Đồn Gióm ngày ấy - bây giờ

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trên mảnh đất Đông An (Văn Yên) anh hùng, còn hiện hữu di tích lịch sử trận đánh oanh liệt tiêu diệt đồn Gióm trong chiến dịch Sông Thao mùa hè 1949. Từ đồn Gióm có thể bao quát hết khu vực xung quanh với cả đoạn sông, đường bộ lên Văn Bàn (Lào Cai). Hiện trường trận địa pháo, giao thông hào, vỏ đạn pháo, đạn cối... tại khu vực đồn Gióm năm xưa vẫn còn khá nguyên vẹn .

Trung tâm xã Đông An (Văn Yên) được đầu tư nhiều công trình mới.
Trung tâm xã Đông An (Văn Yên) được đầu tư nhiều công trình mới.

Một nhân chứng lịch sử từng tham gia trận đánh - cựu chiến binh Đặng Văn Cấp. Ông Cấp hiện ở thôn Trà, đã 81 tuổi nhưng có tới 60 tuổi Đảng. Thời gian và tuổi tác, khiến ông nhớ được không nhiều những diễn biến của trận đánh năm xưa. Ngày đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ trương tập trung lực lượng tiêu diệt quân địch ở vị trí Gióm và làng Phát (xã Đông An bây giờ), để phá một trong các chốt quan trọng trên phòng tuyến sông Thao, không cho quân địch tái chiếm đóng lại Đại Bục, Đại Phác.

 

Đồng thời, cũng là chặt một mắt xích trong tuyến phòng thủ theo hành lang Đông – Tây của quân Pháp. Ngày 16/7/1949, tiếng súng cối và Bazoka của bộ đội Tiểu đoàn 54 nổ vang dội nã đạn vào đồn Gióm. Trận chiến đấu khá ác liệt và đồn Gióm bị bốc cháy. Hàng trăm tên địch bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh, ta thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của địch. Ngày 17/7 1949, chiến dịch Sông Thao đã kết thúc. Thắng lợi trên, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến của ta tiến lên giành thế chủ động, giải phóng một vùng rộng lớn trên 3.000km2, mở thông đường liên lạc giữa vùng tự do với các căn cứ địch chiếm đóng ở Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, tạo bàn đạp cho chủ lực ta tiến lên giải phóng Nghĩa Lộ, phục vụ thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Đã 60 năm qua đi, Đảng bộ- chính quyền và nhân dân các dân tộc ở Đông An luôn phát huy truyền thống anh hùng của thế hệ cha anh, phấn khởi thi đua lao động sản xuất, tham gia kháng chiến, tiếp tục làm nên những trang sử mới hào hùng của dân tộc. Nơi đồn Gióm lịch sử này đã và đang đổi thay từng ngày. Bí thư Đảng uỷ xã - Đỗ Chinh Thông cho hay: “Được Nhà nước quan tâm đầu tư, sự chỉ đạo sát sao của tỉnh và huyện, nhân dân trong xã đã vượt qua  khó khăn thử thách hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế- xã hội , đưa đời sống nhân dân ngày một đi lên”.

 

Cách đây hơn chục năm, kinh tế của xã còn thuần nông, chưa vững chắc, đến nay đã phát triển khá toàn diện và khẳng định được hiệu quả. Vào những năm 2000, xã chỉ có trên 110 ha lúa nước, đến nay đã phát triển đưa vào sản xuất được 267 ha lúa trong tổng số 405 ha diện tích cây lương thực có hạt của xã. Tổng sản lượng lương thực của xã hiện nay đạt gần 2 ngàn tấn,  đưa bình quân lương thực đạt gần 400 kg/người/năm; thu nhập bình quân một người xấp xỉ 7 triệu đồng/năm. Xã đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tỷ trọng nông - lâm nghiệp giảm còn 54,6%, công nghiệp xây dựng tăng đạt 18,4%, dịch vụ thương mại đạt 27%.

 

Đến xã Đông An hôm nay, nhiều đoạn đường liên thôn đã được cứng hoá, mở rộng đến 3,5 m, đường ô tô đã đến được tới tất cả 17 thôn nhờ sự đóng góp tiền của, công sức từ nhân dân. Đường xá lưu thông, cầu ngòi Hút, rồi cầu Trái Hút - Đông An hoàn thành. Tới đây, đường cao tốc Nội Bài - Lao Cai chạy qua địa bàn xã tạo điều kiện thuận lợi cho Đông An tiếp tục bứt phá. Các trường học được đầu tư kiên cố hoá, nâng cao chất lượng giảng dạy, do đó thu hút trẻ đến trường ngày càng cao, các cấp học luôn duy trì tỷ lệ huy động đạt 96 - 99%. Năm qua, Đông An đã tạo việc làm mới cho 158 lao động, trong đó một phần ba có việc làm ổn định tại xã, số hộ nghèo hiện còn 10,9% theo tiêu chí mới.

 

Mỗi dịp kỷ niệm, ngày lễ, tết công tác “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn” luôn được các ngành, đoàn thể quan tâm như: gặp mặt, tặng quà các đối tượng chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ trên địa bàn, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho 22 đối tượng chính sách... Đặc biệt, Đảng uỷ, các cấp hội, những cựu chiến binh trong xã đã nêu cao ý chí, khơi dậy truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, cùng tiếp bước trên con đường xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

 

Đồn Gióm đã được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2006 và hiện được qui hoạch với diện tích 2 ha. Đồn Gióm mãi mãi là chứng tích cho một chiến công hiển hách, không thể phai mờ. Theo nguyện vọng của các cựu chiến binh và nhân dân nơi đây, di tích đồn Gióm sẽ tiếp tục được nghiên cứu bổ sung tư liệu và đề nghị trung ương công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, nhằm xây dựng, bảo tồn, phát huy và nâng tầm giá trị truyền thống lịch sử của dân tộc.

 

Văn Trung

Các tin khác

YBĐT-Trong những ngày qua do ảnh hưởng của dãy áp thấp nhiệt đới, kết hợp hội tụ gió trên cao nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có mưa to và rất to gây ra lũ ống và ngập lụt cục bộ nhiều diện tích hoa màu và đường giao thông.

YBĐT - Thực hiện kế hoạch thành lập tổ chức công đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn từ năm 2006, đến nay, huyện Lục Yên đã có 13/24 xã, thị trấn có tổ chức công đoàn. Tuy vậy, việc duy trì hoạt động và phát huy vai trò của tổ chức công đoàn tại các cơ sở này hiện đang gặp nhiều khó khăn. Chủ quan có, khách quan cũng có, nhưng có một điểm dễ nhận thấy là hoạt động công đoàn tại một số cơ sở xã, thị trấn mới chỉ mang tính hình thức.

YBĐT - Vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH)Yên Bái đã tổ chức gặp mặt, biểu dương và trao Bằng khen của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho 19 đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hiện BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2008.

YBĐT - Vừa qua, Huyện Đoàn Văn Chấn đã tổ chức lễ vinh danh 31 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ Văn Chấn làm theo lời Bác”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục