Báo Hànộimới “Trái tim nhân ái”’

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vượt hàng trăm ki-lô-mét đường gập ghềnh sau lũ, Báo Hànộimới với tấm lòng vàng của những người làm báo Đảng thủ đô đã cùng Báo Yên Bái đưa quĩ “Trái tim nhân ái” tới sẻ chia đau thương, mất mát với đồng bào vùng lũ huyện Văn Yên.

Đại diện lãnh đạo Báo Hànộimới, Báo Yên Bái, Uỷ ban MTTQ tỉnh, huyện Văn Yên và xã Lâm Giang khởi công xây dựng nhà mẫu giáo tại xã Lâm Giang (Văn Yên).
Đại diện lãnh đạo Báo Hànộimới, Báo Yên Bái, Uỷ ban MTTQ tỉnh, huyện Văn Yên và xã Lâm Giang khởi công xây dựng nhà mẫu giáo tại xã Lâm Giang (Văn Yên).

Về Lâm Giang, xã được coi là tâm điểm của lũ những ngày này, dù chính quyền địa phương đang cùng nhân dân tập trung khắc phục hậu quả, nhưng dấu tích cùng những câu chuyện thương tâm vẫn còn hiện hữu với người dân nơi đây. Con số 17 người chết và bị thương, trong đó có tới 13 người chết do bị lũ cuốn trôi, sập nhà và chết đuối, còn lại 4 người bị thương đã đủ cho ta thấy sự đau thương, mất mát ở Văn Yên lớn đến chừng nào.

Câu chuyện về cái chết thương tâm của cả hai vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Hùng cùng  cậu con trai trẻ ở thôn 9 xã Lâm Giang do sập nhà người ta còn nhắc mãi. Rồi cái chết thảm thương của chị Trần Thị Hiền và hai cậu con trai đều ở tuổi mười tám, đôi mươi là vợ và con anh Nguyễn Văn Diêu ở thôn 6, xã Lâm Giang khi đang nghỉ trên lán trông nương bị lũ cuốn trôi mất xác chỉ tìm thấy miếng thịt nhỏ mắc trên cành cây trong cái đêm định mệnh, khiến đoạn đường vẫn còn ngổn ngang đất sạt ta luy đang được khắc phục tạm thời từ thị trấn Mậu A tới xã Lâm Giang, với tôi, như gần lại.

Tại điểm xây dựng lớp học ở thôn 18 xã Lâm Giang, cạnh đường Yên Bái - Khe Sang, nơi Báo Hànộimới xây tặng cho con em các dân tộc nơi đây một lớp học mầm non mới trị giá 450 triệu đồng hôm nay tấp nập khác thường. Các bà, các chị đưa các cháu nhỏ đến dự lễ khởi công từ rất sớm. Sau khi trao số tiền 450 triệu đồng hỗ trợ từ quĩ “Trái tim nhân ái” của Báo xây dựng, từ tấm lòng tương thân, tương ái của của các đơn vị tài trợ, cũng như nhân dân Thủ đô giúp đỡ đồng bào lũ lụt gây thiệt hại tại các tỉnh miền núi phía bắc, Phó tổng biên tập Báo Hànộimới Lê Tiến Dũng và Tổng biên tập Báo Yên Bái Bùi Anh Tuý cùng lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện Văn Yên đã tham gia lễ khởi công công trình.

Ông Vũ Mạnh Hải – Chủ tịch UBND xã Lâm Giang không giấu nổi vui mừng: “Có được một lớp học mầm non,  được kiên cố hoá cho con em yên tâm tới trường vào mùa lũ là niềm mơ ước từ rất lâu của xã chúng tôi, xin cảm ơn nghĩa tình của BáoHànộimới”. Còn chị Lê Thị Lụa ở thôn 3 đưa con tới dự lễ khởi công thốt lên: “Ôi, vậy là con em sắp được học lớp học mới rồi!”. Nhưng có lẽ người phấn khởi nhất là cô giáo Trần Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Lâm Giang.

Được biết: Lâm Giang chưa có trường chính, mà hiện nay 9 lớp mầm non đang tổ chức học ở 7 điểm với tổng số 207 học sinh vẫn chủ yếu học nhờ các Trường tiểu học của xã. Cơn lũ vừa qua, có 2 lớp học mầm non học nhờ ở Trường tiểu học do làm tạm bợ bằng cột gỗ, nên ngập lụt bị hư hỏng nặng. Hiện nay, 42 em học sinh ở đây đã không thể đến lớp. Chị xúc động: “Vậy là em bớt lo cho các em học sinh mầm non ở các thôn quanh khu vực này vào mùa mưa rồi.” Dự kiến công trình sẽ xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 10 năm nay.

