Gặp người giữ huyết mạch Đường 20 quyết thắng

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Không được tham gia mở đường 20, nhưng Bùi Hữu Quang hiểu rõ cả mở đường và bảo vệ đường 20 diễn ra trong mưa bom bão đạn. Với ông Quang cùng những người đồng đội mở và bảo vệ đường thì con đường 20 quyết thắng là khúc bi tráng nhất trong bản trường ca bất hủ mang tên Trường Sơn.

Đường 20 quyết thắng xưa.
Đường 20 quyết thắng xưa.

Lại một con đường chọc thủng Trường Sơn

Như mũi tên cắm vào tim địch

Kiêu hãnh lắm những người con chiến dịch

Mang tên tuổi Đoàn in dấu một niềm tin

 

Câu thơ ấy như nằm lòng trong ông Bùi Hữu Quang, nguyên Đại đội trưởng C30 – N25- BT14- Đoàn 559. Hiện nay ông đang cư trú tại thôn 2 xã Tân Thịnh – huyện Trấn Yên, Yên Bái. Bởi ông đã có những năm tháng hào hùng được làm nhiệm vụ giữa dốc Đồng tiền và ngầm Tà Lê trên đường 20 quyết thắng – con đường huyền thoại chọc thủng Trường Sơn. 

 

Không được tham gia mở đường 20, nhưng ông Quang hiểu rõ cả mở đường và bảo vệ đường 20 diễn ra trong mưa bom bão đạn. Năm 1970, ông Bùi Hữu Quang được giao nhiệm vụ dẫn một Đại đội TNXP vào đảm bảo giao thông gần ngầm Tà Lê trên đường 20 thông được suốt. Khi đó ông 24 tuổi và những anh em TNXP mới 16,17 tuổi – cái tuổi đầy sức trẻ  và lòng nhiệt huyết cống hiến cho quê hương đất nước. Ngầm Tà Lê là một trong ba trọng điểm ác liệt không người chiến sĩ đi B nào trong thời gian đó không nhớ là Cua chữ A, ngầm Tà Lê và đèo Pu La Nhích (ATP).

 

Công việc của ông và Đại đội TNXP C30 lúc bấy giờ là đảm bảo cho giao thông thông suốt chi viện kịp thời cho miền Nam. Địch hiểu được tầm quan trọng của đường 20 nên đã tiến hành không kích liên tục nhằm chặt đứt sợi dây nối miền Bắc với miền Nam, ông Quang không thể nhớ nổi một ngày địch không kích nhằm tàn phá đường 20 bao nhiêu lần. Nhưng sau mỗi lần đó ông cùng đồng đội nhanh chóng rà phá bom mìn với rất nhiều loại bom như bom từ trường, bom nổ chậm, mìn lá, cây nhiệt đới (thiết bị thu tín hiệu âm thanh của xe cơ giới rồi phát lại máy bay thả bom mình ) và tiến hành san gạt, hàn đường giải phóng đường dẫn xe vào tuyến được an toàn.

 

Ông Bùi Hữu Quang (người cầm đàn) 

Ông Quang cho biết: “Chúng tôi phải thật khẩn trương nếu không chỉ 1 giờ đồng hồ đường không thông thì có tới hàng trăm xe tắc nghẽn tại đây, mà  nếu bị máy bay địch oanh tạc thì không biết thiệt hại to lớn đến như thế nào nữa”. Chính vì vậy mà việc thi công vào buổi đêm diễn ra thường xuyên.

 

Đặc tính của thời tiết là một thử thách rất lớn đối với những chiến sĩ đi qua và làm nhiệm vụ tại đường 20. Về mùa mưa, các ngầm, khe có thể ào ra những bọc nước lớn cuốn trôi mọi thứ, ông Quang nhớ lại: “Hôm đó trong khi chúng tôi đang tiến hành hàn đường thì trời mưa rất to, chiếc xe ôtô của đơn vị đậu gần nơi bờ suối, tôi đã cho 3 anh em xuống đưa xe lên cao thì ào ào nước về cuốn phăng chiếc xe. Lúc đó tôi đã tưởng mất người, nhưng vẫn bắn 3 phát súng báo hiệu, một lúc sau thấy bên kia bờ suối có tiếng súng. Chúng tôi ở bên này bờ thở phào nhẽ nhõm vì đồng đội của mình vẫn còn”.

 

Khó khăn gian khổ chồng chất, anh chị em bị sốt rét ác tính nhiều, có những cô bị sốt rét chỉ còn 14kg như cô Vịnh, cô Loan ở Nam Định. Nhiều đồng đội của ông Quang cũng đã hy sinh bởi sốt rét ác tính.

 

Thời tiết, địa hình đèo dốc hiểm chở, trên không máy bay địch oanh tạc suốt ngày đêm, cộng với cuộc sống gian khổ, trong khi đó, đơn vị C30 của ông Quang phần lớn là chị em tuổi đời còn khá trẻ là những khó khăn hiển hiện lúc bấy giờ. Nhưng giao thông giữa ngầm Tà Lê và rốc Đồng Tiền luôn được bảo đảm bởi vì khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” được khắc ghi sâu đậm trong mỗi người chiến sĩ của C30.

 

Ông Quang còn nhớ rất rõ vào giữa tháng 9/1970 trong khi Đại đội của ông đang thi công tại dốc Đồng Tiền gần cổng trời thì bị 2 máy bay VO10- máy bay trinh sát hiện đại nhất của Mĩ lúc bấy giờ- phóng lựu đạn khói đánh dấu mục tiêu. Theo kinh nghiệm, ông Quang đã cho đồng đội chạy ngược chiều gió để tránh sự truy kích, oanh tạc của máy bay F4H của địch. Nhưng nhiều đồng đội của ông đã không tránh được loạt đạn ca-lông-vanh của địch.

 

Nhớ lại hình ảnh cô Là - người Nam Định bị bắn từ sau lưng rồi phá ra trước ngực và hy sinh ngay tại trận, ông Quang không kìm nổi sự xúc động: “Vết thương bị phá ở ngực phải to bằng miệng chén, máu cứ cháy ra. Cô ấy chưa có chồng”. Trong 8 nữ TNXP hy sinh hôm đó thì chỉ duy nhất một người đã có chồng.

 

Sự hy sinh mất mát đó đổi lại bằng 2 chiếc máy bay VO10 của địch bị bắn rơi và rốc Đồng Tiền lại tiếp tục được hàn gắn thông đường cho những chuyến xe qua. Những khó khăn gian khổ không ngăn nổi sức mạnh của tuổi trẻ, lòng nhiệt huyết yêu nước, mong muốn cống hiến sức trẻ cho quê hương. Sau trận đánh ác liệt đó đơn vị C30 – N25-BT14 được thưởng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sơn”.

 

Với ông Quang cùng những người đồng đội mở và bảo vệ đường thì con đường 20 quyết thắng là khúc bi tráng nhất trong bản trường ca bất hủ mang tên Trường Sơn.

 

 

Xuất phát từ thôn Phong Nha lên Cà Roòng (Quảng Bình), đường 20 chọc thủng dãy đá vôi của Trường Sơn, nối liền với đường 128 ở ngã ba Lùm Phùm (Lào), có chiều dài 123 km. Đây là tuyến đường được khảo sát và thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt bị địch đánh phá suốt ngày đêm có thể nói mặt đường trộn lẫn máu và mồ hôi của các chiến sĩ Trường Sơn. Đường 20 vắt ngang qua dãy Trường Sơn nên phải vượt qua nhiều "cổng trời" và nhiều bãi đá tai mèo, có các điểm như Chà Ang (km 12), dốc Ba Thang, Khe Diêm, U Bò phải phá tới một triệu mét khối đá. Nhưng chỉ sau hơn 4 tháng, kể từ ngày 20-12-1965 tuyến đường đã hoàn thành. Hai trung đoàn công binh số 41, số 10 và tổng đội thanh niên xung phong số 25, gồm của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nam Ninh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ tư lệnh 559 đã đảm nhận nhiệm vụ lịch sử này 

Thanh Ba

(Ghi theo lời kể của ông Bùi Hữu Quang - Đại đội trưởng C30-N25-BT14-Đoàn 559)

Các tin khác
Ngôi nhà của bà Hoàng Thị Viên ở bản Khem xã Thạch Lương (Văn Chấn) đã sắp bị đổ.

YBĐT - Huyện Văn Chấn khi ấy có 1.046 thuộc diện được hỗ trợ, trong đó có 96 căn nhà thuộc hộ chính sách. Thị xã Nghĩa Lộ có 110 căn, có 14 căn nhà thuộc diện hộ chính sách. Riêng thị xã Nghĩa Lộ thì địa bàn hoàn toàn nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò, còn huyện Văn Chấn tuy có đến 31 xã, thị trấn nhưng số hộ nghèo được thụ hưởng đề án này tập trung rất lớn ở 9 xã trong vùng lòng chảo Mường Lò.

Đoàn viên Công đoàn Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái trong dây chuyền sản xuất.

YBĐT - Trong tổng số 172 lao động đang làm tại Công ty việc thì có đến trên 80% là lao động nữ. Bởi thế hoạt động công đoàn tại Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái mang nhiều nét đặc thù, nếu không muốn nói là khác biệt và cũng gặp nhiều khó khăn hơn so với những tổ chức công đoàn cơ sở khác.

Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) ngày 18-5 cho biết: Có thêm hai tỉnh là Hà Nam và Hòa Bình ghi nhận có người mắc tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, nâng tổng số địa phương có người mắc lên thành 11 tỉnh, thành phố với tổng số 534 trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có 53 ca đã được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả.

Ở thành phố Yên Bái đã có nhiều nơi bị ngập lụt, gây tắc nghẽn giao thông trong mùa mưa lũ năm 2008.

YBĐT- Trao đổi với phóng viên Yên Bái điện tử chiều ngày 18.5, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCLB Nguyễn Văn Bình cho biết: Ban chỉ huy PCLB tỉnh Yên Bái đã triển khai sớm các biện pháp phòng chống lụt bão tới các cấp, các ngành, địa phương. Diễn biến mưa lũ trong những ngày qua đòi hỏi các ngành, các địa phương phải nêu cao cảnh giác, chủ động các biện pháp phòng chống theo phương châm "4 tại chỗ" mà Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã đề ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục