Chưa thể công khai tài sản của cán bộ công chức
- Cập nhật: Thứ ba, 19/8/2008 | 12:00:00 AM
Ông Trần Đức Lượng, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ (TTCP) khẳng định như vậy với báo chí bên lề hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo chiến lược phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 diễn ra sáng 18/8.
- Ông lý giải thế nào đến thời điểm này vẫn còn nhiều bộ và địa phương chưa tiến hành xong việc kê khai tài sản. Phải chăng công tác kê khai tài sản đã không được thực hiện nghiêm?
Nói thế hơi oan cho họ. Họ thực hiện chậm có nhiều nguyên nhân. Lúc đầu, dự kiến tất cả CBCC đều phải kê khai nhưng nay thì chỉ có người có chức vụ từ cấp huyện, nhóm CBCC tiếp xúc với tiền của nhà nước và CBCC thường xuyên tiếp xúc với dân mới kê khai.
Ngoài ra, theo mẫu mà Chính phủ quy định có 9 nội dung, người kê khai chưa chắc hiểu hết nội hàm của nó nếu không được hướng dẫn. Theo tôi chậm còn tốt hơn không bao giờ.
- Hiện nhiều bộ ngành đã có báo cáo bước đầu về công tác kê khai tài sản, ông đánh giá thế nào về tình trạng nắm giữ tài sản của CBCC hiện nay?
Theo quy định thì chưa thể công khai tài sản của người bị kê khai nên tôi không thể đánh giá được.
Chỉ kiểm tra bản kê khai tài sản khi có yêu cầu
-Nhiều đại biểu QH nói "rất thương cán bộ của ta vì nếu xem bản kê khai thì còn nghèo nhất thế giới?". Vậy ông có tin bản kê khai không, khi mà sinh hoạt của CBCC khác xa với kê khai này?
Tôi không bình luận. Nhưng trong kê khai có nguyên tắc tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Họ phải xác định là kê khai hay không, khi nói tài sản cụ thể thì chỉ mình người kê khai đó mới biết. Ngay cả cổ phiếu, mệnh giá 10 nghìn nhưng có khi lên tới 100 nghìn, vấn đề là xác định giá trị tại thời điểm kê khai. Người khác không thể biết giá trị thật mà người kê khai đang sở hữu thì làm sao mà bình luận được.
- Cục trưởng Cục PCTN cũng chưa đánh giá được. Như vậy liệu bản kê khai tài sản còn tác dụng nữa không, thưa ông ?
Tác dụng phòng ngừa là rất tốt, tại sao không? Thế giới đều xác định kê khai tài sản là phòng ngừa tham nhũng tốt , tại sao không áp dụng, không làm? Theo quy định hiện nay chưa công khai việc đó nên tôi cũng không đưa ra đánh giá được.
- Vậy khi nào thì mới tiến hành kiểm tra bản kê khai tài sản?
Phải có điều kiện như khi có yêu cầu của các cơ quan (6 cơ quan yêu cầu xác minh). Hiện nay Cà Mau đã kiểm tra 1 trường hợp, các địa phương khác cũng có nhưng chúng tôi đang kiểm tra.
Sẽ thu hẹp danh mục "tài liệu bí mật Nhà nước"
- Được biết TTCP đang xây dựng Dự thảo chiến lược phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Vậy vấn đề kê khai tài sản nằm trong nhóm giải pháp tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động công quyền được quy định ra sao?
Chiến lược sẽ mở rộng đối tượng kê khai, từng bước công khai và quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập. Thực hiện việc chi trả qua tài khoản đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho CBCC.
- Vậy tăng cường công khai minh bạch trong chiến lược PCTN được hiểu như thế nào nếu như vẫn ở dạng mật, thưa ông?
Đây là một trong những giáp pháp nâng cao minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền. Vấn đề này liên quan đến sửa đổi danh mục bí mật nhà nước. Tất cả các ngành các cấp đều phải rà soát lại. Cái gì thực sự là bí mật nhà nước hiểu là làm phương hại đến lợi ích quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh chính trị. Các hoạt động còn lại không phải công khai từ A- Z. Tuy nhiên, kết quả, quyết định xử lý phải được công khai, trừ khi không có lợi cho cái chung.
- Hiện nay danh mục tài liệu mật quá khắt khe, nhất là về PCTN. Nhưng như ông vừa nói, kết quả thanh tra phải công khai vì dân có quyền được biết thông tin. Nhưng nhiều trường hợp vẫn đóng dấu mật là sao ?
Hiện nay có sự không thống nhất của Luật PCTN với một số luật khác, trong đó có quy định về bí mật nhà nước. Quy định về bí mật nhà nước nói kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, còn luật PCTN thì lại cho tài liệu này là công khai. Vấn đề là rà soát xem cái nào "vênh" thì sửa, xu hướng là thu hẹp danh mục bí mật lại để thực hiện giải pháp công khai minh bạch.
(Theo VTC)
Các tin khác
YBĐT - Sáng ngày 18/8, môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 đã được tổ chức tại 25 hội đồng thi trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Trạm Y tế xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) là một điểm sáng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đây cũng là trạm y tế đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia y tế xã.
YBĐT - Những năm qua, sự nghiệp giáo dục của tỉnh Yên Bái có những bước phát triển về quy mô học sinh, mạng lưới trường, lớp học.
YBĐT - Chúng tôi tới Phòng Công chứng số 1 của tỉnh Yên Bái sau một năm Luật Công chứng có hiệu lực. Mọi chuyện đã đổi thay cơ bản, không còn cảnh xếp hàng chờ đợi công chứng như trước, điều đó khẳng định Luật Công chứng ra đời đã góp phần đáng kể cải cách thủ tục hành chính và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn có những bất cập nảy sinh, rất cần sự điều chỉnh sao cho hợp lý và hiệu quả từ các cấp chính quyền.