Gửi tin nhắn lừa trúng thưởng sẽ bị xử lý hình sự
- Cập nhật: Thứ tư, 31/10/2012 | 1:17:34 PM
Hành vi gửi tin nhắn lừa trúng thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ hay quảng cáo bán hàng trên mạng viễn thông nhưng chất lượng không như cam kết... sẽ bị phạt cao nhất tới 100 triệu đồng hoặc đi tù 5 năm.
Làm giả thẻ ngân hàng có thể bị phạt đến 5 năm tù.
|
Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSND Tối cao cùng một số bộ vừa ký Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành một số quy định về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.
Thông tư hướng dẫn xử lý về các tội: Phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, thiết bị số (điều 224 Bộ luật Hình sự); Cản trở hoặc gây rối loạn, hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, thiết bị số (điều 225); Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet (điều 226)...
Theo đó, hành vi gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn sẽ bị xử lý theo khoản 1 điều 226b (Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản). Mức phạt với hành vi này từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Việc quảng cáo bán hàng trên Internet, mạng viễn thông nhưng không giao hoặc giao không đúng số lượng, chủng loại, chất lượng thấp hơn và các hành vi tương tự cũng bị xử lý như trên.
Thông tư hướng dẫn, với tội danh thuộc điều 226b nếu thiệt hại về vật chất từ 1,5 tỷ đồng trở lên sẽ thuộc trường hợp "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Đặc biệt, thông tư đã giúp cơ quan công an "tháo" một số vướng mắc bấy lâu khi cho phép trong quá trình điều tra vụ án hình sự về các tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, trường hợp vì lý do khách quan không xác định được người bị hại (do đang sống ở nước ngoài; không xác định được tên thật, địa chỉ của người bị hại; người bị hại không hợp tác muốn lộ danh tính...) nhưng căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được có cơ sở xác định bị can, bị cáo để thực hiện hành vi phạm tội thì vẫn khởi tố vụ án, truy tố, xét xử. Việc không xác định người bị hại hoặc xác định không đủ số người bị hại được cho là không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất vụ án.
Một cán bộ Đội cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Nội) cho VnExpress biết nạn nhân của các vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao giờ không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà có thể lan ra toàn cầu. Do đó, quy định của thông tư sẽ giúp cơ quan công an có nhiều thuận lợi, tốc độ điều tra được đẩy nhanh.
"Ví dụ, vụ án lừa đảo đầu tư gian hàng ảo trên mạng của Công ty MB24 ước chừng có cả trăm nghìn người là bị hại. Thiếu một số bị hại không đến khai báo với cơ quan điều tra, vụ án không thay đổi bản chất..." vị cán bộ này nói.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 29/10.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Bắt đầu từ ngày mai (1/11), Hà Nội sẽ có thêm hai tuyến xe buýt mới: Tuyến 61 từ Vân Hà (Đông Anh) - Mê Linh, và tuyến 62 từ Bến xe Yên Nghĩa đi Thường Tín. Việc mở thêm hai tuyến buýt mới sẽ giúp cho nhiều người Thủ đô được tiếp cận với phương tiện công cộng rẻ tiền này nhiều hơn.
YBĐT - Những năm qua, Hội đồng Giáo dục QP-AN tỉnh đã chỉ đạo quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành trung ương và Quân khu II về công tác giáo dục QP-AN.
YBĐT - Chỉ tính từ ngày 22 - 29/10, Khoa Chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận 64 bệnh nhân chấn thương do tai nạn phải nhập viện điều trị trong khi đó tại Khoa chỉ có 38 giường bệnh, đáp ứng 25% nhu cầu, số bệnh nhân còn lại phải nằm ghép.
YBĐT – Tối 30/10, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái tổ chức lễ ra mắt CLB tổ chức sự kiện nhịp sống trẻ.