Năng động làm giàu
- Cập nhật: Thứ ba, 4/3/2014 | 2:21:02 PM
YBĐT - Anh Nguyễn Văn Chiến, dân tộc Nùng ở thôn Tân Yên, xã Cảm Ân (Yên Bình) là một nông dân điển hình có chí hướng trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Bằng sự linh hoạt, nắm bắt kịp thời các mô hình, phương thức sản xuất mới trong thời hội nhập, anh đã mạnh dạn chuyển đổi kịp thời phương thức sản xuất của gia đình, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Chiến kiểm tra chất lượng gỗ bóc.
|
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cái đói, cái nghèo luôn đeo bám, vợ chồng anh cũng không ngoại lệ. Anh đã từng vật lộn đủ nghề từ trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt tôm cá, làm thuê... để chống chọi với đói nghèo. Sau nhiều năm bôn ba, anh tích lũy cho mình một số kinh nghiệm trong lao động sản xuất và vốn rồi đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp chăn nuôi, làm nông nghiệp.
Năm 2011, anh nảy sinh ý định thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng. Sau khi cất công đi tham khảo ở một số nơi trong và ngoài xã trở về, anh quyết định khai thác 6ha đồi rừng của gia đình bán được gần 250 triệu đồng. Không ngần ngại, anh vay thêm 300 triệu đồng và đầu tư mở xưởng chế biến gỗ rừng trồng.
Vốn sống hòa đồng, gần gũi với bà con, làng xóm nên sau khi mở xưởng bóc, nguyên liệu đầu vào của anh rất ổn định. Nhiệt tình đến tận nơi thu mua cho bà con với giá cả hợp lý nên dân bản ai có nhu cầu bán đều gọi anh.
Anh Chiến chia sẻ: “Nói chung làm nghề gì cũng đều có ưu điểm và nhược điểm. Với nghề chế biến lâm sản, ưu điểm là nếu mình quan hệ tốt thì nhân lực và nguyên liệu đầu vào rất sẵn, chủ yếu tận dụng tại địa phương. Nhưng cái khó của việc chế biến gỗ bóc là phải cần thời tiết nắng và đôi khi đầu ra cũng thất thường nên nếu mình không có vốn nhiều thì sản xuất dễ bị ngắt quãng”.
Hiện nay, anh không chỉ thu mua gói gọn trong phạm vi địa bàn xã mà còn mở rộng ra các xã, huyện lân cận để thu mua gom nguyên liệu. Cùng với thu mua, anh còn đầu tư giống cho một số hộ nghèo có đất trống trồng để tạo nguyên liệu về sau và giải quyết khó khăn trước mắt cho một số hộ có công việc đột xuất đó là mua lại đồi cây non.
Hiện xưởng gỗ bóc của anh tạo việc làm quanh năm cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Ngoài ra, tranh thủ mùa nắng nhiều, anh cho làm thêm ca và số người làm cũng tăng lên trên 40 người, góp phần tăng thêm thu nhập phụ cho nhân dân địa phương.
Năng động tiếp cận các mô hình phát triển kinh tế mới với ý chí, lòng quyết tâm, quyết đoán, mạnh dạn trong đầu tư, từ một người nông dân nghèo, hiện nay, với mọi nguồn thu, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Chiến có lãi trên trăm triệu đồng mỗi năm. Anh đã xây dựng nhà ở khang trang và nuôi con học lên cao đẳng, đại học.
A.M
Các tin khác
YBĐT - Nhiệt tình, tận tụy với công việc, trong suốt thời gian 10 năm (1993-2003) kiêm nhiệm cán bộ chuyên trách dân số xã cũng là thời gian anh Tinh đóng góp đáng kể vào việc giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 của địa phương.
YBĐT - Tích cực, chủ động, tâm huyết vùng với phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác truyền thông DS/KHHGĐ, chị Huệ luôn được người dân trên địa bàn thị trấn quý mến. Năm 2013, các hoạt động đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra như: đình sản nữ đạt 200%, đặt vòng 112%, sử dụng bao cao su 100%, thuốc uống tránh thai 100%...
YBĐT - Không còn bị coi là “kẻ gàn dở” khi mà lợi nhuận thu về từ riêng trang trại lợn rừng đã giúp vợ chồng Nguyễn Văn Thiệp để ra cả gần trăm triệu đồng mỗi năm.
YBĐT - 10 năm làm Bí thư chi bộ Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, chị Lường Thị Hồng Chung đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào hoạt động của thôn bản.