20 năm một chặng đường truyền hình Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/7/2010 | 9:33:00 AM

YBĐT - Với sự chuẩn bị về mọi mặt, đúng dịp kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (30.6.2008), kênh truyền hình Yên Bái (YTV) được tách riêng, phát sóng từ 6 giờ đến 24 giờ, trong đó ngoài chương trình thời sự, văn hóa, văn nghệ buổi tối đã mở thêm chương trình buổi sáng, buổi trưa, riêng thứ 7 và chủ nhật khép kín chương trình truyền hình địa phương.

Các phóng viên của Đài trao đổi nghiệp vụ trước giờ làm chương trình truyền hình trực tiếp.
Các phóng viên của Đài trao đổi nghiệp vụ trước giờ làm chương trình truyền hình trực tiếp.

Cũng như các tỉnh miền núi trong khu vực Tây Bắc, truyền hình địa phương ra đời muộn hơn so với phát thanh. Cuối năm 1988, Ủy ban nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn trang bị cho Đài tỉnh một máy phát hình công suất 100W do Liên Xô sản xuất, một đầu video và một màn hình màu 12 inch làm cơ sở ban đầu cho việc hình thành một loại hình báo chí mới.

Sau một thời gian bồi dưỡng, đào tạo nhân lực và chuẩn bị cơ sở vật chất, đến cuối năm 1989, máy được đưa vào phát thử nghiệm tại trụ sở Đài ở Km7, chủ yếu là tiếp sóng Truyền hình Việt Nam qua trạm Tam Đảo và thỉnh thoảng chiếu phim, phát “thô” một số tin tức, phỏng vấn mang tính tập dượt. Khi trung tâm kỹ thuật phát sóng xây dựng xong tại địa điểm mới Km5, ngày 15.5.1990, truyền hình Yên Bái chính thức tiếp, phát sóng trên cột anten cao 45 mét và đến ngày 15.7.1990, chương trình truyền hình địa phương đầu tiên chính thức ra mắt khán giả trong tỉnh. Tuy diện phủ sóng còn hẹp, thiết bị sản xuất chương trình mới chỉ có 2 camera M7, 2 đầu video vừa ghi vừa dựng và phát sóng song đây là dấu ấn quan trọng, ghi nhận sự ra đời của một kênh thông tin mới được nhiều người quan tâm và là giai đoạn thử nghiệm, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ, chuẩn bị cho chặng đường tiếp theo.

Nhờ đó, từ năm 1992 trở lại đây, khi tín hiệu truyền hình quốc gia được truyền qua vệ tinh, tỉnh Yên Bái tái lập, sự nghiệp phát thanh - truyền hình địa phương ngày càng có thêm điều kiện để phát triển với tốc độ nhanh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất, phát sóng chương trình truyền hình và đội ngũ cán bộ, viên chức được bổ sung, đào tạo nhiều hơn. Năm 1992 cùng một lúc xây dựng 4 trạm phát lại truyền hình ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Lục Yên, Văn Chấn. Đài tỉnh được trang bị máy phát hình màu, công suất 500W; các thiết bị ghi, dựng hình Super VHS được bổ sung hoàn chỉnh, tạo điều kiện để tăng thời lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả của tờ báo hình Yên Bái.

Cùng với trụ sở làm việc được xây dựng mới và đưa vào sử dụng từ tháng 4.1996, giữa năm 1997, cột anten tự đứng cao 100 mét (do Malaysia sản xuất) đưa vào hoạt động, thay thế cột anten cũ. Tiếp đó, từ năm 1998 đến nay, đã đưa vào hoạt động 3 máy phát hình màu gồm 2 máy công suất 2 KW, 1 máy 5 KW, đủ điều kiện để tăng thời lượng chương trình địa phương và tiếp sóng cả 3 kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

 Đặc biệt, từ năm 2008, được đầu tư từ Dự án ODA (Tây Ban Nha), Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái có thêm một máy phát hình công suất 5 KW, một xe truyền hình lưu động và 5 trạm phát sóng truyền hình, mỗi trạm 3 máy, phát công suất mỗi máy từ 1 - 2 KW, cột anten tự đứng 60 mét lắp đặt tại các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên và thị xã Nghĩa Lộ.

Bên cạnh đó, trong 20 năm qua, trên địa bàn tỉnh, bằng nguồn đầu tư của Trung ương, của tỉnh, 36 trạm phát lại truyền hình đã được xây dựng, đưa sóng truyền hình quốc gia đến trên 95% địa bàn dân cư và 85% số hộ được tiếp nhận thông tin qua loại hình báo chí này, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIV đề ra.

Cùng với tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, từ năm 1990 đến nay, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đã được đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung ngày càng đông về số lượng với trên 70% có trình độ cao đẳng, đại học; có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và gắn bó với quê hương, với nghề nghiệp là yếu tố quyết định quá trình phát triển của tờ báo hình nói riêng, của sự nghiệp phát thanh - truyền hình (PT-TH) Yên Bái nói chung.

Trong điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nguồn đầu tư cho phát triển chưa nhiều nhưng Đài PT-TH Yên Bái luôn là đơn vị đi đầu trong ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, suy nghĩ và tìm tòi cách làm có hiệu quả, mang tính đột phá trong hoạt động nghiệp vụ. Ngược dòng thời gian, từ năm 1996, thiết bị còn thiếu thốn nhưng Đài đã thực hiện truyền hình trực tiếp các sự kiện lớn diễn ra trong tỉnh. Và từ năm 2008 đến nay, khi có xe truyền hình lưu động, đội ngũ cán bộ, kỹ thuật của Đài đã nhanh chóng tiếp cận và làm chủ trang thiết bị, đưa vào hoạt động mang lại hiệu quả cao.

Riêng năm 2009, Đài thực hiện truyền hình trực tiếp 20 cuộc; ghi hình, phát sóng 16 sự kiện lớn và 6 tháng đầu năm 2010 đã truyền hình trực tiếp tất cả các sự kiện, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh như: Lễ hội đón chào năm mới Canh Dần, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam - thống nhất đất nước, 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 110 năm Ngày thành lập tỉnh Yên Bái, 65 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh cùng nhiều cuộc giao lưu do các ngành, đoàn thể tổ chức.

Quan tâm đầu tư cho con người và trang thiết bị kỹ thuật, chương trình truyền hình của Đài PT-TH Yên Bái ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Giai đoạn đầu, mỗi tuần một chương trình 15 phút, rồi 2 chương trình, dần dần tăng lên 4 chương trình, 6 chương trình 1 tuần và từ năm 2007 đã khép kín các ngày trong tuần với thời lượng từ 30 phút lên 60 phút một chương trình.

Với sự chuẩn bị về mọi mặt, đúng dịp kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (30.6.2008), kênh truyền hình Yên Bái (YTV) được tách riêng, phát sóng từ 6 giờ đến 24 giờ, trong đó ngoài chương trình thời sự, văn hóa, văn nghệ buổi tối đã mở thêm chương trình buổi sáng, buổi trưa, riêng thứ 7 và chủ nhật khép kín chương trình truyền hình địa phương. Ngày 19.5.2007, Đài bắt đầu đưa vào hoạt động website Yenbai TV chuyên về phát thanh - truyền hình và từ tháng 3.2009 phối hợp với Công ty Truyền thông đa phương tiện, Điện lực Yên Bái đưa truyền hình cáp Yên Bái phục vụ nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân. Ngoài chương trình tiếng Việt, từ năm 1997 đến nay, Đài PT-TH Yên Bái duy trì đều đặn việc sản xuất chương trình truyền hình tiếng Mông. Từ một chương trình/tháng thì đến nay, mỗi tháng có 4 chương trình chuyển phát tại các trạm truyền hình có đông đồng bào Mông sinh sống và cộng tác với VTV5 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Với một tỉnh miền núi, địa hình chia cắt nên sóng truyền hình tỉnh không thể phủ hết các địa bàn. Khắc phục khó khăn này, trước đây, Đài thực hiện in băng chương trình hàng ngày chuyển phát tại các huyện, thị thông qua đường bưu điện phát chậm một ngày. Tháng 4.2009, Đài ứng dụng chuyển chương trình qua mạng Internet tới Đài Truyền thanh - Truyền hình Văn Chấn, Lục Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ phát trong ngày. Tháng 4.2010, Đài phối hợp với Viễn thông Yên Bái thử nghiệm thành công và thực hiện đưa sóng truyền hình Yên Bái phát đồng thời tới tất cả các huyện, thị trong tỉnh. Kết quả này mở ra hướng thuận lợi để thời gian tới, Đài PT-TH Yên Bái có thể phủ sóng đài địa phương đến tất cả các vùng, miền trong tỉnh.

Mặc dù còn nhiều khó khăn và hạn chế nhưng trong những năm qua, cùng với các chương trình phát thanh, truyền hình Yên Bái đã có bước đi vững chắc, luôn phấn đấu thực hiện tốt chức năng thông tin, giáo dục, hướng dẫn dư luận, bảo đảm đúng định hướng tuyên truyền của Đảng. Truyền hình Yên Bái đã giành nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc, trong đó có 3 huy chương vàng, 15 huy chương bạc cùng nhiều bằng khen, 1 tác phẩm truyền hình giành giải B báo chí toàn quốc. Kết quả đó góp phần làm phong phú thêm bảng vàng thành tích của Đài PT-TH Yên Bái, trong đó năm 2007 vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2009 được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Thông tin & Truyền thông.

Phát huy kết quả đạt được trong 20 năm qua, khắc phục những mặt còn hạn chế, chặng đường phía trước, Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái tiếp tục đoàn kết, phấn đấu tăng thời lượng đi đôi với nâng cao chất lượng chương trình; mở rộng diện phủ sóng truyền hình địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức vững vàng về chính trị, tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ mà đại hội Đảng các cấp đề ra.

Một số hình ảnh hoạt động công tác xuất bản ở Đài phát thanh - truyền hình Yên Bái:

 

Buổi họp giao ban đầu tuần của Ban giám đốc Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh với các trưởng, phó phòng.

Một chương trình phát thanh trực tiếp của Đài phục vụ Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI, năm 2005.

Các biên tập viên Phòng biên tập phát thanh - truyền hình khai thác mạng Internet, vệ tinh sản xuất chương trình thời sự quốc tế.

Đội ngũ phóng viên trẻ của Đài hôm nay.

Hà Minh Ất

Các tin khác

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, qua khảo sát 21 bệnh viện tuyến trung ương, hiện có 20 bệnh viện thực hiện viện kê đơn thuốc điện tử. Cùng với đó, 80% khoa dược của bệnh viện tuyến trung ương đã có phần mềm quản lý thuốc kết nối với khoa khám bệnh để kê đơn và phát thuốc cho bệnh nhân ngoại trú qua mạng.

Cán bộ Trạm Y tế phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) tư vấn và cấp thuốc uống tránh thai cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ trong chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ dân số.

YBĐT - Trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) đã có nhiều chuyển biến tích cực và thu được những kết quả quan trọng, ghi dấu và đóng góp to lớn vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn của tỉnh Yên Bái.

Đăng ký khám thai và kế hoạch hóa gia đình tại Trung tâm y tế phường Minh Tân, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Thủy)

YBĐT - Nhân kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7/2010, YBĐT đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lương Kim Đức - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh về cơ cấu tổ chức bộ máy ngành dân số từ khi chia tách đến nay.

Sáng 9-7, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam đã thông báo kế hoạch triển khai các hoạt động quán triệt Kết luận 73-KL/TƯ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 51-CT/TƯ ban hành ngày 12-4-1989 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa VI về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục