Giờ thì bà Triệu Thị Nhậy - người phụ nữ Dao thôn Hai Túc, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên đã có thể hài lòng vì những nỗ lực ấy của mình.
Thời điểm những năm 1980 - 1990, bà Triệu Thị Nhậy vừa là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã vừa là đại biểu HĐND tỉnh và còn là đại biểu Quốc hội khóa IX (1992 - 1997). Hiểu biết và trách nhiệm của một người cán bộ khiến bà Nhậy có ngay những sự trăn trở trước Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII "Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra đời vào năm 1998. Nhìn lại chính bản sắc văn hóa dân tộc Dao của mình, vì những điều kiện khách quan của thời cuộc, bao nét văn hóa gửi gắm trong trang phục truyền thống rõ ràng đang bị xếp lại, nguy cơ mai một hiện hữu khi những bộ trang phục vắng bóng trong cộng đồng.
Không thể chần chừ thêm, chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã khi ấy vừa miệt mài với trọng trách được giao vừa tranh thủ cần mẫn tìm cách khôi phục lại trang phục truyền thống. Tìm đến các cụ cao tuổi trong thôn, trong xã cóp nhặt, sưu tầm lại những mảnh hoa văn thổ cẩm, rồi tự tay bà bắt đầu làm những bộ trang phục cho mình, cho gia đình. Phải lặn lội xuống tận tỉnh Hà Nam cũ lấy vải thổ cẩm; phải trồng chàm, nhuộm chàm vải thổ cẩm, mua chỉ màu rồi mới tự thêu, tự may nên trang phục - ngần ấy công việc phải tự tay làm nhưng bà chưa bao giờ nản chí. Bà lại kiên trì vận động người già chỉ bảo con cháu trong gia đình kỹ thuật thêu, may; vận động chị em phụ nữ trong thôn bản làm cho mình và gia đình những bộ trang phục truyền thống. Bản thân bà lựa chọn trang phục ấy mặc thường xuyên hơn.
"Mình mặc, nhiều người khen đẹp. Mình lại bảo họ cùng làm đi để mặc cho đẹp. Không biết thì ta học, ta bảo nhau làm. Cứ thế, dần dần trong thôn nhiều người cùng làm, cùng mặc, rồi đến trong xã, trong huyện, nhất là dịp lễ tết, hội hè, gần như ai cũng chọn trang phục truyền thống để mặc. Thậm chí, mình mặc trang phục đi các hội nghị, rồi trong nhiều dịp gặp gỡ khác, người Dao mình ở tỉnh khác như Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang thấy thế cũng học theo” - bà Nhậy vẫn còn cả niềm phấn khởi nhớ lại những năm tháng đó.
Năm 1995, được Tỉnh hội Phụ nữ giúp đỡ, bà Nhậy mở lớp dạy thêu cho 45 học viên là chị em phụ nữ ở xã, năm 1996 tiếp tục mở được một lớp dạy thêu thổ cẩm cho chị em phụ nữ bên xã Trung Tâm của huyện.
Từ lớp dạy thêu của 45 học viên năm đó cùng nhiệt huyết của bà Triệu Thị Nhậy, đến nay có 15 người vẫn nhiệt tình gắn bó với công việc này và đã dần đưa sản phẩm thổ cẩm của người Dao trở thành hàng hóa. Năm 2019, Tổ hợp tác thổ cẩm thôn 2 Túc được thành lập và 2 Túc cũng được công nhận là làng nghề thổ cẩm truyền thống, như một kết quả đáp đền cho những nỗ lực của người phụ nữ Dao ấy.
"Trang phục truyền thống nay đã không chỉ trở thành phổ thông đối với người Dao mà còn bước đầu làm hàng hóa. Bây giờ có thể khẳng định trang phục truyền thống đã có sức sống vững bền trong cộng đồng người Dao rồi, không lo mất đi nữa” - bà Triệu Thị Nhậy vui tận trong ánh mắt chia sẻ điều này.
Bản sắc văn hóa không chỉ ở trang phục nên bà Nhậy luôn muốn làm nhiều hơn thế. "Tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII luôn thôi thúc tôi nhiều điều muốn làm. Thời gian đó, những lần đi hội họp, xem các tiết mục văn nghệ trên sân khấu của người Kinh, tôi cứ nghĩ sao mình không thể đưa những điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình lên sân khấu giống họ” - trăn trở ấy còn trở thành khao khát trong lòng người phụ nữ yêu văn hóa dân tộc mình.
Tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Lục Yên năm 1991, bà Nhậy cùng ông Lý Phúc Thăng - người cùng thôn đã mang điệu hát giao duyên của người Dao lên sân khấu. Như vẫn còn nguyên cảm giác vừa hồi hộp vừa hứng khởi của mình năm nào trong câu chuyện nhắc lại hôm nay: "Đấy là lần đầu tiên một điệu dân ca của người Dao được biểu diễn trên sân khấu và còn đạt Huy chương Vàng. Tiết mục của chúng tôi tiếp tục được đi biểu diễn ở hội diễn cấp tỉnh và cấp toàn quốc đều đạt Huy chương Vàng. Đó chính là nguồn động viên đối với tôi để tiếp tục sân khấu hóa những điệu dân ca, dân vũ”.
Năm 1993, bà Nhậy táo bạo dàn dựng tiết mục trích đoạn múa "Cấp sắc” mang đi biểu diễn tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng và cũng lại tiếp tục giành Huy chương Vàng của huyện, tỉnh và toàn quốc. Đến Hội diễn năm 1997, tiết mục trích đoạn múa "Cầu mùa” được bà Nhậy dàn dựng lại mang về thêm những tấm Huy chương Vàng ở cả cấp tỉnh và toàn quốc.
"Tự hào lắm khi bản thân trở thành người Dao đầu tiên đưa dân ca, dân vũ của dân tộc mình lên sân khấu và danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú được công nhận vào năm 2018 là nguồn động viên lớn lao cho bản thân tôi. Ấy sẽ là động lực để mình truyền dạy những điệu dân ca, dân vũ để chúng mãi được lưu truyền. Ngay thời gian tới đây thôi, tôi sẽ chính thức mở một lớp dạy hát dân ca, dân vũ cho những người yêu thích” - bà Nhậy phấn chấn cho những dự định tương lai gần. Xa hơn nữa, bà còn ấp ủ ý định muốn thổ cẩm thành sản phẩm OCOP và đưa nó vươn xa hơn nữa, thậm chí là trở thành mặt hàng xuất khẩu.
Quả thực, chẳng thể hữu hạn được ước mơ của một người phụ nữ đã dành ngần ấy thời gian cuộc đời để chiu chắt những yêu thương với văn hóa dân tộc mình theo từng năm tháng đến như thế!
Thu Hạnh