Theo sát biến chuyển của cuộc sống

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/11/2012 | 3:36:02 PM

YBĐT - Cuộc thi viết ký và phóng sự năm 2011 - 2012 là năm thứ ba liên tiếp được Báo Yên Bái tổ chức. Hàng trăm tác phẩm ký và phóng sự dự thi của đội ngũ phóng viên và cộng tác viên Báo Yên Bái tựa như đã gieo muôn ngàn hạt giống chắc mẩy. Tất cả cần mẫn sớm tối với một niềm tin. Họ đã đi qua một năm lao động miệt mài và hôm nay, họ bước vào một vụ thu hoạch nhiều hy vọng...

Cuộc thi viết ký và phóng sự lần này ưu tiên những tác phẩm viết về các điển hình tiên tiến ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Yên Bái và những vấn đề có tính chất thời sự trong cuộc sống. Vì vậy, số lượng bài phản ánh về các vấn đề, sự kiện, con người... khắp các địa phương vùng cao trên địa bàn toàn tỉnh chiếm tỷ lệ khá lớn.

Vùng cao Yên Bái không nằm ngoài sự vận động chung của xã hội và đang từng bước, từng ngày chuyển biến, đổi thay cùng những vấn đề đáng quan tâm. Nơi những thôn, bản vùng cao của huyện Văn Chấn có các trưởng thôn trẻ “say sưa, sáng tạo, tận tụy với phần việc của mình, thực sự là những “công bộc” của dân”... được khắc họa sinh động trong phóng sự “Những nông dân “vác tù và hàng tổng” của tác giả Tuấn Anh.

Ngôn ngữ giàu hình ảnh, lối dẫn chuyện thú vị, chi tiết hấp dẫn và chân thực, bạn đọc thấy như mình đang được gặp gỡ, trò chuyện cùng những con người ấy. Đâu cần “đao to, búa lớn”, tác giả nhẹ nhàng và khéo léo khi đề cập vấn đề đậm tính thời sự là “phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ trẻ tại chỗ nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc hiện nay”.

Đây cũng chính là một trong những tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà Yên Bái đang nỗ lực thực hiện. Vùng cao mỗi ngày thêm đổi thay còn nhờ những cán bộ tận tình “cầm tay chỉ việc”, giúp đồng bào Mông huyện Trạm Tấu chủ động trong sản xuất mùa vụ và canh tác nông nghiệp bền vững.

Họ đã xây dựng các mô hình lúa, ngô có giá trị kinh tế cao để đưa nguồn vốn “30a” của Chính phủ đến với đồng bào thật sự hiệu quả. Bởi thế nên “30a” xanh đồng Trạm Tấu” của tác giả Nguyễn Giang như niềm vui được nối rộng dài khắp làng bản. Quan trọng nhất là họ đã khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của đồng bào cũng như bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ.

Vùng cao còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng tương lai tươi đẹp sẽ rộng mở nếu mỗi người mang trong mình một ước mơ, một khát vọng vươn lên. Và ước mơ đó chỉ có thể khởi nguồn từ ngay hôm nay, bắt đầu từ những chữ cái a, b, c... Chuyện dạy trẻ mầm non dân tộc Mông học tiếng Việt để chuẩn bị vào lớp một vô cùng khó với cả thầy lẫn trò ở bản Mí Háng, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải.

Tác giả Tô Anh Hải với phóng sự “Ở nơi tiếng Việt “trèo” non” đã cùng thầy trò nơi đây vượt lên mọi thử thách trên con đường vừa dài vừa xa. Dù không ít trở ngại ngăn lối nhưng đã có, đang có, sẽ có những tấm lòng nhân ái nâng bước chân các em đến lớp học vui mỗi ngày.

Bất kể vùng thấp hay vùng cao, cuộc sống không ngừng trôi chảy là muôn màu muôn vẻ các vấn đề, sự kiện… diễn ra. Cuộc sống chính là nguyên liệu dồi dào được tái hiện, phản ánh qua các tác phẩm báo chí của các tác giả với nhiều khía cạnh, góc nhìn, sự việc đa dạng, đời thường.

Ở mỗi góc độ, nội tại đời sống xã hội chứa đựng những vấn đề tưởng như giản đơn, ngỡ rất bình thường và vẫn phải là như thế thì bằng con mắt nghề nghiệp tinh nhạy, sắc bén, dấn thân và bằng cả tấm lòng của người viết đã giúp công chúng khám phá và hiểu biết hơn về hiện thực.

