YênBái - Chị Giàng Thị Xua ở thôn Bản Mới, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn năm nay 38 tuổi. Là một phụ nữ năng động, thay vì cả năm chỉ quanh quẩn với cây ngô, cây sắn và ruộng nương, chị Xua đã mạnh dạn chuyển sang may trang phục dân tộc Mông để bán phục vụ khách du lịch.
|
Chị Giàng Thị Xua bên máy may.
|
Chị Xua nói, là phụ nữ dân tộc Mông thì hầu hết đều biết may váy áo. Chị cũng biết may váy áo từ hồi chưa lấy chồng. Lấy chồng rồi, chị với chồng vất vả làm lụng vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. Chị cũng đã nghĩ về việc may trang phục dân tộc để bán. Quá trình làm, chị nhận thấy may trang phục dân tộc Mông thủ công để bán thì lợi nhuận thu về rất thấp lại tốn rất nhiều công.
Từ đó, chị Xua đã tìm hiểu trên Youtube, Facebook và thấy thích máy may hiện đại. Sau vài tháng tìm hiểu, cuối năm 2016, chị đã quyết định mua máy may. Do các thao tác của máy may dùng hoàn toàn tự động, khác hẳn cách làm thủ công nên chị đã tự mày mò để có thể sử dụng và tạo các hình mô phỏng chiếc váy dân tộc Mông để thử may.
Và rồi chị vui mừng khi những sản phẩm đầu tiên đã thành hình sau bao ngày tập tành làm thử. Mua được máy, học hỏi để sử dụng được máy, làm quen với việc may váy bằng máy là rất nhiều khó khăn với chị Xua. Vậy mà vẫn chưa hết khó khăn khi chị lại chật vật lo tiền vốn để mua vải may váy và tìm thị trường tiêu thụ.
Chị Xua đã mạnh dạn chọn quê hương Suối Giàng là nơi đầu tiên tiêu thụ sản phẩm vì chị biết đây là một trong những điểm du lịch thu hút rất nhiều khách tham quan.
Sản phẩm bày bán được khách hàng đón nhận, vậy là chị đã giải quyết được vấn đề quan trọng nhất. Từ chiếc váy đầu tiên cho đến khi các sản phẩm làm ra càng hoàn thiện hơn, chị Xua cũng không ngại đem đi giới thiệu để được góp mặt ở các chợ khác. Tính đến thời điểm hiện tại, công việc may váy đã đem lại cho gia đình chị Xua một cuộc sống ổn định hơn.
Chị Xua cho biết: "Một chiếc váy có giá bán từ 800.000 đồng đến 900.000 đồng, mỗi tháng tôi may và bán được gần chục sản phẩm. Nhờ thế tôi thu về bình quân mỗi tháng trên 7 triệu đồng, mỗi năm trên 80 triệu đồng. Số tiền này tuy chưa lớn nhưng là một bước chuyển đổi rất quan trọng với một phụ nữ Mông như tôi và đủ để vợ chồng tôi nuôi con, trang trải cuộc sống”. Chị Xua cũng chia sẻ thêm là sẽ sẵn sàng dạy nghề này cho những chị em nào muốn học.
Ông Mùa A Giàng - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết, cách làm của chị Xua rất đáng biểu dương vì không chỉ đem lại lợi ích cho gia đình mà còn có thể nhân rộng trên địa bàn xã, nhất là góp phần giữ gìn và quảng bá nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông, cũng là sản phẩm đặc thù mang đậm bản sắc, góp phần phát triển du lịch địa phương.
Sùng Anh Đông
Tags
Giàng Thị Xua
giữ gìn văn hóa dân tộc
xã Suối Giàng
huyện Văn Chấn
váy
trang phục dân tộc Mông
Xây dựng con người Yên Bái với 5 chuẩn mực trong nông dân đã xuất hiện ngày thêm nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước.
Liên tiếp đưa ra những sáng kiến trong công việc, nghiệp vụ chuyên môn và áp dụng linh hoạt, hiệu quả những sáng kiến đó vào tình hình thực tế tại địa phương nên Đại úy Phan Anh Sơn - Trưởng Công an xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ luôn được bà con tin tưởng, ủng hộ. Mới đây, Đại úy Sơn vinh dự là một trong 66 thanh niên được Bộ Công an tuyên dương thanh niên công an xã có thành tích xuất sắc.
Đồng bào Mông có nhiều nghề truyền thống mang nét văn hóa độc đáo đặc trưng dân tộc như nghề chế tác nhạc cụ, thêu dệt thổ cẩm và không thể không nhắc đến nghề rèn đúc nông cụ thủ công. Ông Hờ Tráng Chu, thôn Đồng Hẻo, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn chính là người “giữ lửa” nghề rèn truyền thống của đồng bào Mông ở Đồng Hẻo.
Không chỉ "cứng” về nghiệp vụ, anh Nguyễn Mạnh Hùng còn luôn thường xuyên gần gũi với bà con, luôn lắng nghe ý kiến của người dân để giải quyết thấu tình, đạt lý mọi công việc.