Những cái chết thương tâm trong lũ
- Cập nhật: Thứ tư, 13/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Lũ dữ ào qua, Lương Văn Đương - người thanh niên sinh năm 1975 ở thôn 2 (xã An Lạc, huyện Lục Yên) trơ trọi giữa tang tóc và khổ đau đến tột cùng.
|
Chúng tôi gặp anh Đương đang chăm hai người em trong cơn nguy kịch ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh nghẹn ngào kể về nỗi đau tột cùng sau lũ: Cả bố, mẹ bị lũ dập vùi chết đã 3 ngày, nhưng trên đầu anh vẫn chưa được đội khăn tang, chưa được nhìn lại mặt cả hai người thân sinh ra mình…
Ngày 8/8/2008, trời đất ở An Lạc mù mịt mây, mưa như trút nước từ sáng đến 7h30 tối… 11h đêm, nước như đùn lên từ mặt đất khiến ngôi nhà của Đương bị sụp đổ nhanh chóng. Đang loay hoay đánh vật với nước, Đương nghe thấy tiếng nước đổ ầm ầm, rồi tiếng người kêu cứu. Đoán là ngôi nhà của em trai Lương Văn Tiến bị sập, Đương lao về phía có tiếng kêu cứu. Chạy trong những luồng nước được một đoạn, Đương phát hiện ra Tiến nằm bất tỉnh trên cành cây, trên người Tiến không còn mảnh vải nào, khắp người bê bết máu. Cả Tiến và đống đổ nát của ngôi nhà bị lũ cuốn trôi phăng khỏi vị trí cũ gần 300m. Người em trai kế tiếp của Đương là Lương Văn Tuyết cũng bị lũ cuốn trôi, bị thương nặng, nhà bị sập. Đương vật lộn đưa hai em về nhà hàng xóm trú ngụ, rồi cùng những thanh niên trong thôn tiếp tục lao đi tìm người thân. Có thêm nhiều người, Đương vẫn không phát hiện được bố mẹ mình đang ở đâu.
Trong đêm đó, dân bản chỉ tìm thấy xác ông bà cụ Hoan, người cùng thôn đã bị đất đá trong lũ vùi lấp, dập nát đầu, dập cánh tay. Xác cả hai cụ đều nằm cách ngôi nhà của họ hơn 300m. Tờ mờ sáng ngày 9/8, Đương tiếp tục đi tìm và phát hiện xác của bố và mẹ mình nằm ở bãi đá cách ngôi nhà cũ 300m. Ông Lương Ngọc Lao-bố của Đương bị cây đè dập trên đá, quần áo rách tã, đầu mất mảng da lớn. Còn xác bà Hà Thị Đoàn-mẹ của Đương cũng trong tình trạng tả tơi, sứt sẹo do lũ cuốn, vùi dập. Cả nhà Đương chỉ có cô em gái là Lương Thị Nhi chạy lũ lên nhà sàn nên không bị lũ cuốn. Thế nhưng, cho đến sáng 10/8, Đương lại nghe được tin là đứa con gái của Nhi là Hoàng Thị Nhường cũng có thể đã bị chết…
Trong tình cảnh cả bố và mẹ đều qua đời, hai em bị chấn thương rất nguy kịch, Đương cắt lòng bỏ người chết ở lại, nhờ một thanh niên ở thôn khiêng gấp Lương Văn Tiến đi bộ 13 cây số, lội bùn cả chục tiếng đồng hồ mới đưa em ra được đến quốc lộ 70. May mắn là lúc đó gặp được chiếc xe cứu thương của Lào Cai đang tránh mưa lũ mà nhờ đưa đến bệnh viện của tỉnh. Sau gần 20 giờ đồng hồ, mới vượt được quãng đường 54 km để đến Bệnh viện tỉnh. Lương Văn Tuyết bị thương nhẹ hơn nhưng cũng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào ngày 10/8.
“Tôi vẫn chưa biết bố mẹ tôi đã được chôn cất hay chưa, chắc là chính quyền xã sẽ giúp đỡ làm việc đó. Lúc này thì tôi phải ở lại đây để lo cho sự sống của hai người em!”- Đương không cầm được nước mắt nói.
Tại Bệnh viện, Lương Văn Tiến đã được các bác sỹ mổ sọ não do trấn thương, điều trị tràn dịch màng phổi và các vết thương do gẫy xương sườn số 7,8,9. Theo BS Nguyễn Mạnh Hiệp và Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Nhung (Bệnh viện Đa khoa Yên Bái) thì tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân Lương Văn Tiến rất khó dự đoán vì bị đa chấn thương. Sau khi mổ, bệnh nhân có vẻ tỉnh táo nhưng chưa thể nói trước được điều gì.
Có mặt tại xã Bạch Hà (Yên Bình), chúng tôi gặp gia đình có người chết không toàn thây, thương tâm đến trào nước mắt. Chính trên lòng suối Vĩnh Kiên này, chiều tối ngày 8/8, lũ ống đã cuốn trôi cháu Trần Văn Chung, 10 tuổi. Chung bị lũ đẩy đi khỏi ngôi nhà của mình tại thôn Vĩnh Kiên 600 m, cả gia đình của cháu tìm kiếm suốt buổi tối mới tìm thấy xác.
Chủ tịch xã Vĩnh Kiên-Phạm Minh Tiến nói: “Lũ ống cuồn cuộn trên suối Vĩnh Kiên chưa bao giờ dữ như năm nay. Lũ cuốn đi trẻ em khiến chúng tôi thấy đau đớn quá. Dẫu thế, những cái chết do lũ cuốn, núi lở vùi lấp ở xã Bạch Hà còn khiến người ta rùng mình, ớn lạnh. Ở thôn 3, khi chúng tôi đến gia đình bà Trần Thị Nguyệt thì xác của con bà-cháu Vũ Văn Minh (14 tuổi, học sinh trường THCS Bạch Hà) đã được đưa đi chôn cất được 1 ngày. Bàn thờ em đặt bên nhà người bác ruột là một cái mâm nhôm. Duy nhất ở trên chiếc mâm đó là gói bánh và một ngọn đèn leo lét cháy với vài thẻ hương. Vào đêm ngày 9/8, sau hai ngày trời mưa quá to, quả núi Phó Thái phía sau nhà của bà Nguyệt “uống” no nước đã sập đổ một nửa, đất đá đè lên ngôi nhà bà Nguyệt làm tiêu tan tất cả.
Bức ảnh của Minh bây giờ cũng không có để đặt lên mâm thờ. Bà Nguyệt khóc lóc trong đau đớn kể lại, khi đất lở đè lên nhà bà, chính bản thân bà cũng bị vùi lấp trong đống đổ nát, chỉ lòi một bàn chân. Chồng của bà vật lộn mãi mới cứu bà ra khỏi đống đổ nát đó. Riêng Minh, phải mất nhiều tiếng đồng hồ cả gia đình bà Nguyệt và dân làng mới tìm thấy được. Minh được moi lên từ đất rồi đưa lên trạm xá, đùi trái gẫy làm đôi, xương cổ chân cũng lìa thành hai đoạn. Minh chỉ thở được vài chục phút thì mất
Băng qua những núi sỏi đá cuội trên con đường không còn là đường, chúng tôi đến tận thôn Ngọn Ngòi, xã Bạch Hà. Ở đây người ta cũng vừa làm đám tang cho chị Đặng Thị Phương, 25 tuổi. Trong trận lũ vừa qua, Phương tiếc con trâu ở lán trại, lao đi dắt về. Phương cùng em là Đặng Thị Xuân đi tìm trâu. Vừa ra khỏi nhà vài trăm mét, Xuân đi trước được một lúc, quay lại thì không thấy chị đâu. Về nhà gọi người lên cứu, đào bới nhiều tiếng đồng hồ mới tìm được xác của Phương dưới lớp bùn sâu. Chị Phương chết để lại một đứa con mới tám tháng tuổi cho bà mẹ già nuôi dưỡng.
Tang thương hơn cả ở Bạch Hà là cái chết của vợ chồng anh Vũ Quốc Đệ-Ngô Thị Sửu. Anh Đệ và chị Sửu đi làm trên núi Nà, lũ và đất núi sạt lở đã vùi cả hai trong đá sỏi. Họ không biết được vì sao lũ về nhanh đến thế. Khi người thân của anh Đệ vượt núi lên tìm, đào bới cho đến lúc thấy xác thì cả hai đều không còn nguyên dạng. Đầu, tay của người chồng và chân của người vợ xấu số kia đã bị lũ cuốn bay nơi đâu không ai còn có thể tìm thấy…
Ngồi trong gia đình của nạn nhân Đệ, càng nghe lời động viên, 7 người con của họ càng bưng mặt khóc lóc thảm thiết. “Hu hu, bố mẹ cháu chết không tìm thấy đầu, chân tay...Cha mẹ ơi, con không muốn nhận tiền các bác viếng như thế này đâu…!”-người con trai đầu của anh Đệ than khóc. Không ai còn cầm được nước mắt!
Rời Bạch Hà, chúng tôi về lòng hồ Thác Bà. ở bản Khe Ngoác, xã Yên Thành ven hồ Thác Bà, hai dì cháu của một gia đình người dân tộc Dao cũng bị vùi trong đất cát và ngôi nhà sụp đổ. Cháu Hoàng Thị Duy bị vùi lấp mới lên 3 tuổi. Em Trần Thị Lý- dì ruột của Duy bị vùi lấp cùng trong ngôi nhà cũng mới chỉ lên 13 tuổi. Không chỉ mất con, ngôi nhà của chị Trần Thị Dương-mẹ cháu Duy bị đất của cả quả đồi bên hông nhà nghiền nát, tất cả chỉ còn vài viên ngói prôximăng lành lặn. Lúc ngôi nhà bị vùi lấp, chị Dương hoảng loạn cứu người con thứ hai ra khỏi bùn đất nên không thể trực tiếp đào bới tìm người con thứ hai và người em ruột. Ngồi trong ngôi nhà sàn, Dương không ngăn được nước mắt. Nỗi đau thăm thẳm kia chưa biết đến lúc nào Dương và gia đình mới vượt qua cho được.
Rồi đến cái chết đầy bi ai của vợ chồng anh Phạm Trung Tuế, thôn Tân Thành, xã Tuy Lộc (Thành phố Yên Bái). Khoảng 7g sáng 8/8 nước bắt đầu ngập tầng 1 nhà anh Tuế, cả nhà chạy lên tầng 2, lúc này anh Tuế mới nhớ ra còn chiếc máy bơm chưa kịp tháo, sợ nước ngập hỏng, anh vội xuống kéo lên thì bị điện giật. Vợ anh là chị Ninh Thị Vân, nghe tiếng chồng kêu thất thanh tưởng có chuyện gì chạy xuống nắm tay chồng kéo lên thì cũng bị điện giật chết ngay. Ngôi nhà anh ngập trong nước sâu 5m, đám ma phải làm trên đồi và chôn ngay trên đó.
Đó là những cái chết đầy thương tâm trong số 39 người chết do bão lũ gây ra. Nguyên nhân không phải nói thì ai cũng hiểu nhưng lý do dẫn đến những cái chết thì cần phải xem lại bởi đã có nhiều lời cảnh báo về tình hình mưa bão nhưng ý thức của hàng ngàn hộ dân nằm trong vùng di dời còn hạn chế, không chấp hành. Đặc biệt nhiều hộ gia đình còn thờ ơ, không chủ động phòng chống nên đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Các tin khác
YBĐT - Đã qua thời điểm dự kiến thông đường lúc 18 giờ nhưng với sự quyết tâm của lực lượng này và điều kiện thời tiết thuận lợi, ngành đường sắt sẽ hoàn thành sớm mục tiêu thông tàu sớm nhất.
YBĐT – Cho tới sáng hôm nay 12/8, trên thành phố Yên Bái, hầu hết các điểm xung yếu nước đã rút, chỉ còn đoạn đường Hoàng Hoa Thám là còn ngập 0,5-0,7m nước. Nước rút, để lại là lớp bùn đất dày. Mặc dù thực hiện phương châm “nước rút tới đâu, cọ rửa ngay tới đó”, để đưa bùn theo nước nhưng hơn 2ngàn hộ dân thuộc phường Hồng Hà không tránh khỏi được tình trạng bùn đất trong nhà ngập từ 20-50cm.
YBĐT - Nằm trong vùng bị ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 6 hộ dân bị sập nhà, trong đó xã Pá Hu 1 nhà, Xà Hồ 2 nhà và thị trấn Trạm Tấu 3 nhà.
YBĐT - Theo con số thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Yên Bái, toàn tỉnh Yên Bái có 235 ngôi nhà bị sập và trôi hoàn toàn, 678 ngôi nhà bị hư hỏng nặng.