Nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - HIV/AIDS đang là căn bệnh thế kỷ có xu hướng lây lan rất nhanh trong cộng đồng dân cư và toàn xã hội. Nhưng, việc tuyên truyền phòng, chống sự lây lan của căn bệnh này hiện đang gặp phải không ít khó khăn, trở ngại, đòi hỏi sự vào cuộc không của riêng ai.
Các đồng đẳng viên tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS của thành phố Yên Bái trong buổi họp giao ban hàng tháng.
|
Ngoài những mặc cảm cá nhân của người có bệnh thì việc tiếp xúc, gặp gỡ với người có HIV cũng như những người bệnh đã chuyển sang giai đoạn AIDS là hết sức khó khăn đối với những người khoẻ mạnh. Nếu không là bác sỹ, không phải là những người cùng cảnh ngộ, thử hỏi trong mỗi chúng ta đã có ai dám mạnh dạn tìm và gặp những người có AIDS hay chưa? Câu trả lời chắc chắn là chưa.
Sở dĩ như vậy là vì sự kỳ thị, phân biệt và đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS vẫn còn tồn tại trong chính suy nghĩ của mỗi chúng ta. Vậy, nếu tuyên truyền phòng, chống AIDS mà không gặp gỡ trực tiếp bệnh nhân AIDS liệu việc tuyên truyền ấy có hiệu quả? Thậm chí nếu chỉ tuyên truyền chung chung trên các phương tiện thông tin đại chúng thì liệu có phải lúc nào những bệnh nhân AIDS cũng nghe thấy hoặc có điều kiện để nghe thấy hay không? Trong khi tất cả chúng ta vẫn loay hoay chưa tìm ra được giải pháp thoả đáng cho công tác tuyên truyền phòng, chống sự lây lan của căn bệnh thế kỷ này thì những người cùng cảnh ngộ, nói khác đi là những đồng đẳng viên tuyên truyền phòng, chống AIDS ở 5 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đang nỗ lực hết mình để làm những gì có thể cho người bệnh.
Hiện nay, lực lượng đồng đẳng viên tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS chỉ có 37 người trên tổng số 49 cộng tác viên tuyên truyền toàn tỉnh, một con số quá nhỏ nhoi so với số bệnh nhân HIV/AIDS trên 3.000 người nhưng đã và đang làm được rất nhiều việc có ích để hạn chế sự lây lan của đại dịch AIDS. Đó là gặp gỡ, trao đổi và trực tiếp đi phát bao cao su, bơm kim tiêm cho những người có HIV/AIDS mà không đòi hỏi chế độ cho riêng mình. Đó là sẵn sàng tới tận nhà bệnh nhân tử vong do AIDS để giúp khâm liệm, mai táng cho người xấu số trong khi ngay bản thân cha mẹ, người nhà của nạn nhân cũng phải dè chừng, lo ngại khi làm công việc hậu sự ấy. Thậm chí có nhiều lúc trên đường đi phát bơm kim tiêm họ cũng gặp phải vô khối chuyện rầy rà, gọi hỏi, kiểm tra của lực lượng công an làm chuyên môn...
Khắc phục những khó khăn ấy, đội ngũ đồng đẳng viên tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS vẫn ngày ngày đi đến từng địa điểm, từng gia đình đối tượng có HIV , đối tượng nghiện hút ma tuý để phát bơm kim tiêm và bao cao su. Họ trực tiếp hướng dẫn và tỉ tê tâm sự giúp các đối tượng có HIV biết cách phòng chống lây nhiễm đại dịch cho người thân, cho cộng đồng xã hội. Đó là làm thế nào để sử dụng bao cao su đúng cách, vì sao phải dùng riêng bơm kim tiêm cũng như phải thu gom sau sử dụng...
Vừa tuyên truyền, vận động, vừa tích cực đi thu gom tập hợp bơm kim tiêm bẩn về tiêu huỷ đảm bảo duy trì cao nhất tỷ lệ bơm tiêm phát ra và thu vào trên địa bàn mình phụ trách. Anh Phạm Đình Toán - giáo dục viên đồng đẳng ở phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) tâm sự: "Trung bình mỗi buổi sáng ra khỏi nhà tôi đem theo chừng 40-50 bơm kim tiêm và bao cao su để sẵn sàng gặp là phát cho người có HIV và người nghiện". Tính từ đầu năm đến nay, anh Toán đã phát được trên 2.000 chiếc bơm kim tiêm và thu gom về trên 70% số lượng bơm tiêm bẩn. "Công việc tuyên truyền và phát bơm tiêm của các đồng đẳng viên tuyên truyền nói dễ cũng được và bảo khó cũng được".
Anh Toán thật thà kể lại chuyện hôm trước đi phát kim tiêm: "Buổi chiều công an bắt đi 10 đối tượng nên số lượng đối tượng nhận bơm tiêm cũng giảm đi. Có những đối tượng nghiện nặng dùng tới 100 bơm tiêm/tháng nhưng khi đồng đẳng viên tìm đến nhà để phát bơm tiêm thì lại tưởng công an nhờ đến bắt nên họ lại trốn mất, thành thử việc phát bơm tiêm và tuyên truyền cũng gặp không ít khó khăn". Còn anh Nghiêm Văn Đảo - đồng đẳng viên tuyên truyền của phường Yên Ninh lại kể: "1 tháng thu gom được 600 chiếc bơm kim tiêm bẩn.
Nhưng nếu không thu gom hết cũng rất nguy hiểm vì một số người đi nhặt phế liệu cũng nhặt cả xi lanh để bán đồ nhựa. Khi mình gặp họ nhặt nói là không nên thì họ lại cự lại "không việc gì đến nhà anh" khiến mình cũng không thể làm gì được”. Đó là chưa kể đến những dịch vụ cắt tóc, gội đầu, cạo râu cũng có thể làm lây truyền HIV nếu những chủ hiệu không được tập huấn kiến thức phòng, chống HIV/AIDS. Bởi vì như nhận xét của những giáo dục viên đồng đẳng thì tất cả mọi người đều có nhu cầu được làm đẹp, người có HIV cũng không nằm ngoài số đó.
Thực tế công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn các huyện, thị, thành phố của Yên Bái cho thấy, ở một số địa phương, cấp uỷ, chính quyền vẫn chưa tạo được sự đồng thuận cao trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nên vẫn còn tình trạng phân biệt, đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS. Tuy có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động truyền thông trực tiếp vào các đối tượng có nguy cơ cao nhưng phương pháp truyền thông chưa phong phú, hấp dẫn; nội dung tuyên truyền chưa sâu rộng đến các đối tượng, thành phần nên vẫn còn rất nhiều người dân chưa có ý thức tự giác đi xét nghiệm máu để biết mình có bị nhiễm HIV/AIDS hay không.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn bị xem là nhiệm vụ của ngành y tế mà chưa có được sự chung tay của cả cộng đồng. Vì thế, tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS gia tăng đang là mối lo của toàn xã hội. Thiết nghĩ, đã đến lúc mỗi đơn vị, tập thể, mỗi khu phố, mỗi cá nhân trong cộng đồng dân cư cần trở thành một hạt nhân tuyên truyền phòng, chống căn bệnh HIV/AIDS. Phải bắt đầu từ ngay chính gia đình-mỗi tế bào của xã hội thì công tác phòng, chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS mới mong sớm có được kết quả nhất định.
Thanh Hương
Các tin khác
Hôm qua 18.9, ông Nguyễn Hùng Long - Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định trong hơn 370 sản phẩm sữa được cục cấp giấy chứng nhận chất lượng lưu hành tại VN chưa có sản phảm sữa nào nhập khẩu từ Trung Quốc
YBĐT - Với phương châm hoạt động hướng mạnh về cơ sở, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Minh Quân, huyện Trấn Yên đã tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; “Ngày vì người nghèo”... Mỗi thành viên mặt trận đều được phân công nhiệm vụ tham gia các hoạt động ở thôn, xóm cùng các tổ chức thành viên tích cực tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh.
YBĐT - Toàn huyện Trạm Tấu có 2.834 hội viên sinh hoạt tại 75 chi hội cơ sở. Hầu hết các thôn, bản đều có chi hội nông dân, việc đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng các làng, bản văn hoá được triển khai đến tất cả các chi hội trong toàn huyện. Song với đặc thù của một huyện vùng cao, giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt, phương thức canh tác manh mún, lạc hậu, tự cung tự cấp nên đời sống của các hội viên nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn.
YBĐT - Nhiều trạm chuẩn y tế quốc gia đã được xây dựng nhưng việc đưa bác sĩ về các trạm y tế tuyến xã phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đang là bài toán khó. Huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có cách giải hay cho bài toán này.