Nhà A Su ngay đầu bản, đứng trước sân phóng tầm mắt về Nhà máy Thủy điện Văn Chấn thấy con đập chỉ như viên gạch và những con đường ngoằn nghèo theo vách núi. Anh đón chúng tôi bằng cái bắt tay và nụ cười thân thiện của người Mông, trong ngôi nhà gỗ khang trang, tiện nghi không nhiều và không quá đắt tiền nhưng ngăn nắp, gọn gàng, cho thấy sự tiến bộ trong đời sống sinh hoạt của đồng bào vùng cao.
Ấm trà Shan tỏa hương thơm ngát, Giàng A Su kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về cuộc sống mới, phong tục, tập quán của người Mông ở An Lương; đặc biệt là nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trong khu dân cư mà anh được cấp trên tin tưởng, bà con tín nhiệm giao phó.
"Mình nghỉ học giữa năm lớp 12 ở trường huyện, về giúp đỡ gia đình lao động sản xuất. Được hai năm, các anh công an tới vận động tham gia lực lượng Công an xã. Thật sự, lúc đầu, mình cũng lo lắng, sợ không đảm trách được nhiệm vụ trên giao; hơn nữa, nhà mình neo người; tuy nhiên, nghĩ lại, mình thấy ai cũng như mình thì lấy đâu ra người làm việc công” - Giàng A Su đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
Rồi anh tiếp: "Tham gia lực lượng công an bán chuyên trách phải là người có phẩm chất chính trị tốt, có sức khỏe, có tinh thần trách nhiệm, những thứ ấy mình đều có. Về chuyên môn nghiệp vụ, mình đã được đi dự các lớp tập huấn, đào tạo, có sự chỉ dẫn của các đồng chí Công an huyện và Ban Công an xã trước đây. Vậy là mọi việc cứ thế vào nếp!”..
Trở lại với đặc điểm tình hình ở thôn Suối Dầm. Đây là thôn đặc biệt khó khăn, nơi quần tụ của 84 hộ đồng bào Mông với trên 400 nhân khẩu. Cái khó ở đây là giao thông đi lại rất khó khăn, phần lớn địa bàn Suối Dầm không có sóng điện thoại di động; đồng bào thật thà, tốt bụng nhưng vẫn còn những tập tục lạc hậu, trình độ dân trí thấp.
Theo Giàng A Su, với đặc điểm trên, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an phải tập trung tuyên truyền để nhân dân không nghe lời kẻ xấu, ngăn chặn tệ nạn ma túy, vận động người dân tuyệt đối không trồng cây thuốc phiện, tham gia vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy; không di dịch cư tự do và tuyệt đối không xuất cảnh trái phép; từng bước xóa bỏ hủ tục ra khỏi đời sống và tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.
Để làm được điều đó, người cán bộ, nhất là cán bộ công an viên như anh phải bám dân, bám bản, nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con, tranh thủ những người có uy tín trong cộng đồng. Về phần mình, người cán bộ phải gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, phải xây dựng gia đình ấm no.
Nhờ có những suy nghĩ và cách làm đúng, Giàng A Su và những cán bộ có trách nhiệm ở Suối Dầm tổ chức thực hiện công tác đảm an ninh trật tự rất tốt. Những năm qua, Suối Dầm không có trường hợp xuất cảnh trái phép, không để đạo lạ xâm nhập địa bàn; người dân trong bản tuyệt đối không trồng, mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy; không có tội phạm về trật tự xã hội.
Được các đồng chí công an vận động tuyên truyền, nhiều người trong thôn đã giao nộp vũ khí tự chế (súng kíp) và không săn bắn thú rừng.
Không chỉ chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật, người dân Suối Dầm còn đang tiếp tục mở rộng diện tích quế, đưa cây đặc sản này thành cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu như bà con người Mông, người Dao, người Tày các thôn Sài Lương 1, Sài Lương 3.
Giọng người công an viên Giàng A Su bỗng trầm xuống khi nói về tồn tại lớn nhất của bà con trong thôn: "Nạn tảo hôn vẫn còn khá phổ biến, con gái 15, 16 tuổi đã lấy chồng và sinh con, cá biệt vẫn còn hôn nhân cận huyết thống; bên cạnh đó, nhiều hủ tục vẫn còn được lưu truyền. Vấn đề này cần được các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người Mông Suối Dầm thay đổi, cùng với đó là tích cực lao động sản xuất, giữ rừng, trồng quế”.
Lời tâm sự từ gan ruột của Giàng A Su cho thấy nỗi niềm cũng như khát vọng vươn lên của bản thân anh cũng như cán bộ và người dân vùng cao Suối Dầm, An Lương, Văn Chấn. Chắc chắn vùng cao sẽ đổi thay, đồng bào vùng cao sẽ no ấm, tiến bộ và hạnh phúc!
Lê Phiên