“Kẻ gàn dở” làm trang trại lợn rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/2/2014 | 2:55:00 PM

YBĐT - Không còn bị coi là “kẻ gàn dở” khi mà lợi nhuận thu về từ riêng trang trại lợn rừng đã giúp vợ chồng Nguyễn Văn Thiệp để ra cả gần trăm triệu đồng mỗi năm.

Nguyễn Văn Thiệp chăm sóc đàn lợn.
Nguyễn Văn Thiệp chăm sóc đàn lợn.

Nếm trải vị đắng thất bại của những năm đầu gây dựng cơ nghiệp, chàng trai trẻ đa nghề Nguyễn Văn Thiệp, Bí thư Chi đoàn thôn Đồng Bội, xã Vũ Linh (Yên Bình) đến với con đường phát triển trang trại chăn nuôi lợn rừng như một cơ duyên. Cơ duyên ấy với anh tựa như chiếc phao cứu sinh, xua tan những bế tắc, chán chường, khơi dậy trong anh khát khao được thử sức, được khẳng định mình với hướng phát triển kinh tế mới mà đến ngay cả những người thân trong gia đình cũng xem anh là “kẻ gàn dở”…

Dẫn chúng tôi tới thăm trang trại chăn nuôi lợn rừng của Thiệp, anh Trần Anh Hải - Bí thư Huyện đoàn Yên Bình cho hay, trong rất nhiều mô hình phát triển chăn nuôi của đoàn viên, thanh niên huyện mô hình chăn nuôi lợn rừng của Thiệp là một mô hình hiệu quả, sáng tạo, được rất nhiều bạn trẻ thăm quan, học tập. Thiệp bộc bạch: “Cái ngày đầu gây dựng trang trại, tiền của vợ, của nhà làm ra đến đâu, em dồn cả vào xây dựng trang trại, đầu tư con giống nên cả nhà ai cũng bảo là hâm, là gàn dở. Tìm hiểu về con lợn rừng thấy mê và thích lắm nên ai nói gì thì nói, mặc, em đã quyết là làm...”.

Thăm quan học hỏi kinh nghiệm cách làm từ mô hình nuôi lợn rừng của người chú rồi mày mò tìm hiểu thông tin, kinh nghiệm chăn nuôi lợn rừng từ mạng Internet, Thiệp tìm về Trại giống Hưng Yên nhập cặp giống bố mẹ là lợn rừng Thái Lan.

Anh quây khu vườn đồi thành trang trại chăn thả theo cách thức tự nhiên. Những lứa lợn đầu tiên của năm 2009 nuôi thành công càng tiếp thêm niềm tin để chàng trai này mạnh bạo đi tiếp con đường mà anh tin mình sẽ thành công. Thiệp nhập thêm đôi ba cặp lợn nái thuần chủng để lai tạo với lợn bố giống lợn rừng Thái Lan cho ra một thế hệ lợn lai mới, thích nghi tốt hơn với điều kiện nuôi thả tự nhiên. Đến nay, trang trại của anh đã có 6 lợn nái và 1 lợn đực giống gốc lợn rừng Thái Lan.

Theo kinh nghiệm của Thiệp, nuôi lợn rừng căn bản phải có bãi chăn thả rộng thì thịt lợn mới ngon, mới chắc. Lợn rừng là loài phàm ăn mà nguồn thức ăn chính là chuối, sắn, ngô, rau... không khó kiếm ở nông thôn nên tính ra, chi phí thức ăn một ngày cho mỗi con lợn nuôi thả theo kiểu tự nhiên tại trang trại chỉ mất từ 5.000 - 6.000 đồng, không lo bị lỗ. Anh Thiệp cho hay, nuôi theo cách này, lợn tăng trưởng rất chậm. Với thời gian nuôi từ 8 - 10 tháng, con to nhất cũng chỉ được hơn hai chục cân, còn trung bình chỉ 15 - 18kg/con.

Hiện nay, đàn lợn của gia đình anh đã tăng lên gần 100 con. Cũng theo anh Thiệp, tìm được cách chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình đã khó nhưng để tiêu thụ được sản phẩm lại là cả vấn đề. Không chỉ mổ bán tiêu thụ tại chợ huyện, chàng trai này còn mang lợn đến các nhà hàng tại thành phố để tiếp thị theo kiểu để các nhà hàng ăn thử ngon thì đặt hàng với giá rất hợp lý: lợn rừng chính gốc giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg lợn hơi, còn lợn lai với lợn rừng giá thấp hơn 70.000 - 80.000 đồng/kg lợn hơi.

Sau 4 năm gắn bó, sản phẩm lợn rừng của gia đình Thiệp đã có tiếng. Ngoài nhân đàn cung cấp con giống bán cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh, anh đã tạo dựng cho mình một số cơ sở nhà hàng cung cấp đầu ra ổn định ở thành phố Yên Bái và Hà Nội. Chỉ riêng năm qua, thu nhập từ lợn rừng đã mang về cho anh gần 100 triệu đồng.

Ấp ủ những dự định mới, Thiệp cho biết, tới đây, anh sẽ thay đổi một số con giống, tìm hiểu để cho lai tạo lợn giống lợn rừng Việt Nam với lợn rừng Thái Lan đồng thời khảo sát nhu cầu để mở rộng thị trường tiêu thụ lợn thương phẩm rộng ra địa bàn thành phố Hà Nội bởi đây là thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn, giá lại cao hơn tiêu thụ nội tỉnh.

Không còn bị coi là “kẻ gàn dở” khi mà lợi nhuận thu về từ riêng trang trại lợn rừng đã giúp vợ chồng Nguyễn Văn Thiệp để ra cả gần trăm triệu đồng mỗi năm. Anh cán bộ Đoàn xã đa tài này với nghề tay trái là kinh doanh hàng tạp hóa, làm ảnh, áo cưới và cho thuê các dịch vụ phục vụ cưới hỏi, làm MC cho các đám cưới còn thu về cho gia đình 40 - 60  triệu đồng mỗi năm. Với sự năng động trong phát triển kinh tế gia đình và gương mẫu trong công tác Đoàn ở địa phương, Nguyễn Văn Thiệp xuất sắc là một trong ba gương mặt đoàn viên thanh niên tiêu biểu được tuyên dương lại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013 của huyện Yên Bình.

Phạm Minh

Các tin khác
Chị Lương Thị Hồng Chung (đầu tiên, phải sang) tiếp khách du lịch tại gia đình.

YBĐT - 10 năm làm Bí thư chi bộ Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, chị Lường Thị Hồng Chung đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào hoạt động của thôn bản.

Xưởng sản xuất máy cày mini của anh Bùi Sỹ Tới.
(Ảnh: Pari)

YBĐT - Sống giữa bản làng vùng cao, hàng ngày chứng kiến cảnh bà con nông dân phải nhọc nhằn, vất vả cày bừa, cấy hái trên những thửa ruộng bậc thang cao vút, anh Bùi Sỹ Tới- một người thợ sửa xe máy đã trăn trở, suy nghĩ và tạo ra chiếc máy cày mi ni.

YBĐT - 48 năm tuổi đời nhưng đảng viên Sùng A Chung ở thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu (Trạm Tấu) đã có 30 năm tuổi Đảng. 30 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng là cả một chặng đường người đảng viên này tâm niệm: "Mình là đảng viên thì phải gương mẫu trong mọi việc làm và hành động, có như thế quần chúng mới học tập mà làm theo”.

YBĐT - Từng là Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông bán công Phan Châu Trinh, năm 2003 ông An Xuân Hòa được Nhà nước cho nghỉ chế độ. Bản tính ham hoạt động nên người đảng viên này không ngại tuổi cao vẫn tích cực tham gia vào nhiều công tác xã hội tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục