Như người mẹ hiền

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/10/2013 | 9:12:18 AM

YB ĐT - Là một huyện vùng cao, cuộc sống của người dân Mù Cang Chải (Yên Bái) còn không ít khó khăn nhưng nhiều thầy cô giáo trẻ đã không ngần ngại mà sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân của mình để đem cái chữ đến với con em của đồng bào vùng cao. Cô giáo Trần Thị Yến - giáo viên Trường Mầm non bản Háng Á, xã Hồ Bốn là một trong số đó.

Cô và trò Trường Mầm non Họa Mi xã Bản Mù (Trạm Tấu) trong giờ học. (Ảnh: Đức Hồng)
Cô và trò Trường Mầm non Họa Mi xã Bản Mù (Trạm Tấu) trong giờ học. (Ảnh: Đức Hồng)

Chúng tôi có dịp đến thăm điểm trường lẻ ở bản Háng Á, xã Hồ Bốn nằm giáp ranh với huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu và ở cách trung tâm xã chừng 15 - 16 km. Đến đây mới thấy hết những khó khăn của Trường Mầm non bản Háng Á nói riêng và xã Hồ Bốn nói chung. Không những thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học mà còn thiếu thốn cả về tinh thần, tình cảm. Nhà ở cho giáo viên và lớp học cũng mới chỉ dựng tạm ngôi nhà bằng cột gỗ, mái lợp tranh, vách dựng bằng tre, nứa. Lớp học của cô Yến có 30 cháu ở tuổi mầm non nhưng trong đó vẫn có những đứa còn bé lắm. Nhìn cô giáo Yến nâng niu từng đứa trẻ mới thấy được lòng cô như mẹ hiền.

Cô giáo Trần Thị Yến sinh năm 1991, quê ở huyện Văn Chấn. Sau khi tốt nghiệp trung cấp ngành mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Hà Nam, tháng 9 năm 2011, cô Yến đã tình nguyện lên vùng cao Mù Cang Chải để công tác và được phân về điểm trường này. Tuy đi lại xa xôi, cách trở và cơ sở vật chất còn thiếu thốn đủ thứ nhưng cô giáo Yến vẫn quyết tâm bám trụ và luôn nhiệt huyết với công việc. Vào thăm phòng ở của cô, chúng tôi bắt gặp hai câu thơ được dán lên vách nhà thật cảm động từ đáy lòng của người giáo viên trẻ tuổi này:

 “Ban ngày ngắm mắt trẻ thơ
Đêm về nằm mơ ngắm sao trời
Dù giá rét, nắng mưa...
Quyết tâm vượt lên, không chùn bước!”.

Sống ở nơi không vô tuyến truyền hình, không sóng điện thoại di động, ngoài giờ lên lớp, cô Yến chỉ biết tới những quyển giáo án, sách vở và làm bạn với chiếc loa cắm thẻ nhớ để nghe nhạc cho vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Ở đây không có sóng điện thoại di động nên khi muốn trao đổi công việc chuyên môn với nhà trường hay tâm sự với bạn bè, hỏi thăm gia đình là cô giáo phải trèo lên đồi cao gần 2 - 3 cây số mới có được sóng để gọi điện thoại.

Do công việc chuyên môn của nhà trường cần thường xuyên phải trao đổi nên cô đã thuê một phòng trọ riêng ở tại trung tâm xã với giá 300.000 đồng/tháng. Cứ đến cuối tuần là cô lại cuốc bộ về trung tâm xã nghỉ rồi đến đầu tuần mới, cô lại cuốc bộ lên núi - nơi làm việc để tiếp tục công việc dạy học. Cứ thế, mỗi tuần, cô giáo phải đi bộ trên 30km để đảm bảo việc giảng dạy cho con người Mông ở bản Háng Á.

Đó là còn chưa kể những công việc đột xuất của nhà trường, mỗi lần đi cô giáo phải mất 3 - 4 tiếng đồng hồ mới tới nơi làm việc. Vì thế, cô giáo thường phải dậy sớm đi từ lúc 4 giờ sáng mới kịp được giờ lên lớp. Mong muốn lớn nhất của cô giáo Yến cũng như bao thầy cô giáo trẻ khác là được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, cơ sở vật chất để đảm bảo việc dạy và học, ổn định nơi công tác cho những người làm nhiệm vụ vì sự nghiệp trồng người.

Khi cô giáo Yến vượt núi, băng rừng đến với bản làng, bà con người Mông nơi đây rất biết ơn cô giáo và đã vận động tất cả các cháu ở độ tuổi đến lớp học. Năm học 2013 - 2014, tại bản này đã có 30 cháu trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi vào học mẫu giáo, 10 cháu học lớp 1, 16 cháu học lớp 2.

Ông Thào A Sấu - một người dân ở bản Háng Á cho biết: “Trường này đã được xây dựng nhiều năm nay và đã có nhiều thầy, cô lên đây dạy học rồi nhưng chúng tôi thấy chưa có thầy cô nào có quyết tâm cao như cô giáo Yến. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cô Yến rất nhiệt tình. Ngoài việc dạy học, cô còn hướng dẫn các cháu tập văn nghệ, múa hát và tham gia nhiều trò chơi thú vị khác cho nên nhiều khi trời còn sớm nhưng con tôi đã đòi đi học. Chúng tôi mong các cấp, các ngành cần sớm tạo điều kiện giúp đỡ để các thầy cô yên tâm công tác tại bản này”.

Lòng quyết tâm và tình yêu nghề của cô giáo Trần Thị Yến là tấm gương sáng cho mọi người học tập và noi theo.

Đức Hồng - A  Cớ

Các tin khác
Phùng Văn Tiến với các sáng kiến được ứng dụng.

YBĐT - Vượt khó, yêu nghề, sáng tạo, tham gia tích cực các phong trào thi đua của đơn vị, đoàn thanh niên, Phùng Văn Tiến vinh dự là một trong 60 gương mặt thanh niên tiêu biểu trong thực hiện phong trào “Thanh niên quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”...

Tuy tật nguyền nhưng Phạm Thị Thảo rất cần cù và ham học hỏi, học đều tất cả các môn.

YBĐT - Tôi gặp chị Nguyễn Thị Vui khi chị đang vật lộn với chiếc xe máy vượt qua con đường lầy lội đưa con gái tật nguyền đến trường. Hai mươi năm qua, chị đã làm “chiếc xe lăn” cho con được tới trường, tới lớp.

Cử nhân điều dưỡng Bùi Thị Thanh đang hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách cho trẻ sơ sinh uống sữa.(Ảnh:
Đặng Phương Lan)

YBĐT - Như những bông hoa đua sắc tỏa hương trong vườn Bác: mỗi người dù ở mỗi cương vị, vị trí khác nhau, từ những nông dân đến các cán bộ, công chức, người nghỉ hưu hay các em học sinh... bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực của mình đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Chị Hoàng Thị Kim Hoàn (phải) truyền thông chính sách dân số đến người dân.

YBĐT - Ngày nào vẫn còn lạ lẫm, ngại ngùng khi mới làm quen với công việc của một nữ cộng tác viên dân số, giờ đây ngồi nhẩm tính lại chị Hoàng Thị Kim Hoan - cộng tác viên dân số bản Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên cũng đã có 17 năm gắn bó với nghề.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục