1.Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã thăm chính thức Việt Nam ngày 9/4/2019. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Mark Rutte đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
2. Trong không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã thông báo cho nhau về tình hình của mỗi nước, trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
3. Hai bên hoan nghênh những bước phát triển liên tục trong thời gian qua của quan hệ Việt Nam-Hà Lan trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển, giao thông vận tải, hậu cần, nông nghiệp, thích ứng với biến đối khí hậu, quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đến giáo dục-đào tạo và trao đổi văn hóa. Nhất trí về tầm quan trọng của hợp tác song phương đối với cả hai nước, hai bên quyết định nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hà Lan lên Đối tác toàn diện nhằm khai thác tốt các tiềm năng hợp tác, đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng và năng động trên tất cả các mặt trong thời gian tới.
4. Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong đó có chuyến thăm chính thức Hà Lan năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Mark Rutte, cũng như các trao đổi thường xuyên giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan. Hai Thủ tướng nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nước trong các khuôn khổ song phương cũng như đa phương, đồng thời tăng cường hiệu quả của các cơ chế trao đổi hợp tác chuyên ngành đang phát triển rất đa dạng giữa hai nước.
5. Hai Thủ tướng hoan nghênh hai nước ký Hiệp định hợp tác và hỗ trợ hải quan và các hiệp định khác, cũng như kết quả đạt được tại Hội thảo bàn tròn doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan tổ chức tại Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm. Hai bên cũng hoan nghênh kết quả đàm phán Hiệp định cho phép thân nhân thành viên cơ quan đại diện làm việc có thu nhập, sẽ được sớm ký sau chuyến thăm.
6. Hai bên nhấn mạnh cam kết chung của hai nước đối với phát triển bao trùm và bền vững như được phản ánh trong Chương trình nghị sự về các Mục tiêu phát triển bền vững. Hai bên tái khẳng định sự cam kết chung hướng tới phát triển bao trùm và bền vững này là trụ cột chính của Đối tác toàn diện Việt Nam-Hà Lan và hoan nghênh các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ và nhân dân hai nước thể hiện tinh thần trách nhiệm đóng góp vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững này.
7. Hai bên tái khẳng định Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) là các khuôn khổ quan trọng cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư bền vững và bao trùm giữa Việt Nam và EU cũng như giữa Việt Nam và Hà Lan, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên, đồng thời góp phần thúc đẩy tự do hóa thương mại quốc tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc ký và phê chuẩn các hiệp định này trong những tháng tới, cũng như việc nhanh chóng thực thi các hiệp định này, phù hợp với thủ tục yêu cầu để hiện thực hoá những lợi ích các hiệp định này mang lại.
8. Hai bên khẳng định Đối tác chiến lược giữa hai nước về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước cùng Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực đã và đang phát huy hiệu quả và sẽ tiếp tục là những trụ cột của Đối tác toàn diện Việt Nam-Hà Lan. Hai bên hoan nghênh kết quả phiên họp lần thứ 7 Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước và các định hướng hợp tác của phiên họp, nhất là về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long; nhất trí hợp tác trong việc điều phối và thực hiện Nghị quyết 120, xây dựng Quỹ phát triển Đồng bằng sông Cửu Long và chống sụt lở đất. Hai bên hoanh nghênh và bày tỏ ủng hộ các chương trình hỗ trợ, hợp tác khác, trong đó có việc phối hợp tìm giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển tại Hội An, Quảng Nam và chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên bày tỏ sự ủng hộ chính trị đối với Ủy ban Thích ứng toàn cầu.
9. Hai bên nhất trí phát huy tối đa các thành quả của Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực và hoan nghênh kết quả Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 3 về thực hiện Thỏa thuận Đối tác chiến lược nêu trên trong khuôn khổ chuyến thăm. Hai bên nhất trí triển khai các chương trình hợp tác trên cơ sở các ưu tiên và thế mạnh của hai nước, trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, quản lý an toàn thực phẩm, nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, chất lượng nước…, trong đó có hợp tác phát triển các vùng nông nghiệp thông minh và hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm, ngành hàng nông nghiệp Việt Nam, chú trọng việc chuyển giao, hỗ trợ công nghệ từ các đối tác Hà Lan nhằm tăng cường cơ hội hợp tác kinh doanh. Nông nghiệp bền vững và tuần hoàn nằm trong các chương trình hợp tác của hai bên. Hai bên đồng ý tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như tích tụ, tập trung ruộng đất và phát triển hợp tác xã. Hai bên đánh giá cao việc Hà Lan là Quốc gia danh dự tại Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ 14-17/11/2018.
10. Hai bên hoan nghênh việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi canh tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long giữa hai Chính phủ trong đó có việc sử dụng kiến thức và năng lực chuyên ngành hang đầu của các trường đại học, đặc biệt là Đại học Wageningen, để tiến hành hỗ trợ kỹ thuật có chất lượng cao và khởi động một số dự án phát triển chuỗi giá trị. Hai bên nhấn mạnh mối liên hệ giữa nguồn nước, chất lượng nước và chuyển đổi nông nghiệp và hoan nghênh sự hợp tác trên cơ sở hai Thỏa thuận Đối tác chiến lược ngành giữa Việt Nam và Hà Lan để đối phó với thách thức này.
11. Hai bên bày tỏ hài lòng thấy Việt Nam và Hà Lan luôn là những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của nhau và nhấn mạnh tiềm năng và nhu cầu tiếp tục hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác với cách tiếp cận nhiều đối tác, nhất là về kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị và thành phố thông minh, kinh tế biển, vận tải biển, hậu cần, đóng tàu, quản lý cảng biển và sân bay, hàng không, đào tạo-nghiên cứu. Hai bên tiếp tục hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh của các công ty và đối tác hai bên.
12. Hai bên hài lòng về hợp tác giữa các địa phương hai nước trong thời gian qua; hoan nghênh việc kết nối hợp tác và tăng cường giao lưu giữa Hà Nội với Amsterdam, giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Rotterdam cũng như giữa các thành phố, địa phương khác của hai nước. Hai Thủ tướng hoan nghênh các hoạt động trao đổi và giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước, trong đó đánh giá cao các sự kiện tổ chức nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan trong năm 2018 vừa qua, góp phần tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Hai bên cũng bày tỏ vui mừng trước những chương trình hợp tác bảo tồn và bảo vệ môi trường giữa hai bên.
13. Hai bên nhấn mạnh hai nước chia sẻ nhiều quan điểm chung về các vấn đề quốc tế và khu vực và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tăng cường hợp tác đa phương hiệu quả, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hóa thương mại. Hai bên bày tỏ cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu, trong đó có việc thúc đẩy vai trò của Liên Hợp Quốc vì hòa bình, an ninh quốc tế, phát triển bền vững và thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hai nước tái khẳng định các cam kết của mình tại Paris nhằm có những nỗ lực cao nhất trong khuôn khổ chương trình Đóng góp quốc gia tự nguyện và tăng cường những nỗ lực này trong những năm tới. Hai bên cũng bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác song phương, thông qua trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu. Hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
14. Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của việc thúc đẩy pháp quyền và nhân quyền, được thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng nước, là các yếu tố thiết yếu cho phát triển bền vững, an ninh và ổn định. Hai bên nhấn mạnh các cuộc trao đổi về việc thúc đẩy bình đẳng giới, thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá. Thủ tướng Mark Rutte mong muốn tiến tới sự hợp tác giữa hai nước về vấn đề quyền bình đẳng của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, hoán tính hay chuyển giới.
15. Hai bên bày tỏ ủng hộ xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ và thịnh vượng và tăng cường hợp tác ASEAN-EU, hướng tới một quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai. Hợp tác giữa hai tổ chức khu vực thành công nhất này là một tín hiệu mạnh mẽ ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thượng tôn pháp luật quốc tế, nhất là để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông và tôn trọng trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, theo như Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), bao gồm các quyền tự do hàng hải và hàng không. Hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những nỗ lực hiện nay của các nước ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải theo quy định của UNCLOS. Tất cả các bên cần phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, và tránh mọi hành động có thể làm gia tăng căng thẳng hoặc làm phức tạp các tranh chấp. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác đào tạo và giáo dục, trao đổi giữa các chuyên gia và viện nghiên cứu của hai nước trong các lĩnh vực luật quốc tế, đặc biệt là Luật Biển.
* Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp Thủ tướng Hà Lan
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc Hà Lan tiếp tục là nhà đầu tư châu Âu số 1 tại Việt Nam và trở thành đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 2, là một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam; hoan nghênh hai nước nhất trí xây dựng quan hệ Đối tác toàn diện.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Hà Lan Mác Rút-tơ
Chiều ngày 9/4/2019, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thân mật tiếp Thủ tướng Hà Lan Mác Rút-tơ đang có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam.
Thủ tướng Hà Lan Mác Rút-tơ bày tỏ vui mừng được trở lại thăm Việt Nam; chân thành cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian tiếp Đoàn và bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của Việt Nam trong lần đến thăm này. Đánh giá cao vai trò của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một trong các đối tác quan trọng của Hà Lan tại khu vực, Thủ tướng Mác Rút-tơ bày tỏ vui mừng về những tiến triển tốt đẹp của quan hệ song phương trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại – đầu tư và trong các lĩnh vực hợp tác chiến lược như thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Thủ tướng Mác Rút-tơ cũng vui mừng thông báo về các kết quả và thỏa thuận hai bên đã đạt được trong chuyến thăm, khẳng định sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung đối với các doanh nghiệp và đối tác Hà Lan và bày tỏ tin tưởng về tiềm năng hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước trong tương lai.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh chuyến thăm lần thứ hai của Thủ tướng Mác Rút-tơ tới Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa hai nước diễn ra rất sôi động và hiệu quả. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc Hà Lan tiếp tục là nhà đầu tư châu Âu số 1 tại Việt Nam và trở thành đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 2, là một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam; hoan nghênh hai nước nhất trí xây dựng quan hệ Đối tác toàn diện nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng hợp tác và đáp ứng yêu cầu phát triển của hai nước, nhất là các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như năng lượng tái tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp thực phẩm, cảng biển, dịch vụ hậu cần, đô thị thông minh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương trong đó có Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM; đề nghị Hà Lan tích cực thúc đẩy EU hoàn thành rà soát pháp lý và các thủ tục để tiến tới sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).
* Chủ tịch Quốc hội hội kiến Thủ tướng Vương quốc Hà Lan
Chiều 9/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte đang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Mark Rutte; chúc mừng Thủ tướng Hà Lan và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm thành công; bày tỏ hài lòng trước việc hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hà Lan lên đối tác toàn diện, mở ra nhiều cơ hội, triển vọng hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực cho Hà Lan và Việt Nam.
Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp, Thủ tướng Hà Lan bày tỏ vinh dự đến thăm Nhà Quốc hội và hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tại cuộc hội kiến, hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hà Lan đang phát triển rất tốt đẹp trên mọi lĩnh vực.
Thông báo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về kết quả hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Mark Rutte cho biết Hà Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, đều có đồng bằng châu thổ và đều là những nước xuất khẩu nông sản nên có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Có nhiều minh chứng cho thấy, quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Hai nước đã có quan hệ đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan tăng lên 7 lần chỉ sau 4 năm.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng trao đổi một số vấn đề liên quan đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam đang trong quá trình rà soát để sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước cho phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, cũng như phù hợp với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết…
Thủ tướng Mark Rutte cho biết Hà Lan ủng hộ việc sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA, vì EVFTA không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn có lợi cho tất cả các bên có liên quan, đặc biệt là Hà Lan.
"Hà Lan là nhà đầu tư từ EU lớn nhất tại Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai trong các nước EU của Việt Nam. Nếu đặt câu hỏi ai là người được hưởng lợi từ EVFTA thì đó chính là chúng tôi cũng như các đối tác khác của châu Âu. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng, đây là lợi ích không chỉ của hai nước mà còn là lợi ích của cả các nước thành viên EU khác. Do vậy, chúng tôi sẽ cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình ký kết, phê chuẩn EVFTA”, Thủ tướng Hà Lan nói.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Hà Lan đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
(Theo chinhphu.vn - dangcongsan.vn)