Nữ doanh nhân Yên Bái: Táo bạo để làm giàu, hạnh phúc bởi cho đi

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/2/2022 | 7:25:59 AM

YênBái - Táo bạo, mạnh mẽ để hiện thực hóa khát vọng làm giàu; ấm áp với lòng trắc ẩn, sự sẻ chia - những nữ doanh nhân Yên Bái thêm giàu có với sự cho đi.

Doanh nhân Nguyễn Thị Khuyên (người thứ nhất, bên trái) cùng các nữ doanh nhân Yên Bái bên sản phẩm ngói màu Nasaki tại Hội nghị Kết nối cung cầu Yên Bái năm 2020.
Doanh nhân Nguyễn Thị Khuyên (người thứ nhất, bên trái) cùng các nữ doanh nhân Yên Bái bên sản phẩm ngói màu Nasaki tại Hội nghị Kết nối cung cầu Yên Bái năm 2020.

Táo bạo để làm giàu

Đến giờ, có lẽ vẫn chẳng ai ngờ chị Lưu Thị Lan - Giám đốc Công ty TNHH Vượt Lan (phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ), Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh lại là người chưa hề có một chút va vấp gì với thương trường khi mới bắt đầu khởi sự kinh doanh. 

Năm 2009, sau khi nghỉ chế độ 176, chị mới bắt đầu cùng chồng mở công ty hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, san tạo mặt bằng. "Vừa chưa có chút kiến thức thương trường nào, lại hoạt động trong lĩnh vực đầy mới mẻ với mình; vốn đầu tư vay mượn nhiều; chưa kết nối tìm được việc làm; cũng chưa có kinh nghiệm trong điều hành doanh nghiệp... là vô vàn khó khăn ban đầu tôi phải đối mặt. Nhưng đã dám nghĩ thì phải dám làm, tôi không ngừng học hỏi, năng động tìm kiếm cơ hội việc làm… Khó khăn dần qua đi” - chị Lưu Thị Lan chia sẻ. 

Nữ giám đốc Lưu Thị Lan tìm cách phát triển doanh nghiệp bằng đầu tư mua sắm và đổi mới trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh và quan tâm chăm lo, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tạo mối liên hệ gắn bó lâu dài của người lao động với doanh nghiệp. Cứ vậy, Giám đốc Lưu Thị Lan dần dẫn dắt, điều hành doanh nghiệp ổn định, vững vàng và mở rộng thêm lĩnh vực kinh doanh như bây giờ.

Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Nguyễn Thị Khuyên - nữ Giám đốc Công ty TNHH Ngói màu Nasaki Việt Nam (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình) lại có sự táo bạo của một doanh nhân trẻ tuổi. 

Năm 2014, chị khởi nghiệp với sản phẩm bột đá canxi cacbonat siêu mịn. Khó khăn với chị cũng đầy ắp. Chị Nguyễn Thị Khuyên cho biết: "Thời gian đầu, tôi không có bất kỳ khách hàng nào. Tôi chỉ biết nghĩ mình phải chinh phục được mục tiêu đặt ra, không được phép đắn đo lùi bước”. 

Nỗ lực tìm kiếm khách hàng, tuân thủ phương châm "khách hàng là ân nhân”, công sức của doanh nhân Nguyễn Thị Khuyên cuối cùng cũng được đáp đền với mạng lưới khách hàng từ Bắc vào Nam. Người táo bạo ít khi sớm bằng lòng với bản thân mà luôn tìm kiếm những mục tiêu mới, thách thức mới. 

Năm 2018, chị tiếp tục mở thêm doanh nghiệp sản xuất ngói màu thông minh theo công nghệ xanh tiên tiến của Nhật Bản, với mong muốn tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Ngói màu Nasaki của nữ doanh nhân trẻ dần khẳng định uy tín sản phẩm trên thị trường.

Mỗi người một con đường, nhưng cùng chung khát vọng làm giàu; sự táo bạo, mạnh dạn để khởi nghiệp; ý chí, nghị lực, kiên trì bước qua khó khăn, chinh phục những mục tiêu đã chọn. Trong ngôi nhà chung "Hội Nữ doanh nhân tỉnh”, hơn 200 nữ doanh nhân Yên Bái cùng chia sẻ, truyền cảm hứng cho nhau tiếp tục phát triển, thành công.

Hạnh phúc bởi cho đi

Nhiều năm làm nghề xây dựng công trình, đi nhiều nơi, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, sẵn lòng trắc ẩn, nữ doanh nhân Phạm Thị Vượng - Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh từng giúp đỡ nhiều hoàn cảnh thiếu thốn. Sự giúp đỡ của chị đơn giản từ những tấm áo, cân gạo, gói mì, vật dụng, đồ dùng sinh hoạt gia đình cho đến góp công, góp của cùng bà con vùng cao, vùng sâu, vùng xa mở mới con đường, bắc cây cầu qua suối. 

Rồi những năm tháng tham gia xây dựng các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, bê tông hóa đường giao thông nông thôn nơi những bản làng xa xôi, chị Vượng chẳng ngại ngần hỗ trợ cả trăm triệu đồng cho nhiều công trình. 

"Nhìn niềm vui nơi ánh mắt những người mình giúp đỡ, nhìn những thôn bản vùng cao tươi mới hơn với những công trình mới, tôi vui bởi sự góp sức nhỏ bé của mình” - lý do cho sự sẻ chia của chị Vượng đơn giản vậy. 

Giờ đây, phụ trách công tác từ thiện của Hội Nữ doanh nhân tỉnh, chị Vượng lại cùng các chị em giúp đỡ bao hoàn cảnh khó khăn, coi đó như phần trách nhiệm xã hội luôn sẵn lòng thực hiện. 

Đầu năm 2021, Quỹ "Thắp sáng tương lai” của Hội Nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái ra đời với số tiền quỹ trên 2 tỷ đồng, nhằm giúp đỡ các cháu học sinh THPT học lên hết đại học có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng khi học THPT và 2 triệu đồng/tháng khi học đại học cho mỗi em. Bước đầu, Quỹ đã hỗ trợ cho 12 cháu. 

Chị Bùi Thị Sửu - Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh nói: "Chúng tôi không mong gì hơn là mang đến cơ hội về cuộc sống tươi sáng hơn trong tương lai cho các em khi được Hội Nữ doanh nhân tỉnh đồng hành, nâng bước”. 

Chia sẻ với những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, các nữ doanh nhân tỉnh hỗ trợ họ làm nhà hay hỗ trợ tạo sinh kế. Bằng các hình thức khác nhau, các chị cũng đã ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền trên 600 triệu đồng… Tính ra, hàng tỷ đồng mỗi năm đã được các nữ doanh nhân ủng hộ, chia sẻ với cộng đồng. 

Làm giàu không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn để sẻ chia được nhiều hơn với cộng đồng - những nữ doanh nhân Yên Bái đã và đang góp sức vì một Yên Bái "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” theo cách của riêng mình.

Thu Hạnh

Tags Hội Nữ doanh nhân quyền lợi người lao động từ thiện nhân đạo quyên góp người nghèo bảo vệ môi trường vùng cao vùng sâu vùng xa “Xanh hài hòa bản sắc và hạnh phúc”

Các tin khác
Nhà báo Minh Huyền - Báo Yên Bái tác nghiệp tại khu cách ly.

Năm 2021 - một năm thật nhiều cảm xúc với những người làm báo Yên Bái: hai lần dịch Covid-19 bùng phát, “vùng xanh” lần đầu tiên có những ca F0 tại cộng đồng. Dấn thân trên tuyến đầu chống dịch, họ cũng là những chiến sĩ…

Đảng viên Bùi Việt Tiến (giữa) giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của xã Minh Bảo.

Việc đưa cửa hàng vào phục vụ nhân dân đảm bảo khép kín các khâu từ nuôi trồng, chế biến, giới thiệu, đưa sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao và hoạt động ổn định như hiện nay có vai trò quan trọng, quyết định và quyết đoán của đảng viên Bùi Việt Tiến - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Bảo.

CCB Lê Chí Công (người chỉ tay) giới thiệu với lãnh đạo Hội CCB huyện Trấn Yên về khu vực trồng cây khoai tây năm 2021.

Cựu chiến binh Lê Chí Công làm giàu từ mô hình nuôi cá trên ruộng trũng ngập, cho thu nhập hàng năm từ 200 triệu đồng trở lên. Không những thế, ông còn đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Minh Quân tại thôn Tiền Phong do ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc.

Linh mục Nguyễn Đình Tuyến (thứ 2, từ trái qua phải) tích cực tuyên truyền, vận động giáo dân hiến đất, mở đường giao thông nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên - Lưu Trung Kiên cho biết: “Đúng như câu nói tấc đất, tấc vàng, đất đai dù ở thị thành hay thôn quê đều được người dân quý trọng. Khi phong trào hiến đất mở đường phát triển thì nhiều người dân trên địa bàn huyện sẵn sàng hiến những “tấc vàng” để mở đường cho rộng, cho thẳng”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục