Chàng trai cử nhân Luật người Dao nâng tầm cây quế quê hương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/4/2022 | 7:49:57 AM

YênBái - Lớn lên dưới những rừng quế, thấy rõ lợi ích từ cây quế đưa đồng bào Dao từng bước thoát nghèo và làm giàu, chàng cử nhân Luật người Dao Lý Hai ở thôn Làng Mới, xã Đại Sơn đã chọn trở lại quê hương để tạo bước đột phá đưa vỏ, cành, lá quế trở thành sản phẩm OCOP để vươn ra thị trường quốc tế.

Xưởng sản xuất, chế biến các sản phẩm quế sạch, an toàn của Hợp tác xã An Bình.
Xưởng sản xuất, chế biến các sản phẩm quế sạch, an toàn của Hợp tác xã An Bình.

Lý Hai sinh năm 1992. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật, anh không chọn theo nghề mà dành nhiều thời gian nghiên cứu về cây quế, tác dụng của quế, thị trường, xu hướng tiêu thụ sản phẩm quế. Đặc biệt, anh chú tâm nghiên cứu về những đặc trưng riêng có của cây quế Văn Yên nói chung và cây quế ở Đại Sơn nói riêng để tạo cho mình một hướng đi phù hợp, hiệu quả mà lại phát huy được thế mạnh sẵn có của quê hương. 

Theo đó, Lý Hai đã vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) Bình An với sự tham gia của 11 thành viên là những thanh niên năng động, sáng tạo, nhiệt huyết và là người Dao tại xã Đại Sơn. 

Ngay sau khi lập nên HTX, Lý Hai và các thành viên không đi theo cách truyền thống của các tư thương khác là chỉ sơ chế sản phẩm quế thô như: thu mua vỏ quế để phơi, làm quế sáo… mà Lý Hai bàn bạc, thống nhất với các thành viên bắt tay vào xây dựng sản phẩm riêng nhằm khẳng định thương hiệu ngay từ đầu và khai thác từ gốc những diện tích quế ở vùng Đại Sơn. 

Lý Hai bày tỏ: "Quá trình nghiên cứu, tôi thấy xu hướng sản xuất sạch, an toàn là tất yếu, có tính bền vững cao và không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng, chế biến quế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho dân vùng trồng quế. Do vậy, HTX Bình An ra đời sẽ trở thành tổ chức kinh tế của cộng đồng quế đầu tiên ở huyện Văn Yên liên kết với bà con hình thành vùng quế hữu cơ theo 2 tiêu chuẩn quốc tế khắt khe nhất hiện nay là USDA và EU để tổ chức chế biến quế theo hướng chuỗi liên kết, gia tăng giá trị, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm”.

Để phát triển sản xuất, kinh doanh, HTX Bình An xây dựng một nhà xưởng sản xuất với diện tích 5.000 m2; đầu tư một dây chuyền chế biến gồm các loại máy: máy rửa, máy chẻ, máy bào, máy cắt, máy định lượng đóng gói và một số máy khác theo công nghệ tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ với số tiền 1,5 tỷ đồng. 

Đặc biệt, trong một số công đoạn sản xuất, HTX đã áp dụng các biện pháp thủ công để đảm bảo chất lượng sản phẩm như: tự làm sạch thủ công phơi và phân loại quế thủ công. 

Bình quân một năm, HTX tiêu thụ 500 - 700 tấn quế vỏ tươi của người dân trong xã Đại Sơn và trong vùng với số tiền 15 - 20 tỷ đồng; đồng thời, tạo ra các sản phẩm hộp quế sáo và quế bột thành phẩm.

Hai sản phẩm đầu tiên mà HTX Bình An đã xây dựng và trở thành sản phẩm OCOP của huyện Văn Yên là quế sáo và quế bột đóng lọ với nhãn hiệu Thiên sơn Ngọc Quế. Cả 2 sản phẩm này được HTX sản xuất theo quy trình khép kín. Đặc biệt, quá trình phơi khô được thực hiện trong nhà sấy năng lượng mặt trời giúp quế khô, sạch hoàn toàn. Nguồn nguyên liệu để sản xuất, chế biến ra sản phẩm là những rừng quế lâu năm, có lượng tinh dầu nhiều ở xã Đại Sơn.  

Sản phẩm quế bột Thiên sơn Ngọc Quế được nghiền mịn từ những thanh quế sáo qua quá trình lựa chọn thủ công kỹ lưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cho ra thành phần là bột quế mịn, đồng đều. Đồng thời, được đóng trong lọ kín, an toàn, tiện dụng cho mọi căn bếp, giúp các món ăn thêm hấp dẫn.

Cùng với việc xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm, Lý Hai chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, mạnh dạn đưa sản phẩm của mình lên các sàn giao dịch điện tử, tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX trên các trang mạng điện tử, zalo, facebook… 

Nhờ vậy, sản phẩm được nhiều khách hàng trong, ngoài nước tìm đến đặt hàng. Trong đó, năm 2021 xuất bán quế sáo cắt thành phẩm sang các thị trường như: Ấn Độ và Indonesia đạt doanh thu 40 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Hướng đi mang tính đột phá của Lý Hai và HTX Bình An đã, đang và sẽ góp phần đưa cây quế của Văn Yên nói chung và quế của đồng bào Dao nói riêng vươn ra thế giới, hội nhập cùng dòng chảy của kinh tế thị trường, đưa đời sống của đồng bào ngày càng ấm no, giàu mạnh. Điều quan trọng là hướng tới khai thác hiệu quả, triệt để nguồn lợi, đặc tính riêng có của "cây vàng xanh” ở Văn Yên. 

Thu Nhài (Trung tâm TT và VH huyện Văn Yên)

Tags cử nhân Luật người Dao cây quế đồng bào Dao xã Đại Sơn Văn Yên sản xuất kinh doanh OCOP Hợp tác xã Bình An quế sáo quế bột đóng lọ nhãn hiệu Thiên sơn Ngọc Quế.

Các tin khác
Chị Giàng Thị Xua bên máy may.

Chị Giàng Thị Xua ở thôn Bản Mới, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn năm nay 38 tuổi. Là một phụ nữ năng động, thay vì cả năm chỉ quanh quẩn với cây ngô, cây sắn và ruộng nương, chị Xua đã mạnh dạn chuyển sang may trang phục dân tộc Mông để bán phục vụ khách du lịch.

Thành viên Tổ hợp tác Mây tre song đan xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu.

Xây dựng con người Yên Bái với 5 chuẩn mực trong nông dân đã xuất hiện ngày thêm nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước.

Đại úy Phan Anh Sơn tại Lễ trao giải thưởng gương mặt trẻ công an tiêu biểu năm 2021 và tuyên dương thanh niên công an xã có thành tích xuất sắc.

Liên tiếp đưa ra những sáng kiến trong công việc, nghiệp vụ chuyên môn và áp dụng linh hoạt, hiệu quả những sáng kiến đó vào tình hình thực tế tại địa phương nên Đại úy Phan Anh Sơn - Trưởng Công an xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ luôn được bà con tin tưởng, ủng hộ. Mới đây, Đại úy Sơn vinh dự là một trong 66 thanh niên được Bộ Công an tuyên dương thanh niên công an xã có thành tích xuất sắc.

Ông Hờ Tráng Chu mồi lửa lò rèn chuẩn bị cho công đoạn chế tác sản phẩm mới.

Đồng bào Mông có nhiều nghề truyền thống mang nét văn hóa độc đáo đặc trưng dân tộc như nghề chế tác nhạc cụ, thêu dệt thổ cẩm và không thể không nhắc đến nghề rèn đúc nông cụ thủ công. Ông Hờ Tráng Chu, thôn Đồng Hẻo, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn chính là người “giữ lửa” nghề rèn truyền thống của đồng bào Mông ở Đồng Hẻo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục