Yên Bái: Từ nay đến năm 2012 đầu tư xây dựng khoảng 1760 phòng học
- Cập nhật: Thứ tư, 27/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo nhu cầu của địa phương, Chính phủ đã phê duyệt cho Yên Bái số phòng học cần phải đầu tư xây dựng là 1.765 phòng học và 73.320 mét vuông nhà công vụ cho giáo viên.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị.
|
Ngày 27/8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên, giai đoạn 2008 – 2012. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên chủ trì hội nghị. Theo nhu cầu của địa phương, Chính phủ đã phê duyệt cho Yên Bái số phòng học cần phải đầu tư xây dựng là 1.765 phòng học và 73.320 m2 nhà công vụ cho giáo viên.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 394,5 tỷ đồng, dự kiến Chính phủ hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ là 355 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương phải huy động để thực hiện Đề án là 39,5 tỷ đồng bao gồm từ nguồn chi đầu tư cho giáo dục và đào tạo cân đối từ ngân sách địa phương hàng năm, từ nguồn thu xổ số kiến thiết và từ các nguồn huy động xã hội hoá.
Thực hiện Đề án, Yên Bái đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh và xây dựng kế hoạch hoạt động cũng như quy chế hoạt động của ban chỉ đạo, xây dựng các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan trong triển khai đề án.
Tại hội nghị, các thành viên ban chỉ đạo của tỉnh, đại biểu của UBND, Ban quản lý dự án, Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn cũng như đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện Đề án đảm bảo đúng theo kế hoạch, yêu cầu.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu nhấn mạnh: Các cấp, các ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu cũng như yêu cầu của Đề án, đó là: xoá phòng học 3 ca, phòng học tạm thời gồm: phòng học tranh tre, nứa lá, các phòng học tạm xây bằng các vật liệu khác nhau, các phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp cần xây dựng lại, đồng thời giải quyết nhà công vụ cho giáo viên ở những nơi có nhu cầu ổn định lâu dài.
Đề án được triển khai từ các cơ sở giáo dục mầm non đến các cấp học phổ thông, ưu tiên những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, các xã nghèo. Trường, lớp, nhà ở công vụ cho giáo viên phải xây dựng kiên cố theo chuẩn, quy phạm xây dựng thiết kế điển hình do Bộ Xây dựng ban hành.
Cần kết hợp triển khai Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012 với Đề án Quy hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2008 – 2015 và định hướng đến năm 2020, tổ chức lồng ghép và thực hiện có hiệu quả với Đề án trường chuẩn quốc gia, giai đoạn 2006 – 2010.
Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, cần rà soát kỹ mọi điều kiện như: vị trí xây dựng, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hệ thống cơ sở vật chất trường học để thực hiện theo kế hoạch. UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trách nhiệm trước UBND tỉnh về các khâu chuẩn bị đầu tư, khởi công công trình, và tiến hành rải ngân theo đúng tiến độ đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao nhất. UBND cấp huyện cần rà soát chính xác danh mục đầu tư cho cả giai đoạn. Cần phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của các phòng Giáo dục - Đào tạo trong việc bố trí mặt bằng, phối hợp với các nhà thầu lên phương án thi công, tránh không để ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh... các ban quản lý dự án thực hiện đúng pháp luật của nhà nước trong thực hiện các thủ tục xây dựng, xây dựng cam kết cầu các nhà tư vấn, nhà thầu chấp hành nghiêm túc về thời gian cũng như thi công công trình theo mẫu điển hình, tuyệt đối không được giảm diện tích phòng học, nhà ở của giáo viên.
Rút kinh nghiệm trong thực hiện kiên cố hoá trường lớp học giai đoạn trước, giai đoạn 2008 – 2012 cần huy động tốt các nguồn lực, nhất là các nguồn lực trong dân để phát triển giáo dục - đào tạo. Các địa phương cần xác định chính xác nhu cầu xây dựng để tránh lãng phí nguồn vốn, đặc biệt cần giám sát chặt chẽ về chấn lượng công trình thông qua hoạt động giám sát ở cộng đồng...
Thành Trung
Các tin khác
YBĐT - Ai sinh ra cũng có một tổ ấm - tổ ấm đó chính là gia đình của mình. Song bên cạnh đó, còn không ít người đã vô tình và coi nhẹ giá trị văn hóa gia đình này mà để xảy ra muôn vàn điều đau buồn cho chính bản thân, con cái, gia đình họ và xã hội.
YBĐT - Từ năm 2005 trở về trước, cuộc sống của nhân dân xã vùng cao Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) gặp nhiều khó khăn. Số hộ đói, nghèo còn cao. Thế nhưng, bằng sự phấn đấu nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương, việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư đã có nhiều chuyển biến.
YBĐT - Cách trung tâm huyện Văn Chấn tới trên 60 cây số, địa bàn lại giáp ranh với 2 xã của huyện Mù Cang Chải, xã Tú Lệ là nơi tập trung nhiều đầu mối giao lưu buôn bán của đồng bào các dân tộc sống trên địa bàn lân cận.
YBĐT - Trong đợt lũ vừa qua gia đình ông Đinh Phú Kim ở tổ 9 phường Yên Ninh thành phố Yên Bái có 4 chiếc xe ô tô, loại xe du lịch, chất lượng cao bị ngập nước hỏng hóc một số phụ tùng, ước thiệt hại cả chục triệu đồng. Tuy nhiên toàn bộ số tiền đầu tư cho sửa chữa, thay thế đã được các nhà cung cấp bảo hiểm chi trả hết.