Sau lễ khởi công, Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Văn Lịch dẫn đoàn nhà báo tới khu vực ngầm tràn Ngòi Trục. Chỉ tay về phía những bãi cát, phù sa từ con ngòi bồi cao lên mặt ruộng cũ tới nửa mét, giọng anh chùng xuống: “Nhìn cảnh tượng tan hoang này, các anh có cảm nhận được sức công phá của cơn lũ dữ ấy thế nào không? Đất, đá trên các đồi cao tróc lở từng mảng lớn đổ xuống các khe suối, để lại trơ lớp đá không thể canh tác lại. Mới cách đây vài tuần, anh em chúng tôi tới thăm đồng nơi đây, ngắm  cánh đồng xanh mướt lúa, chắc mẩm năm nay được mùa lớn, Thế mà ai ngờ…”. Qua anh được biết, Văn Yên là một trong những huyện chịu hậu quả nặng nề trong cơn lũ lịch sử vừa qua. Toàn huyện thiệt hại tới 80 tỷ 209 triệu đồng, có tới 71 nhà bị sập và nước cuốn trôi hoàn toàn 286 nhà bị ngập và sạt lở đất hư hỏng, 631 hộ phải di dời đến nơi ở mới. Trên 707 ha lúa của huyện bị ngập úng và lũ quét, trong đó, mất trắng gần 500 ha và 355 ha ruộng bị đất cát vùi lấp hoàn toàn…

Xuôi đường Yên Bái - Khe Sang về xã Quang Minh, nơi có đông đồng bào Dao sinh sống, đập vào mắt người qua đường là cảnh tượng những quả đồi sạt lở từng khoảng lớn để trơ lớp đá. Một đồng nghiệp làm báo đùa mà rất thật: “Rừng đòi nợ đấy mà!”. Câu nói ấy trở lại với tôi, khi cùng Báo Hànộimới về thôn 1, Khe Ván, xã Quang Minh. Theo hướng tay chỉ tay của Bí Thư Đảng uỷ xã Đặng Phúc Vạn, nhìn những ngôi nhà gỗ đổ ngổn ngang, một điều dễ nhận thấy là thiệt hại này không phải do nước ở Ngòi Lầm, Ngòi Mụ đổ về mà là nước từ khe núi trút xuống do “đất vắng cây”. Để người dân có cuộc sống bình yên, chính quyền xã cần có hướng di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm này đến nơi ở mới an toàn hơn trong mùa mưa lũ. Sẻ chia mất mát với người dân Khe Ván, Báo Hànộimới đã tặng quà và hỗ trợ cho 7 hộ bị lũ quét mất nhà mỗi hộ 7 triệu đồng.

Chỉ trong nửa ngày 22/8/2008, không quản gian nan với khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng Báo Hànộimới với quĩ “Trái tim nhân ái” mãi để lại nghĩa tình sâu nặng với người dân Khe Ván, xã Quang Minh, cũng như Lâm Giang (Văn Yên) nơi con lũ đi qua.

Minh Đức

Các tin khác
Việc khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa Văn Yên đã giảm tối đa phiền hà cho bác sĩ và bệnh nhân nhờ áp dụng biện pháp mới.

Bệnh viện đầu tiên hoàn chỉnh phần mềm gọi khám bệnh/ Thị trấn Trạm Tấu sẽ được sử dụng nước sạch vào cuối năm nay

YBĐT - Những năm trước đây, công tác đào tạo nghề của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) do Phòng Nội vụ - LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị: Trường trung học phổ thông, Trường phổ thông dân tộc nội trú và Trung tâm Giáo dục thường xuyên thực hiện, do Mù Cang Chải chưa có trung tâm dạy nghề.

Ảnh minh họa.

Sáng 24/8, tại bản Na Xén, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã xảy ra vụ sập hầm khai thác quặng làm 3 trẻ em bị chết và bị thương.

Học sinh Trường THCS Cầu Kiệu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM chọn mua sách giáo khoa cho năm học mới

Năm học 2008-2009 có nhiều điểm điều chỉnh nhằm tạo nên sự chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục. Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và giáo sư Trần Hữu Tá đều nói rất nhiều đến việc giải quyết tình trạng học sinh bỏ học, việc xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục