Văn Yên: Khó khăn trong công tác Xuất khẩu lao động

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Được xác định là hướng giải quyết việc làm mang lại hiệu quả cao, có ý nghĩa tích cực trong tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo có hiệu quả, nhưng 2 năm trở lại đây, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của huyện Văn Yên (Yên Bái) đang có chiều hướng giảm mạnh cả về chất lượng và lượng.

Nếu năm 2006 toàn huyện có 136 người đi xuất khẩu, đạt 64,76% thì năm 2007 giảm còn 58 người, đạt 27,62% và trong 6 tháng đầu năm 2008 chỉ được 13 người. Trên thực tế, kế hoạch đưa 250 người đi XKLĐ trong năm 2008 của huyện Văn Yên chắc chắn  không thể hoàn thành!

Theo lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện thì có vô số nguyên nhân dẫn tới việc XKLĐ đạt thấp. Công tác lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở về công tác này chưa được quan tâm đúng mức; cấp ủy, chính quyền một số xã chưa thực sự quan tâm; chưa tạo điều kiện tốt nhất để giúp các doanh nghiệp đến tuyển lao động xuất khẩu (LĐXK); chưa nắm bắt và phản ánh kịp thời thông tin với Ban chỉ đạo xoá đói giảm nghèo-việc làm của huyện những những khó khăn về vay vốn, làm hộ chiếu... Vì thế, đã tạo dư luận không tốt làm ảnh hưởng đến công tác XKLĐ tại địa phương.

Cùng với những nguyên nhân trên, còn do công tác thông tin tuyên truyền chưa sâu, chưa bám sát tình hình và diễn biến thực tế của thị trường XKLĐ để có những nội dung tuyên truyền sát thực tế, chỉ ra những khó khăn vướng mắc và giải pháp khắc phục; vạch ra hướng đi mới trong công tác XKLĐ và những thị trường có thu nhập tốt để  giúp người lao động lựa chọn.

Các đơn vị khai thác lao động trên địa bàn không thẩm định kỹ đơn hàng đưa lao động đi làm việc dẫn đến việc không đủ việc làm, không có việc làm thêm; một bộ phận người lao động có ở những doanh nghiệp này có thu nhập chỉ được 18 Ringít (tiền Malaysia)/ngày tương đương 80.000 đồng Việt Nam. Nếu người lao động không có việc làm thêm thì thu nhập chỉ đạt 2 triệu đồng/tháng, sẽ không thể trả nợ được ngân hàng sau 3 năm đi LĐXK, từ đó gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân....

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm công tác XKLĐ không tích cực, chủ động, thậm chí thiếu trách nhiệm trong giải quyết triệt để các rủi ro phát sinh, gây ra sự thiếu tin tưởng của người lao động. Công tác tư vấn, hướng nghiệp XKLĐ của các doanh nghiệp chưa được quan tâm; chưa chú trọng về các ngành nghề tại nước ngoài cho thu nhập cao. Một số thị trường có thu nhập cao như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... thì lao động không có vốn đầu tư, không có tay nghề nên không tham gia được.

Về phía địa phương, chưa chủ động bám sát nhu cầu để đào tạo và đưa lao động có tay nghề đi xuất khẩu. Do đó, lao động đưa đi xuất khẩu hiện nay chủ yếu chưa qua đào tạo nghề nên phải làm các công việc thủ công, thu nhập thấp tại thị trường Malaysia. Công tác tuyển chọn lao động đi xuất khẩu của các doanh nghiệp còn nặng về chỉ tiêu số lượng, chưa chú trọng đến yếu tố chất lượng, chưa giáo dục ý thức, tổ chức, kỷ luật, chấp hành pháp luật cho người lao động. Vì vậy, đã có một số lao động sau khi sang làm việc tại các nước đã vi phạm kỷ luật lao động của doanh nghiệp, pháp luật của nước sở tại nên bị trục xuất về nước trước thời hạn. Số lao động phải về nước trước thời hạn này lại không được doanh nghiệp thông báo cho địa phương nguyên nhân, lý do, nên khi về đến gia đình họ đã đưa ra những thông tin thiếu chính xác…

Do công tác XKLĐ đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn, nên thời gian gần đây lao động ở Văn Yên chú trọng đến thị trường lao động trong nước, đặc biệt là tại các khu công nghiệp ở miền Nam và các khu công nghiệp lớn ở miền Bắc. Tuy mức lương, có thấp hơn so với đi LĐXK nhưng chi phí đi rất thấp, ít rủi ro, thủ tục nhanh chóng, đơn giản. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008, Văn Yên có gần 400 lao động đi làm việc tại các tỉnh ngoài.

Khắc phục những khó khăn, tạo tiền đề vững chắc cho công tác XKLĐ về sau này, Văn Yên nên có những giải pháp đồng bộ từ công tác lãnh, chỉ đạo, thông tin tuyên truyền, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác XKLĐ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo dạy nghề.

Đồng thời, lựa chọn các doanh nghiệp XKLĐ có nhiều đơn hàng phong phú về thị trường, có trách nhiệm cao trong việc giải quyết các rủi ro mà người tham gia LĐXK dễ gặp phải. Các xã, thị trấn cần triển khai kịp thời, sâu rộng đến tận thôn bản, tổ dân phố Quyết định số 853 ngày 30/5/2008 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ của tỉnh cho mỗi lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài để học ngoại ngữ và giáo dục định hướng, với mức hỗ trợ 400.000 đồng/lao động.

P.V

 

Các tin khác

Sau hơn 2 năm triển khai, dự án Phát triển Giáo dục Trung học cơ sở II đã xây dựng 220 trường trung học cơ sở tại 28 tỉnh vùng khó khăn, với đầy đủ các hạng mục như phòng học, nội trú và bán trú, phòng thí nghiệm và phòng máy tính.

Cán bộ Trạm Y tế phường Nguyễn Thái Học khám, điều trị cho bệnh nhân.

YBĐT - Để phấn đấu đạt chuẩn y tế Quốc gia vào năm 2010 thì Trạm Y tế phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái còn cần rất nhiều điều kiện. Bởi khó khăn lớn nhất của Trạm hiện nay vẫn là cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu.

YBĐT - Vừa qua, Ban chấp hành Hội Cựu giáo chức (CGC) thành phố Yên Bái đã sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2008.

YBĐT - Là một xã miền núi của huyện Yên Bình (Yên Bái) còn nhiều khó khăn như Bảo Ái, cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương xác định: muốn xây dựng đời sống văn hoá, trước hết phải phát triển kinh tế. Vì vậy, ngoài việc đưa giống lúa năng suất cao vào gieo cấy, đẩy mạnh sản xuất vụ 3, địa phương đã chú trọng phát triển mạnh rừng trồng và phát huy thế mạnh cây chè.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục