Những người “thắp lửa”
- Cập nhật: Thứ ba, 4/2/2014 | 8:47:49 AM
YBĐT - Chưa bao giờ vấn đề y đức trong ngành y lại “hâm nóng” dư luận như những năm gần đây. Chỉ vì lợi nhuận, một bộ phận cán bộ, y bác sỹ sẵn sàng vứt bỏ, bán rẻ lương tâm, đạo đức nghề nghiệp gây ra nhiều vụ việc đáng tiếc khiến người dân không còn tin tưởng vào những bậc”từ mẫu”.
Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ hiện là một trong những khoa bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại nhất. (Ảnh: Bác sĩ Đào Thanh Quyết cùng đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân).
|
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn biết bao lương y hết lòng vì người bệnh, sẵn sàng bỏ lại những vinh hoa, mời chào cùng mức lương cao ngất ngưởng trở về quê hương chỉ với một mong muốn cống hiến một phần sức lực nhỏ bé vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nơi họ đã sinh ra.
Đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tôi có dịp gặp nữ thạc sĩ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Trung tâm đang miệt mài, say sưa cùng cán bộ trong Khoa Xét nghiệm phân tích từng số liệu mới. Chị nhiệt tình, ân cần hướng dẫn từng con số, từng công thức trong việc nuôi cấy tìm vi khuẩn mang bệnh.
Bên tách trà nóng trong căn phòng nhỏ gọn gàng, ấm cúng, Vân tâm sự: “Mình sinh ra và lớn lên ở đất ngọc Lục Yên với ước mơ từ thời thơ ấu là làm bác sỹ để góp phần vào công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân”.
Thạc sĩ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân |
Yên Bái - một tỉnh miền núi nghèo, việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn vô vàn khó khăn thì việc phát triển khoa học công nghệ càng quan trọng và cần thiết. Được sự quan tâm của Bộ Y tế, UBND tỉnh, lãnh đạo ngành y tế tỉnh Yên Bái, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu thành lập phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO.
Trong thời gian từ năm 2008- 2010, chị đã chủ động liên lạc với các chuyên gia Pháp để bắt đầu hình thành quy trình, thủ tục xây dựng phòng xét nghiệm nước và thực phẩm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005. Năm 2011, qua hơn 20 thủ tục và được sự giúp đỡ của Dự án Hỗ trợ phát triển y tế dự phòng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái đã xây dựng, sửa chữa nâng cấp phòng xét nghiệm và được đánh giá lại, công nhận đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005, đồng nghĩa với việc phiếu kết quả xét nghiệm của phòng sẽ được đóng dấu VILAS, khi có con dấu này kết quả xét nghiệm được công nhận trên toàn thế giới.
Với những cống hiến rất ý nghĩa đối với ngành y Yên Bái, cuối năm 2013, chị đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm. Dù ở cương vị nào, nữ bác sỹ trẻ tuổi ấy vẫn rất giản dị, chân thành và đúng mực. Và với chị, để có được thành công như hôm nay đó chính là lòng yêu thương con người của một “từ mẫu” và hơn hết là tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ đã giúp chị vững bước trên hành trình đem kiến thức của mình để bảo vệ sức khoẻ cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Cũng giống như chị Vân, khoác trên mình chiếc áo blu trắng từ những ngày đầu làm việc ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, bác sĩ Đào Thanh Quyết đã ý thức rõ trọng trách cứu người trong cái nghề đã chọn. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu khi mới về làm việc tại Bệnh viện đặc biệt là về cơ sở vật chất và sự khác biệt về ngôn ngữ với đồng bào nơi đây, suốt những năm qua, bằng nghị lực, bản lĩnh và y đức của người thầy thuốc, anh đã cùng đồng nghiệp cứu chữa kịp thời, giúp nhiều người bệnh qua cơn hiểm nghèo.
Là bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu được coi là khoa “đầu sóng ngọn gió” của Bệnh viên, bác sĩ Quyết hiểu rằng đây là giai đoạn quan trọng của mỗi người bệnh, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, do đó với quan điểm người thầy thuốc giỏi phải là người bác sĩ giỏi và có y đức, anh luôn xác định phải làm tốt công tác chuyên môn, cùng đồng nghiệp kiên trì dùng mọi cách để giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch. Nhiệt tình, tâm huyết trong công việc đã thôi thúc anh tìm ra những cách làm hay để người bệnh được chăm sóc tối ưu.
Một trong những sáng kiến đó là việc anh đã triển khai mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện tại khoa. Với phương châm lấy người bệnh là trung tâm của sự chăm sóc, đồng thời qua tìm hiểu tâm lý của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, bác sĩ Quyết đã có ý tưởng chia cán bộ trong khoa thành các tổ, trong đó có đủ các thành phần: bác sĩ, điều dưỡng, y tá, y sĩ và người nhà của bệnh nhân để cùng tham gia điều trị cho người bệnh...
Do được phân công công việc rõ ràng, trong quá trình điều trị mỗi tổ đều đạt hiệu quả công việc cao, không chỉ đem lại sự hài lòng cho người bệnh mà còn gắn trách nhiệm cứu người với từng cán bộ y bác sĩ. Kết quả thăm dò mức độ hài lòng của người bệnh với bệnh viện trước và sau khi thực hiện mô hình đã tăng từ 75 % lên đến 95%.
Bên cạnh đó, anh còn tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào chẩn đoán, điều trị, giải quyết được nhiều ca bệnh khó, hạn chế phải chuyển tuyến trên và giúp người bệnh giảm bớt chi phí trong quá trình chữa trị như đề tài nghiên cứu máy thở sớm ở bệnh nhân đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị ngộ độc lá ngón.... Chính những việc làm này đã tạo động lực thôi thúc các cán bộ y bác sĩ trong Bệnh viện học tập và vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Trọn tâm gắn bó với nghề, hơn chục năm qua, bác sĩ Quyết đã cùng đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện vượt lên những khó khăn về nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất. Giờ đây, anh đã được giao thêm trọng trách Phó giám đốc Bệnh viện. Nhưng với bác sĩ Quyết, món quà vô giá mà anh có được là nụ cười của những người đã khỏi bệnh và người nhà bệnh nhân khi xuất viện, là niềm tin và sự kính trọng của nhân dân đối với một bác sĩ và xa hơn nữa là anh đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa yêu nghề và tận tâm với người bệnh của các y bác sĩ nơi đây.
Cùng đơn vị với bác sĩ Quyết, thạc sỹ, bác sỹ Phan Thanh Tôn – Phó giám đốc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ cũng luôn tâm niệm: thời chiến tranh, những y bác sỹ đã không quản mưa bom bão đạn, thậm chí hy sinh thân mình để cứu người. Bản thân được sống trong thời bình thì phải làm sao sống và làm việc cho xứng đáng với các thế hệ đi trước.
Thạc sỹ, bác sỹ |
Sau đó, anh được phụ trách bộ phận chuyên môn về cận lâm sàng, khoa dược, xét nghiệm kiểm soát nhiễm khuẩn và chẩn đoán hình ảnh. Giao bất cứ công việc nào, bác sĩ Tôn cũng hoàn thành xuất sắc. Anh xác định, muốn xây dựng bệnh viện tốt thì vấn đề đào tạo con người là cơ bản. Khi được đào tạo, họ sẽ làm chủ các trang thiết bị, máy móc chữa bệnh hiện đại để làm tốt công tác chuyên môn. Khả năng sáng tạo, tư duy hiện đại, dám nghĩ dám làm và hơn nữa luôn đặt suy nghĩ của bản thân vào góc độ bệnh nhân, bác sĩ Tôn không những được bệnh nhân quý trọng và còn được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc Bệnh viện khi tuổi đời còn khá trẻ…
Các bác sỹ Lê Thị Hồng Vân, Phan Thanh Tôn, Đào Thanh Quyết và còn nhiều hơn nữa những y bác sỹ trẻ đã và đang cống hiến sức mình cho quê hương Yên Bái. Ở cương vị nào, họ cũng được nhân dân tin yêu, kính trọng bởi trong họ luôn chan chứa yêu thương, một tình yêu thương lớn lao dành cho người bệnh. Họ chính là những “liều thuốc không kê đơn”, thắp lên ngọn lửa niềm tin về y đức - điều đang rất cần trong xã hội hiện nay.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Vượt chặng đường rừng đèo dốc vào những ngày cuối năm, tôi tìm tới ngôi nhà của ông Đặng Nguyên Tài ở thôn Cánh Tiên 2, xã Mỏ Vàng (Văn Yên). Ông là người dân tộc Dao - một già làng, bí thư chi bộ mẫu mực, được Đảng tin, dân mến, nhiều năm liền được bầu là người làm kinh tế giỏi, có uy tín nhất thôn.
YBĐT - Tết này, những cây đào, cành đào từ trang trại của Trọng sẽ có mặt trên thị trường Yên Bái và trong mọi nhà để tô thắm thêm vẻ đẹp của thành phố trong những ngày xuân.
YBĐT - Lớn lên trong tình thương yêu vô bờ của bà ngoại đã gần 80 tuổi và người mẹ tảo tần tật bệnh, chẳng đủ đầy tay - chân như bạn bè cùng trang lứa khác nhưng cậu bé Hà Văn Hiếu lại luôn là niềm tự hào của bà, của mẹ khi mà thành tích học tập của em luôn xếp vào tốp nhất, nhì của lớp suốt 5 năm liên tục học tập tại trường làng.
YBĐT - Năm nay, ông Lý Văn Pẹc ở thôn Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) lại có thêm hai người con nuôi tới vui tết. Trước tết, ông đã se duyên cho một đôi bạn trẻ.