Đáng nói là chính từ các vấn đề, sự việc, tình huống dù xảy ra ở phạm vi nhỏ hẹp nhưng thực sự đã khởi đầu cho những vấn đề lớn hơn, quan trọng hơn và cần được các cấp, các ngành chức năng quan tâm, điều chỉnh, khắc phục, giải quyết kịp thời.

Trên hết, các tác giả qua tác phẩm của mình đã xung kích chiến đấu thông qua việc bảo vệ lẽ phải và tham gia đề xuất các ý kiến với tinh thần xây dựng. Tác giả Minh Thúy là một trong số các tác giả có nhiều tác phẩm dự thi.

Tự tin, mềm dẻo nhưng cũng đầy cương quyết, nữ nhà báo đã lên tiếng bênh vực quyền lợi cho người nghèo, để nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo bảo đảm đúng mục đích và hiệu quả trong phóng sự “Vấn đề cho vay hộ nghèo ở Trấn Yên”.

Thể hiện tính cầu thị, các cơ quan chức năng đã nghiêm túc chấn chỉnh, giải quyết khách quan và công minh đối với vấn đề mà tác phẩm đã phản ánh. “Công trình đầu tư của Nhà nước phải được bảo vệ” của tác giả Ngọc Tú nêu rõ những bất cập khi đập thủy lợi Khe Bát ở thôn Khe Bát, xã Lương Thịnh và công trình cấp nước sinh hoạt ở thôn Kim Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên bị ảnh hưởng do quá trình khai thác khoáng sản.

Tác phẩm đã xây dựng thêm “rào chắn” bảo vệ công trình an sinh xã hội của Nhà nước đầu tư cũng như bảo đảm lợi ích thiết thực cho nhân dân địa phương. Qua “Loạt bài về phòng, chống dịch tai xanh”, hai tác giả Văn Thông - Hồng Duyên đã theo sát diễn biến của dịch bệnh tại địa bàn huyện Văn Chấn.

Dòng thời sự “nóng hổi” đã được các tác giả chuyển tải nhanh chóng, kịp thời đúng như thực tế của nó. Người đọc đã được người viết đưa tới tận từng nhà, trao đổi với từng người và chung sức với các cấp ủy, chính quyền nỗ lực thực hiện phòng, chống dịch.

Cuộc thi nào cũng khó tránh khỏi những hạn chế nhất định. Trong khuôn khổ của cuộc thi lần này, điều dễ nhận thấy nhất là sự không cân xứng giữa hai thể loại. Các tác phẩm phóng sự dự thi thật sự “áp đảo” so với thể loại ký. Bên cạnh đó, trong những tác phẩm ký gửi tới cuộc thi cũng không có nhiều bài nổi trội.

Đối với các phóng sự, kể cả tác phẩm đoạt giải, hầu hết tác giả chưa chú trọng tới ngôn ngữ thể loại. Bởi không có được ngôn ngữ riêng biệt của bản thân nên dấu ấn cá nhân của tác giả trong tác phẩm nhiều khi nhạt nhòa, không rõ nét, bạn đọc dễ bị lẫn và chưa có nhiều ấn tượng.

Thêm nữa, thông tin thẩm mỹ trong các tác phẩm thông qua cảm xúc, cách thể hiện ngôn ngữ vì thế cũng còn yếu. Một tác phẩm phóng sự hay sẽ làm thỏa mãn người đọc với sự hấp dẫn về nội dung và nghệ thuật chuyển tải thông tin. Nếu phần kết luận của một số tác phẩm giảm bớt hô hào, “cần phải”, “yêu cầu”... và chính kiến của người viết sắc bén hơn, giải pháp đề ra xác đáng hơn thì chắc chắn sẽ tạo được sự thuyết phục cao hơn, hiệu quả hơn đồng thời quyết định “sức nặng” của tác phẩm.

Cuộc sống không ngừng vận động, biến chuyển và đó chính là sự phát triển. Trong quá trình đó, tự thân cuộc sống nảy sinh không ít vấn đề. Giải quyết tốt những vấn đề này, đời sống xã hội sẽ có bước phát triển mới. Nhìn theo góc độ này, các tác phẩm dự thi đều đã phản ánh trung thực, khách quan, chân xác đồng thời tham gia lý giải, đề xuất giải pháp để giải quyết các vấn đề cuộc sống đang đặt ra.

Theo sát chuyển biến của cuộc sống, các tác giả đã thành công với nỗ lực lao động sáng tạo cùng đạo đức nghề nghiệp. Trả công xứng đáng cho những người cầm bút chân chính là tác động xã hội tích cực của các tác phẩm họ dành trọn tâm huyết!

T.K

Danh sách các tác giả, tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết ký - phóng sự

01 giải Nhất:
- Tác giả Minh Thúy (Báo Yên Bái):
Vấn đề cho vay hộ nghèo ở Trấn Yên
03 giải Nhì:
1- Tác giả Tuấn Anh (Báo Yên Bái):
Những nông dân “vác tù và hàng tổng”
2- Tác giả Ngọc Tú (Báo Yên Bái):
Công trình đầu tư của Nhà nước phải được bảo vệ
3- Tác giả Văn Thông - Hồng Duyên (Báo Yên Bái):
Loạt bài về phòng, chống dịch tai xanh
05 giải Ba:
1- Tác giả Hồng Hương (Liên đoàn Lao động tỉnh):
Chuyện tăng lương và thất nghiệp
2- Tác giả Hùng Cường (Báo Yên Bái):
Bất ổn bên dòng Nậm Tộc
3- Tác giả Đức Hồng (Báo Yên Bái):
Việc tang ở vùng cao: Những hủ tục cần loại bỏ
4- Tác giả Thu Hằng (Đài TT-TH thị xã Nghĩa Lộ):
Giải pháp nào khắc phục thiếu đất sản xuất ở Nghĩa Lộ?
5- Tác giả Nguyễn Giang (Báo Yên Bái):
“30a” xanh đồng Trạm Tấu
10 giải Khuyến khích:
1- Tác giả Nguyễn Thanh Nghị (Đài TT-TH thành phố Yên Bái):
Chính sách nào cho cựu thanh niên xung phong thành phố?
2- Tác giả Huy Trung - Phong Sơn (Báo Yên Bái):
Rừng phòng hộ Tân Nguyên: Cần có biện pháp mạnh bảo vệ
3- Tác giả Quang Tuấn (Báo Yên Bái):
Di dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất ở Mù Cang Chải:
Khó khăn và giải pháp
4- Tác giả Bích Liên - Tuấn Anh (Đài TT-TH thành phố Yên Bái):
Chờ tái định cư: “Đi dở, ở không xong”
5- Tác giả Văn Tuấn (Báo Yên Bái):
Dự án khu tái định cư xã Mường Lai:
“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”
6- Tác giả Tô Anh Hải (Báo Yên Bái): 
Ở nơi tiếng Việt “trèo” non
7- Tác giả Ngọc Sơn (Báo Yên Bái):
“Xóm” chạy thận
8- Tác giả Thanh Tân (Báo Yên Bái):
Khóc, cười chuyện... tránh thai
9- Tác giả Phí Quang Thái (thành phố Yên Bái):
Siết chặt an toàn vệ sinh lao động
10- Tác giả Nguyễn Thanh Tiến (Đài TT-TH Trấn Yên):
Hướng đi nào cho cây chè Trấn Yên?
Tác giả có nhiều tác phẩm dự thi nhất:
- Tác giả Lê Phiên (Báo Yên Bái): 5 tác phẩm

Các tin khác
Đoàn viên thanh niên tổ chức tuyên truyền cho đồng bào vùng cao, hưởng ứng phong trào “Thanh niên tình nguyện cùng xã nghèo vượt khó”.

YBĐT - Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của huyện Văn Yên đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mù Cang Chải giúp đồng bào Mông xã Nậm Khắt thu hoạch lúa. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Năm 2012, toàn huyện Mù Cang Chải đã đăng ký được 43 mô hình “Dân vận khéo”.

Một phiên xét xử lưu động của Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn.

YBĐT - Hai năm qua, Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn đều được TAND Tối cao tặng danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc".

Làm giả thẻ ngân hàng có thể bị phạt đến 5 năm tù.

Hành vi gửi tin nhắn lừa trúng thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ hay quảng cáo bán hàng trên mạng viễn thông nhưng chất lượng không như cam kết... sẽ bị phạt cao nhất tới 100 triệu đồng hoặc đi tù 5 năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục