Nguyễn Thị Thu - “lá cờ đầu” ở thôn Mạ

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/4/2022 | 1:52:55 PM

YênBái - Không chỉ năng động, chịu khó, không nề hà mọi công việc của thôn, của xã, chị Nguyễn Thị Thu - Trưởng ban Ban Công tác Mặt trận, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiếu số thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình còn luôn đi đầu trong những việc mới, việc khó, đóng góp tích cực vào những đổi thay của địa phương.

Chị Nguyễn Thị Thu cùng lãnh đạo thôn Mạ kiểm tra, giám sát thi công mở rộng hành lang tuyến đường từ Thác Ông chạy qua trung tâm thôn.
Chị Nguyễn Thị Thu cùng lãnh đạo thôn Mạ kiểm tra, giám sát thi công mở rộng hành lang tuyến đường từ Thác Ông chạy qua trung tâm thôn.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, năm 1984 chị Thu xây dựng gia đình và theo chồng về sinh sống tại thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên. Cuộc sống tưởng chừng suôn sẻ thì năm 1998 chồng chị đột ngột qua đời khi con út chưa đầy 3 tuổi. Vượt qua đau thương cùng những khó khăn vất vả, chị phải gồng mình chăm lo cho 4 người con. 

Bằng nghị lực và sự cần cù, chịu đổi mới chị Thu luôn là người tiên phong đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên cây trồng, vật nuôi cho năng suất, hiệu quả cao. Nhờ thế 4 sào ruộng của gia đình không chỉ đủ ăn mà còn dư thừa để chăn nuôi lợn, gà... Khi kinh tế gia đình khá dần và các con cũng khôn lớn có thể phụ giúp công việc nhà, chị mạnh dạn tham gia công việc chung của thôn. 

Với bản tính nhanh nhẹn, hoạt bát, đặc biệt là uy tín, năm 2000, chị Thu được chị em tín nhiệm bầu làm Phó Chi hội Phụ nữ thôn rồi Chi hội trưởng và Trưởng Ban Công tác Mặt trận. Đến năm 2010, chị được nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu là người có uy tín trong cộng đồng. 

Hơn 20 năm tham gia công tác xã hội, chị Thu luôn phát huy vai trò trách nhiệm và nhiệt huyết trong mọi nhiệm vụ. Đồng thời, luôn là người gương mẫu, đi đầu để bà con học tập noi theo. Trong đó, chị đặc biệt tích cực tham gia tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). 

"Muốn bà con nghe và tin tưởng thì mọi việc mình đều phải gương mẫu làm trước, ví như việc vận động nhân dân hiến đất làm đường, bản thân tôi đã tự nguyện hiến gần 500m2 đất vườn để thôn làm đường giao thông... Cùng với đó thì việc gì đã nói, đã hứa dù có khó khăn đến đâu tôi cũng phải khắc phục và làm bằng được” - chị Thu chia sẻ. 

Minh chứng cho điều chị Thu nói là tuyến đường nối từ Thác Ông chạy qua trung tâm thôn Mạ trước đây, chị cùng Ban Công tác Mặt trận thôn đã vận động người dân hiến hàng nghìn mét vuông đất làm đường. Tuy nhiên, ngày ấy mới chỉ đổ bê tông được mặt đường rộng 3 mét, chưa có 2 bên cống dọc hành lang. 

Mong muốn có một tuyến đường rộng, khang trang, chị tiếp tục vận động các xưởng gỗ, nhà có ô tô trên dọc tuyến đường đóng góp tiền của để làm cống 2 bên đường, mỗi bên rộng 1m. Được sự đồng thuận của người dân, ngày 12/4/2022, hai bên hành lang tuyến đường dài trên 450 mét tiếp tục được khởi công.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, chị Thu đã cùng Chi bộ và các đoàn thể thôn Mạ vận động nhân dân bê tông hóa được trên 1.000 mét đường giao thông liên thôn và nội đồng nâng tổng số tuyến đường được bê tông hóa của thôn lên 10km, đạt tỷ lệ 95%. Cảnh quan môi trường của thôn luôn xanh, sạch, đẹp; công tác thu gom rác thải được người dân nêu cao ý thức, bảo đảm thực hiện đúng quy định... 

Thôn Mạ hiện có 205 hộ dân, trên 50% dân số là đồng bào dân tộc Cao Lan. Những năm trước đây đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi bắt tay vào xây dựng NTM thì thu nhập của người dân trong thôn mới đạt chưa đầy 20 triệu đồng/người/năm, để thực hiện được các tiêu chí của chương trình NTM là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. 

Nhận thức được tầm quan trọng đó, với vai trò là Trưởng ban Công tác Mặt trận, người có uy tín trong thôn, chị Thu đã cùng mặt trận và các đoàn thể của thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ trong xây dựng NTM. 

Đặc biệt, làm cho người dân hiểu muốn xây dựng thành công NTM thì phải tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là nhiệm vụ hàng đầu; chị đã cùng các thành viên trong thôn tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng mô hình điển hình trong phát triển kinh tế. Đến nay, thôn Mạ đã có trên 30 mô hình làm kinh tế giỏi cho thu nhập từ 150 - 500 triệu đồng, nâng mức thu nhập bình quân trong thôn lên trên 40 triệu đồng/người/năm. 

Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên cho biết: "Được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chị Nguyễn Thị Thu không chỉ cùng con cháu thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, gương mẫu trong các phong trào của địa phương mà còn rất tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động bà con đoàn kết phát triển kinh tế; thực hiện tốt các quy ước, hương ước  nơi cư trú, xây dựng gia đình văn hóa gắn với thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đưa thôn Mạ trở thành thôn điển hình trong mọi hoạt động của xã, góp phần để xã cán đích NTM vào năm 2017”.

Bằng tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nhiệm vụ, được bà con tín nhiệm, nhiều năm qua, chị Thu luôn được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác và các phong trào thi đua của thôn, của xã.

Hồng Duyên

Tags Nguyễn Thị Thu lá cờ đầu dân tộc thiểu số Vĩnh Kiên Yên Bình hồ Thác Bà

Các tin khác

Tâm huyết, năng động, sáng tạo, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Đoàn Thị Hạnh - nhân viên Ban Khoa học quân sự, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh là người của những sáng kiến và thí sinh giải cao tại rất nhiều hội thi, luôn gương mẫu, được đồng chí, đồng đội yêu mến.

Anh Giàng A Su - công an viên thôn Suối Dầm.

Tháng 4, những cơn mưa rào đầu mùa càng khiến cho con đường lên bản Suối Dầm, xã An Lương, huyện Văn Chấn thêm gian khó. Dù vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm lên núi để được ngắm dòng Thia xanh mát, ngắm hai nhà máy thủy điện quy mô lớn từ trên cao và nhất là được trò chuyện với anh Giàng A Su - người công an viên được dân tin, dân mến.

Xưởng sản xuất, chế biến các sản phẩm quế sạch, an toàn của Hợp tác xã An Bình.

Lớn lên dưới những rừng quế, thấy rõ lợi ích từ cây quế đưa đồng bào Dao từng bước thoát nghèo và làm giàu, chàng cử nhân Luật người Dao Lý Hai ở thôn Làng Mới, xã Đại Sơn đã chọn trở lại quê hương để tạo bước đột phá đưa vỏ, cành, lá quế trở thành sản phẩm OCOP để vươn ra thị trường quốc tế.

Chị Giàng Thị Xua bên máy may.

Chị Giàng Thị Xua ở thôn Bản Mới, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn năm nay 38 tuổi. Là một phụ nữ năng động, thay vì cả năm chỉ quanh quẩn với cây ngô, cây sắn và ruộng nương, chị Xua đã mạnh dạn chuyển sang may trang phục dân tộc Mông để bán phục vụ khách du lịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục