Vì đàn em thân yêu
- Cập nhật: Thứ năm, 15/5/2014 | 8:45:36 AM
YBĐT - Ai đã từng đặt chân lên Văn Yên, hẳn sẽ lưu giữ những kỷ niệm khó quên về một vùng đất với những đồi quế xanh ngút ngàn, một nền văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc và tình cảm ấm áp của con người nơi đây. Và cũng trên mảnh đất yên bình này, tôi đã gặp anh Lê Mạnh Hùng - một cán bộ Đoàn năng động với nụ cười thường trực trên môi.
Ngay từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Lê Mạnh Hùng đã rất năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động do Đoàn trường tổ chức. Thêm 7 năm giữ chức vụ Phó bí thư Chi đoàn Hội đồng nhân dân, Văn phòng UBND huyện khi công tác tại Ban quản lý Dự án giảm nghèo huyện Văn Yên, anh đã chuẩn bị cho mình hành trang khá vững để tham gia triển khai các phong trào hoạt động của Đoàn - Hội sau này.
Chuyển sang công tác Đoàn chuyên trách từ năm 2008, anh giữ cương vị ủy viên Ban Thường vụ Huyện đoàn, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Văn Yên. Qua các lần đi cơ sở, tham gia các hoạt động tình nguyện với thanh niên địa phương, chứng kiến các em thiếu nhi phải học trong các phòng học tạm có thể đổ bất cứ lúc nào, suy nghĩ làm thế nào để giúp các em nhỏ còn gặp nhiều khó khăn, xóa được những phòng học tạm để các em có điều kiện học tập tốt hơn đã luôn thường trực trong anh. Nhưng muốn làm được điều này phải có kinh phí, vậy kinh phí lấy ở đâu lại là bài toán khó. Suy nghĩ rất nhiều, đổi mới cách làm, sáng tạo và vận động nguồn kinh phí xã hội hóa từ các tổ chức, tập thể, cá nhân trong và ngoài huyện nhằm tạo nguồn lực phục vụ cho các hoạt động Đoàn - Hội đã được anh năng động vận dụng.
Cuộc vận động “Cùng em tôi đến trường” do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Yên Bái phát động đã tiếp thêm sức mạnh và là căn cứ pháp lý vững chắc để anh tập trung vào tham mưu, vận động để xây dựng nhà bán trú cho học sinh vùng cao. Không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, gần hay xa; vận dụng mọi mối quan hệ đã có, nhờ bạn bè, người thân giới thiệu, anh đã không quản ngại khó khăn vất vả đi đến từng cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vận động nguồn kinh phí, đồng thời trực tiếp chỉ đạo quá trình thi công.
Anh tâm sự: “Có những lần cầm trên tay bản kế hoạch, ròng rã nhiều ngày, một mình đi gõ cửa từng công ty, doanh nghiệp lớn, nhỏ trên địa bàn huyện và cả các tỉnh khác để xin kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà bán trú, lớp học cho các em và chỉ nhận được cái lắc đầu, tôi cũng nản lòng nhưng hình ảnh các em học sinh dân tộc ngày ngày đội nắng, đội mưa đi bộ hàng chục km để được đến trường cứ xuất hiện trong tâm trí khiến tôi không thể dừng bước”.
Sau nhiều lần lặn lội, tìm giải pháp vận động, kết quả đã mỉm cười với người cán bộ Đoàn mẫn cán. Đến nay, anh đã tham mưu triển khai, vận động kinh phí xây dựng được 3 công trình nhà bán trú với 10 phòng ở; 5 công trình quy mô 12 phòng học tại các điểm lẻ trường tiểu học và mầm non với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng, góp phần giải quyết khó khăn về phòng học và đáp ứng nhu cầu nơi ăn chốn ở cho các em học sinh vùng cao, giúp các em yên tâm học tập.
Bên cạnh đó, anh đã vận động kinh phí hỗ trợ 2 gia đình cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện với số tiền 65 triệu đồng để xây dựng, hoàn thành ngôi nhà ở mới kiên cố khang trang. Anh cũng chủ động liên hệ đề xuất với Chương trình phát triển vùng Văn Yên phối hợp và hỗ trợ gần 60 triệu đồng tổ chức 12 hội thi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS các cấp; tham mưu tổ chức 3 giải bóng đá thanh niên cúp Agribank; phối hợp với các cấp, ngành có liên quan tổ chức 1 lớp tập huấn về quản trị doanh nghiệp cho 50 học viên đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn huyện; 2 lớp tập huấn định hướng nghề nghiệp việc làm và khởi sự doanh nghiệp cho 120 đoàn viên thanh niên.
Với những cống hiến ấy, Hùng đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương và các danh hiệu cao quý khác của Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, Tỉnh đoàn, Trung ương đoàn và Trung ương Hội LHTN Việt Nam.
Nói về dự định trong thời gian còn lại của năm 2014, anh cười cho biết: “Là thanh niên thì không ngại khổ, luôn phải xung kích đi đầu. Từ các nguồn kinh phí vận động được từ cuối năm 2013, đầu năm 2014, mình đang tham mưu với Ban Thường vụ Huyện đoàn và dự kiến giữa tháng 6 sẽ khởi công 4 phòng học tại các điểm lẻ Trường Tiểu học và Mầm non xã Xuân Tầm với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng”.
Ngẫm nghĩ về những việc làm của Hùng, trong lòng tôi dâng lên một cảm giác khó tả và khâm phục anh, người thanh niên mang màu áo xanh, đã và đang cống hiến hết mình cho cộng đồng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, vẫn từng ngày âm thầm đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương.
Được biết, Lê Mạnh Hùng là một trong rất nhiều tấm gương điển hình của đoàn viên thanh niên trong thực hiện cuộc vận động “Cùng em tôi đến trường”. Cuộc vận động được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai từ năm 2011, đến nay đã có 18 nhà bán trú trong toàn tỉnh được xây dựng và đưa vào sử dụng; tiếp nhận và trao quà, học bổng trị giá trên 2 tỷ đồng cho học sinh tại các huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh.
“Trong thời gian tới, Hội đồng Đội tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo, giáo dục thiếu nhi bằng các hoạt động thiết thực, duy trì và nhân rộng có hiệu quả các phong trào “Nuôi heo đất vì bạn nhỏ đến trường”,“Vườn rau của em”, “Đàn gà khăn quàng đỏ”. Sắp tới, trong Liên hoan thiếu nhi các dân tộc thiểu số và Hội trại huấn luyện kỹ năng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn – Hội đồng Đội tỉnh sẽ tổ chức “Đêm hội cùng em tôi đến trường” để vận động ủng hộ cho cuộc vận động” - chị Thào Thị Thùy Linh - Phó chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết.
Thu Hiền
Các tin khác
YBĐT - Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã, chúng tôi tìm đến gia đình anh Sùng A Lử ở bản Tà Chơ, xã Cao Phạ (Mù Cang Chải). Đây là một nông dân trẻ nhạy bén trong tiếp cận các mô hình sản xuất mới, áp dụng vào phát triển kinh tế hộ gia đình.
YBĐT - Cả nước đang hướng về Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2014); tôi cũng có cách kỷ niệm của riêng mình. Đó là về quê hương Trấn Yên gặp lại những chiến sỹ giải phóng năm nào, những người lính xông pha trước bom đạn kẻ thù để non sông thu về một mối như ước nguyện của Bác Hồ và toàn dân tộc Việt Nam.
YBĐT - Việc nào đồng chí Say cũng có mặt. Có người bảo đồng chí là “rỗi hơi” nhưng với đồng chí, việc nào có ích cho dân, cho bản là đồng chí làm bằng ý thức trách nhiệm của một người đảng viên. Người dân Bản Công gọi đồng chí bằng cái tên thân mật là: ông Say “mặt trận”
YBĐT - Trở về quê nhà từ những chiến trường, những người lính Cụ Hồ lại xông pha trên trận tuyến xây dựng quê hương, đất nước. Dù không vốn, không kinh nghiệm nhưng nhờ tinh thần chịu khó học hỏi, dám nghĩ dám làm, nhiều cựu chiến binh đã phát huy bản lĩnh, tinh thần người lính, vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi.