Thầy thuốc của bản

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/2/2014 | 2:33:39 PM

YBĐT - Nhiệt tình, tận tụy với công việc, trong suốt thời gian 10 năm (1993-2003) kiêm nhiệm cán bộ chuyên trách dân số xã cũng là thời gian anh Tinh đóng góp đáng kể vào việc giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 của địa phương.

Y sỹ Lý Xuân Tinh khám sức khỏe cho người cao tuổi.
Y sỹ Lý Xuân Tinh khám sức khỏe cho người cao tuổi.

Tiếng gõ cửa trong đêm làm anh choàng tỉnh giấc, vội vàng bật dậy mở cửa. Đó là người nhà của một bệnh nhân ở xã Vũ Linh, cách xa nhà anh chừng 5km đến nhờ cấp cứu cho vợ đang bị băng huyết sau khi sinh. Anh vội lấy túi dụng cụ đi ngay. Không có phương tiện, cả anh và người nhà bệnh nhân vừa đi vừa chạy và may mắn đã có mặt kịp thời, anh làm các động tác cấp cứu và tiêm thuốc cầm máu.

Lần đó, bệnh nhân đã được anh cứu sống. Khi ấy là những năm 90 của thế kỷ trước. Giờ đây, xã hội ngày càng phát triển, phương tiện giao thông đã thuận tiện hơn nhưng bất kể ngày đêm, lễ tết, những trường hợp cấp cứu, ốm đau là anh vẫn luôn có mặt với cố gắng cao nhất, tận tình cấp cứu, chữa trị giúp người bệnh vượt qua cơn nguy hiểm. Cảm phục anh, bà con nơi đây gọi anh với cái tên trìu mến: thầy thuốc của bản. Anh là y sỹ Lý Xuân Tinh - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phúc An.

Sinh ra trong một gia đình dân tộc Cao Lan làm nghề thuốc nam ở Phúc An - xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, anh Tinh kể: “Tôi đến với nghề y cũng như duyên phận vậy. Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi lần thấy bố bắt mạch, kê đơn cho bệnh nhân, tôi đều quan sát rất tỷ mỷ và hàng ngày thường theo cha vào rừng hái lá thuốc chữa bệnh”.

Những bài thuốc nam gia truyền đó vẫn theo anh đến tận bây giờ. Học xong phổ thông trung học cũng là lúc tỉnh Yên Bái mở lớp sơ cấp y tá đầu tiên tại thị trấn Thác Bà, được cha động viên, anh làm đơn theo học. Trong khi đang chờ xin việc, anh có giấy gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự và nhập ngũ năm 1986. Sau thời gian huấn luyện, đơn vị cử anh theo học lớp y sỹ tại trường y Quân khu 2.

Tốt nghiệp, anh được điều động công tác tại Bệnh xá Trung đoàn 19, Sư 326, Quân khu 2 thuộc huyện Phong Thổ (Lai Châu). Năm 1989, anh xuất ngũ về địa phương. Tháng 5 năm 1990, anh nhận công tác tại Trạm Y tế xã Phúc An với chức vụ Trạm trưởng và đến năm 1993 kiêm cán bộ chuyên trách dân số xã.

Cả trạm lúc bấy giờ chỉ có 2 người, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, cuộc sống nghèo khổ của người dân đồng nghĩa với lạc hậu về thông tin, nhất là kiến thức y học. Vậy là không chỉ làm công việc chữa bệnh mà anh còn thường xuyên xuống thôn bản tuyên truyền, vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, phổ biến cách trồng một số loại cây thuốc nam để tự phòng bệnh. 24 năm trong nghề, anh Tinh không chỉ tận tình khám, chữa bệnh mà  luôn động viên, chia sẻ, giúp người bệnh vượt qua mặc cảm bệnh tật.

Đã từng là một bệnh nhân mắc lao phổi được anh trực tiếp điều trị, ông Trần Trung Hiếu ở thôn Đồng Tanh tâm sự: “Khi biết mình mắc bệnh, tôi rất lo sợ và chán nản. Hàng ngày phải ăn, ở cách ly với người thân, tôi nhiều lúc đã muốn quyên sinh. Cũng may những ngày đó, tôi được anh Tinh điều trị, động viên kịp thời nên đã an tâm hơn. Đều đặn 3 tháng ròng cho dù nắng mưa, kể cả ngày tết, anh đến tiêm đúng giờ, những lúc rảnh rỗi ngồi lại tâm sự, động viên tôi ăn từng miếng cơm. Nay đã khỏi bệnh gần 20 năm nhưng nhắc đến anh Tinh là tôi không thể nào quên ơn người thầy thuốc đáng quý ấy!...”.

Hỏi anh về sự tận tâm ấy, anh Tinh cười hiền: “Nhìn bệnh nhân ốm đau, tôi cảm thấy như mình hay người thân của mình đang đau đớn vậy!”. Chính vì thế mà dù có khó khăn đến mấy nhưng khi có bệnh nhân cần là anh sẵn sàng bỏ cả công việc gia đình đến chữa trị kịp thời. Nhiều gia đình nghèo không chỉ được anh điều trị khám bệnh mà cả  thuốc anh cũng không lấy tiền.

Nhiệt tình, tận tụy với công việc, trong suốt thời gian 10 năm (1993-2003) kiêm nhiệm cán bộ chuyên trách dân số xã cũng là thời gian anh Tinh đóng góp đáng kể vào việc giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 của địa phương. Từ xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm trên 50% tổng số trẻ sinh ra trong một năm thì nay, Phúc An đã cơ bản khắc phục được tình trạng sinh con thứ 3 trở lên.

Ghi nhận những đóng góp của anh, trong những năm qua, y sĩ Lý Xuân Tinh đã được UBND tỉnh, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, UBND huyện và các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Phần thưởng vô giá nhất chính là sự tin yêu, cảm phục của bà con luôn dành cho anh.

Hải Yến

Các tin khác
Chị Nguyễn Thị Huệ (thứ 2, phải sang) cùng các cộng tác viên dân số tuyên truyền về KHHGĐ tại hộ dân.

YBĐT - Tích cực, chủ động, tâm huyết vùng với phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác truyền thông DS/KHHGĐ, chị Huệ luôn được người dân trên địa bàn thị trấn quý mến. Năm 2013, các hoạt động đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra như: đình sản nữ đạt 200%, đặt vòng 112%, sử dụng bao cao su 100%, thuốc uống tránh thai 100%...

Nguyễn Văn Thiệp chăm sóc đàn lợn.

YBĐT - Không còn bị coi là “kẻ gàn dở” khi mà lợi nhuận thu về từ riêng trang trại lợn rừng đã giúp vợ chồng Nguyễn Văn Thiệp để ra cả gần trăm triệu đồng mỗi năm.

Chị Lương Thị Hồng Chung (đầu tiên, phải sang) tiếp khách du lịch tại gia đình.

YBĐT - 10 năm làm Bí thư chi bộ Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, chị Lường Thị Hồng Chung đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào hoạt động của thôn bản.

Xưởng sản xuất máy cày mini của anh Bùi Sỹ Tới.
(Ảnh: Pari)

YBĐT - Sống giữa bản làng vùng cao, hàng ngày chứng kiến cảnh bà con nông dân phải nhọc nhằn, vất vả cày bừa, cấy hái trên những thửa ruộng bậc thang cao vút, anh Bùi Sỹ Tới- một người thợ sửa xe máy đã trăn trở, suy nghĩ và tạo ra chiếc máy cày mi ni.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục