí đánh giá đi".
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục đại học, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định việc thay đổi bộ tiêu chuẩn hiện hành là tất yếu.
"Tôi tiếp cận ở góc độ là cần có sự thay đổi bộ tiêu chuẩn hiện hành bởi lý do rất đơn giản: qua 5 năm phát triển, tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, kinh tế - xã hội của cả Việt Nam và thế giới nên rõ ràng yêu cầu đòi hỏi cách đây 5 năm sẽ không phù hợp với thời điểm hiện tại và bắt kịp với xu hướng của thế giới.
Hơn nữa bộ tiêu chuẩn 111 tiêu chí được xây dựng trên bộ tiêu chuẩn của các trường đại học tiên tiến khu vực ASEAN, đó sẽ là cầu nối để các trường đại học của Việt Nam hòa vào chất lượng chung của khu vực. Bộ tiêu chuẩn của ASEAN cũng giao thoa khá lớn với bộ tiêu chuẩn của châu Âu và Bắc Mỹ nên bộ tiêu chuẩn đang dự thảo sẽ là một điểm để đưa giáo dục đại học Việt Nam hòa nhập cùng thế giới.
Mặc dù nhiều tiêu chí hơn nhưng chi tiết hơn và đòi hỏi các trường đại học phải phấn đấu để đào tạo ra các sản phẩm tốt", PGS.TS Nguyễn Phương Nga nêu ý kiến.
(Theo VTV)
Các tin khác
YBĐT - Chợ rọ tôm ở Xuân Lai trước đây thường sáng ra mới họp nhưng gần chục năm nay bỗng chuyển họp từ lúc 3 - 4 giờ sáng. Nhiều người bảo rằng, bán sớm như vậy là để ban ngày bà con còn tranh thủ đi rừng, đi ruộng; bán sớm để ô tô kịp chở đi Sơn La, Hòa Bình trong ngày.
YBĐT - 2016 là một năm nhiều khó khăn đối với công tác dân số. Về mặt nguồn nhân lực, cấp xã chưa có biên chế cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ), số biên chế đã được giao cho 50 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn cũng chưa được phê duyệt phương án tuyển dụng.
YBĐT - Nhiều năm liền, Ban Chỉ huy quân sự phường Yên Ninh được UBND thành phố Yên Bái tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự-quốc phòng.
YBĐT - Ngày 14/2, Đại hội Chi đoàn Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2019 đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Đây là đại hội điểm của Chi đoàn trực thuộc Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái.