Chi gần 38 nghìn tỷ đồng ủy thác cho vay hộ nghèo
- Cập nhật: Thứ bảy, 25/5/2013 | 8:23:50 AM
Trong mười năm áp dụng chính sách cho vay ủy thác, hiện nay Hội Nông dân Việt Nam đã huy động tới 37.990 tỷ đồng cho vay hỗ trợ cho 69.170 tổ tiết kiệm và vay vốn phân theo địa bàn dân cư. Trong đó số chủ hộ thành viên là hội viên nông dân chiếm trên 82%.
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã tiếp cận được nguồn vốn vay.
|
Số liệu này đã được công bố trong hội nghị tổng kết mười năm thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo diễn ra sáng ngày 24/5/2013, tại Hà Nội.
Theo đó, số tổ tiết kiệm và vay vốn đã triển khai hoạt động tiết kiệm tự nguyện đạt xấp xỷ 90%, số thành viên tham gia tiết kiệm tự nguyện đạt 75%. Đến nay, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của các thành viên thuộc tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân quản lý đạt trên 700 tỷ đồng, bình quân số dư tiền gửi tiết kiệm của mỗi tổ đạt trên 10 triệu đồng, của mỗi thành viên là 285.000 đồng.
Trong mười năm qua, dư nợ nhận ủy thác của Hội Nông dân liên tục tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình tín dụng. Nếu tại thời điểm 31/12/2003, dư nợ chỉ là 3.094 tỷ đồng với một chương trình, thì đến nay dư nợ đạt tới 37.990 tỷ đồng (tăng 12,28 lần so với năm 2003) với 14 chương trình tín dụng. Tỷ lệ nợ quá hạn hàng năm giảm về số lượng tương đối nhưng tăng về số tuyệt đối.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong quá trình tổ chức thực hiện, song chính sách ủy thác cho vay hộ nghèo vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Phát biểu tại hội nghị, bà Đặng Thị Thủy-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thừa nhận, quá trình bình xét các đối tượng vay vốn của tổ chức chưa thực sự dân chủ, công khai; còn tình trạng chia đều, xẻ mỏng để cào bằng; cá biệt có nơi còn bình xét cho vay cả các đối tượng không thuộc diện được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước.
Mặt khác, chất lượng ủy thác chưa đồng đều, thiếu bền vững. Cụ thể, tính chung cả nước, tỷ lệ nợ quá hạn hằng năm giảm về số lượng tương đối nhưng tăng về số lượng tuyệt đối, năm 2004 tỷ lệ nợ quá hạn là 3,14%, số tiền nợ quá hạn là 133,3 tỷ đồng; đến năm 2012 tỷ lệ nợ quá hạn là 1,04% nhưng số tiền nợ quá hạn là 393 tỷ đồng…
Một số cơ sở có tình trạng cán bộ hội, cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn lợi dụng làm ủy thác đã vay “ké,” thu gốc, thu lãi của người vay để chiếm dụng nhưng chưa có biện pháp xử lý chưa triệt để. Việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, chính quyền địa phương đôn đốc thu nợ tồn đọng chưa tích cực, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
Mặc dù còn một số hạn chế, thiếu sót, nhưng những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mà Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng các đoàn thể chính trị-xã hội đang thực hiện là cách làm năng động, sáng tạo. Theo đánh giá của ông Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đây là mô hình, hiệu quả, rất đặc trưng và mang tính ưu Việt
Cách làm này đã giúp cho kênh vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng được hưởng thụ hưởng; hộ nông dân nghèo, các đối tượng chính sách được vay vốn thuận lợi. Thông qua ủy thác cũng giúp hiệu quả thực hiện tốt hơn.
Sau những kinh nghiêm được đúc rút, Trung ương Hội Nông Dân đánh giá, cần phải tạo được cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, chủ động hơn nữa với Ngân hàng Chính sách xã hội và đối tượng vay vốn. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội, cán bộ tiết kiệm và vay vốn.
Ông Lại Xuân Môn, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng cho biết, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân cả nước sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nhận ủy thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng dư nợ ủy thác cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung về cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 10%. Đồng thời đạt mục tiêu 100% tổ tiết kiệm và vay vốn có hoạt động tự nguyện, cùng với tỷ lệ thành viên tham gia gửi tiết kiệm tự nguyện đạt 95% trở lên.
Qua đó, Hội cũng đề nghị Thủ tướng chính phủ điều chỉnh, nâng mức vay tối đa các chương trình tín dụng chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (từ 4 triệu đồng lên 10 triệu đồng/công trình); chương trình cho vay làm nhà ở cho hộ nghèo (từ 8 triệu đồng/hộ lên 15 triệu đồng/hộ). Phía Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xem xét, điều chỉnh nội dung công việc cho các hội, đoàn thể hợp lý hơn.
Theo số liệu báo cáo tại hội nghị tổng kết, nhờ có vốn kịp thời, các hộ nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thời kỳ 2005-2010 từ 22% xuống còn 9,45%; giảm trong thời kỳ 2011-2012 từ 14,2% xuống còn 10%. |
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Lúc 16h30 phút ngày 24/5, một trận lũ quét với cường độ cao đã cuốn trôi chiếc chòi trên nương tại bản Suối Loóng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng.
YBĐT – Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TƯ về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiều thầy giáo, cô giáo của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã không quản ngại khó khăn, đến tận các thôn bản để vận động các em học sinh đi học, giúp đỡ, cưu mang những học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng việc trích một phần lương tháng của mình.
YBĐT - Sáng ngày 24/5, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Yên Bái đã long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2557 (dương lịch 2013) tại chùa Tùng Lâm, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái.
YBĐT - Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được huyện Văn Chấn (Yên Bái) quan tâm, thực hiện bằng nhiều biện pháp đồng bộ.