Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế những rắc rối không đáng có
- Cập nhật: Thứ ba, 30/10/2012 | 9:59:16 AM
YBĐT - Cứ sau mỗi đợt khám chữa bệnh (KCB) cho người nhà tại các bệnh viện từ tuyến cơ sở cho tới tuyến Trung ương mới thấy được những rắc rối do những yêu cầu của cơ quan bảo hiểm đặt ra mà lẽ ra điều này không đáng có đối với người bệnh. Điều đó đã khiến tôi trăn trở và quyết định viết đôi dòng cảm nhận để bạn đọc gần xa cùng suy ngẫm.
Thanh niên tình nguyện khám bệnh cho đồng bào vùng cao xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên.
|
Đầu năm 2012, người nhà tôi bị bệnh phổi phải đi khám và điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Yên Bái. Sau khi khám bệnh và thấy người nhà tôi thuộc đối tượng là người tàn tật, không có khả năng lao động, có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) do được hưởng chính sách an sinh xã hội, một chế độ chính sách rất ưu việt của Nhà nước nên Bệnh viện quyết định cho người nhà tôi vào nằm điều trị tại bệnh viện.
Ngày hôm sau, cán bộ ngành bảo hiểm đến và yêu cầu gia đình tôi phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân của người bệnh. Khổ nỗi, người nhà tôi bị tàn tật từ nhỏ, sống phụ thuộc hoàn toàn vào người thân và gia đình, không có khả năng lao động, không có năng lực hành vi thì làm sao có giấy chứng minh nhân dân.
Nói khó mãi, cô cán bộ mới chịu để yên cho người nhà tôi tiếp tục được điều trị. Sau đó, do bệnh nặng, người nhà tôi được Bệnh viện chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Lao phổi Trung ương. Tới nơi, do không có chứng minh thư nhân dân, người nhà tôi không được vào viện KCB, mặc dù gia đình trình bày thế nào cũng không được bệnh viện chấp thuận.
Cuối cùng gia đình tôi xin được chấp thuận giải pháp xin chứng nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú. Thế là từ Hà Nội, gia đình tôi lại phải quay về Yên Bái để xin xác nhận của chính quyền địa phương, cùng với đó là lo tìm chỗ nghỉ cho người bệnh để chờ đợi trong khi bệnh tình ngày càng nặng thêm.
Sau một ngày lặn lội, cuối cùng cũng lấy được giấy xác nhận của chính quyền địa phương rằng người nhà tôi thuộc diện được hưởng chế độ chính sách bảo trợ xã hội tại địa phương và sau những lời năn nỉ của gia đình, người nhà tôi mới được vào viện để chữa bệnh.
Mới đây, con trai tôi bị đau bụng về đêm, sáng sớm gia đình đã tức tốc cho cháu đến bệnh viện đa khoa huyện để khám bệnh. Do cháu đau và sốt, theo chẩn đoán ban đầu là viêm ruột thừa, các bác sỹ đã cho cháu vào nhập viện để theo dõi và xử lý. Sau đó, do nguyện vọng của gia đình, bệnh viện đã chuyển cho cháu lên tuyến trên là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái để điều trị.
Sau một tuần, trở lại thanh toán viện phí tại bệnh viện huyện, cô cán bộ bảo hiểm cứ tỏ ra khó khăn và không hài lòng bởi bệnh viện chưa giám định ngay BHYT do gia đình chưa kịp thời xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh.
Tôi quyết định lên tiếng rằng con tôi vào viện trong tình trạng cấp cứu và chuyển viện cũng trong tình trạng cấp cứu. Gia đình chưa kịp xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh, mong các cô tạo điều kiện giải quyết, cuối cùng các cô ấy mới quyết định cho thanh toán ra viện cho con trai tôi.
Vừa qua, anh bạn tôi có con trai học lớp 5, bậc tiểu học, cháu phải vào nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, khi thanh toán các thủ tục cho con trai, anh bạn tôi đã phải chụp ảnh của con trai mình và xin giấy xác nhận của nhà trường, đóng dấu giáp lai giữa ảnh với đơn trình bày của gia đình mới được thanh toán thủ tục cho cháu khi ra viện bởi cháu không có thẻ học sinh hay các giấy tờ tùy thân khác có ảnh.
Qua các sự việc trên, thiết nghĩ, để tránh những rắc rối, phiền hà không đáng có và tạo điều kiện cho bệnh nhân, cơ quan bảo hiểm cần có những lưu ý và điều chỉnh để tạo điều kiện cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi làm các thủ tục KCB tại các bệnh viện và các cơ sở y tế.
Thứ nhất: các đối tượng người tàn tật, sống phụ thuộc vào gia đình, không có năng lực hành vi, không có chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh của người bệnh, sẽ là những khó khăn, vất vả, rắc rối, phiền hà cho người bệnh và gia đình khi đi KCB BHYT. Do đó, khi làm thủ tục cấp thẻ BHYT cho đối tượng người tàn tật, cơ quan bảo hiểm cần yêu cầu có ảnh và dán trực tiếp vào tấm thẻ BHYT. Khi đến KCB, chỉ cần nhìn thẻ và ảnh của người bệnh là đủ điều kiện thực hiện việc KCB cho bệnh nhân.
Thứ hai: Hiện nay, hầu hết các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, Nhà nước không quy định cấp thẻ học sinh, do vậy, học sinh của các bậc học này khi đi KCB chỉ với tấm thẻ KCB do cơ quan bảo hiểm cấp như hiện nay là không có giá trị, để có thể được KCB gia đình phải mất rất nhiều thời gian để lo các thủ tục theo yêu cầu của ngành bảo hiểm (làm đơn, chụp ảnh và xin xác nhận của nhà trường).
Đối với những trường hợp gia đình ở xa các cơ sở KCB hoặc vào dịp các trường nghỉ hè, việc lấy được con dấu xác nhận cho bệnh nhân lại càng khó khăn vất vả hơn nhiều. Do vậy, trong trường hợp đối tượng là học sinh bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thì song song với việc cấp thẻ BHYT, cơ quan bảo hiểm cần phải cấp thẻ học sinh cho các đối tượng này để việc KCB của các đối tượng này được đảm bảo thực hiện.
Chế độ BHYT là chính sách ưu việt của Nhà nước ta, trong quá trình triển khai thực hiện, cơ quan bảo hiểm cũng cần nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh cho phù hợp và phối hợp với ngành y tế tổ chức việc KCB và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất để người dân thực hiện quyền lợi của mình một cách thuận tiện, tránh những phiền hà, rắc rối không đáng có cho người bệnh.
Nguyễn Hồng
Các tin khác
YBĐT - Qua nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án như: vốn tín dụng ngân hàng, vốn đầu tư phát triển sản xuất, vốn giải quyết việc làm… từ đầu năm đến nay, huyện Trấn Yên đã giảiquyết việc làm cho 1.835 lao động (bằng 83% kế hoạch).
YBĐT - Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn huyện Yên Bình đã tích cực huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
YBĐT - Ngày 1/10/2010, Luật Người cao tuổi (NCT) chính thức có hiệu lực. Sau hai năm thực hiện, Luật đã góp phần quan trọng chăm lo đời sống vật chất và nâng cao vai trò, vị thế của NCT trong xã hội.
Dự báo khoảng trưa 30/10, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh Bắc Bộ.