Người thương binh làm kinh tế giỏi

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/7/2022 | 1:59:06 PM

YênBái - Vượt lên thương tật để chiến thắng đói nghèo và trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Đó là ý chí, nghị lực của ông Nguyễn Văn Đảm, thương binh hạng 4/4 ở thôn Khe Bốn, xã Yên Thái, huyện Văn Yên với mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Đảm chăm sóc quế.
Ông Nguyễn Văn Đảm chăm sóc quế.

Năm 1982, khi bước vào tuổi 20, ông Đảm lên đường nhập ngũ bảo vệ biên giới phía Bắc và đến năm 1986 ông bị thương rồi xuất ngũ về tham gia công tác ở Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Hưng. 

Cuộc sống của gia đình ông Đảm sau khi xuất ngũ rất khó khăn, bởi 3 đứa con mới ra đời. Trong khi đó, đồng lương cán bộ hợp tác xã không đáp ứng được cuộc sống. Tuy vậy, với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông Đảm luôn đau đáu khát khao đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo. 

Nghĩ là làm, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, ông tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức khoa học, kỹ thuật, các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để tăng gia sản xuất. Lúc đầu, ông cùng vợ con khai phá diện tích đất đồi rừng quanh nhà để canh tác lương thực để vừa có cái ăn vừa để chăn nuôi lợn, gà. 

Đến năm 1988, khi huyện có chủ trương phát triển mạnh cây quế, ông Đảm mạnh dạn mua quế giống về trồng gần 1 ha. Đồng thời, sau khi Nhà nước có chủ trương giao đất trồng rừng, ông nhận thêm 2 ha để phát triển kinh tế. Không quản ngại mưa nắng, lúc nào rảnh rỗi ông lại bắt tay vào phát đồi để trồng cây và tập trung thâm canh tăng vụ gần mẫu ruộng nước. 

Cùng đó, ở địa phương có một số diện tích ruộng chằm trũng khó canh tác, ông Đảm xin xã cho chuyển đổi để đào ao thả cá. Từ phương châm lấy ngắn nuôi dài, mỗi năm thu hai vụ lúa, một vụ màu, một lứa cá và chăn nuôi lợn, gà, ông đã dư được chút vốn liếng để tái đầu tư sản xuất. 

Ông Đảm cho biết: "Đồi rừng thì phải có chu kỳ mới khai thác được, nên cứ có vốn đến đâu tôi làm đến đó. Khi rừng chưa khép tán, tôi trồng thêm ngô sắn và khi quế lớn dần, tôi lại tập trung vào chăn nuôi. Khi đó, cây quế chưa có giá trị như bây giờ, song thấy huyện triển khai, tôi tin chắc chắn là có hiệu quả. Vậy là, tôi cứ trồng dần hết diện tích 3 ha và đến năm 2003 khai thác trắng, tôi đủ tiền xây ngôi nhà trị giá gần 80 triệu đồng; trong khi đó, cả thôn vẫn toàn nhà gỗ”. 

Không bằng lòng với những gì mình có, mấy năm sau, ông Đảm đấu thầu thêm đập thủy lợi gần nhà rồi đào thêm ao nuôi cá, nâng tổng diện tích nuôi cá lên gần 7.000 m2. Để sản xuất hiệu quả, tiết kiệm chi phí và cho chất lượng sản phẩm tốt, ông Đảm thường xuyên tự học hỏi kỹ thuật phòng, trừ sâu, bệnh hại cây trồng, vật nuôi. 

Nhờ đó, nhiều năm nay, kinh tế gia đình ông phát triển ổn định, từng bước trở thành hộ khá rồi vươn lên hộ giàu. Trong đó, nhờ tập trung vào kinh tế đồi rừng, nuôi cá, đến nay, ông Đảm có 3 ha quế từ 5 đến 15 năm tuổi, bình quân mỗi năm thu nhập từ bán cá được 50 - 60 triệu đồng, tiền quế trên 200 triệu đồng. 

Không chỉ là tấm gương điển hình phát triển kinh tế, ông Đảm còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và giúp đỡ bà con, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn về vốn, kỹ thuật, cây, con giống để cùng nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu. 

Đồng thời, ông Đảm còn nhiệt tình trong các hoạt động của thôn, xã nên năm 2018 ông được bầu là người có uy tín. Với vai trò này, ông thường xuyên vận động, tuyên truyền người dân trong thôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cùng nhau thi đua phát triển kinh tế vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững. 

Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, song ông Đảm vẫn chưa nguôi ý chí làm giàu, bởi theo ông, còn sức còn phải lao động, còn phải cống hiến, trước hết là vì gia đình, sau là có điều kiện để giúp đỡ bà con trong thôn cùng vươn lên xây dựng quê hương. 

Với những nỗ lực của ông Đảm trong suốt những năm qua, ông luôn được các cấp, ngành của tỉnh, huyện khen thưởng. Vinh dự hơn, trong sự kiện gặp mặt biểu dương người có công tiêu biểu nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2022 do UBND tỉnh tổ chức, ông Đảm là 1 trong 20 gương mặt điển hình của huyện Văn Yên được tỉnh tuyên dương.

Thanh Tân

Tags Văn Yên kinh tế tổng hợp cây trồng vật nuôi giảm nghèo

Các tin khác
Lãnh đạo Đảng ủy xã Yên Thành trao đổi với Bí thư Chi bộ Đặng Văn Hà (thứ 2, từ trái sang) và các đồng chí trong Ban Chi ủy Chi bộ thôn Khe Cạn về xây dựng nông thôn mới.

Sinh năm 1987, anh Đặng Văn Hà, dân tộc Dao ở thôn Khe Cạn, xã Yên Thành, huyện Yên Bình được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn từ năm 2016.

Ông Nguyễn Văn Mậu (ngoài cùng bên trái) trao đổi với người dân về phát triển cây ăn quả.

Cái nắng như đổ lửa giữa tiết trời tháng Sáu, chúng tôi quyết định lên đường để "mục sở thị” những gì mắt thấy tai nghe về người Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hán Đà 2 - ông Nguyễn Văn Mậu, đã làm được trong suốt hơn 20 năm qua để đưa thôn trở thành một điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Là cá nhân tiêu biểu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông Lương Văn Hảo vinh dự được Huyện ủy Yên Bình tuyên dương trong đợt thi đua chào mừng 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Yên Bình.

Hơn 8 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Tân Bình, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, ông Lương Văn Hảo luôn gương mẫu, nhiệt tình trong công tác của thôn và là điển hình làm kinh tế giỏi, góp phần đưa thôn Tân Bình trở thành thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu đầu tiên của xã Tân Hương.

Hội Nữ doanh nhân tỉnh phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo trao học bổng cho các em học sinh vượt khó học giỏi.

Cùng với ủng hộ các quỹ nhân đạo, từ thiện do tỉnh và các địa phương phát động, Hội Nữ doanh nhân tỉnh còn tổ chức các hoạt động như: cưu mang, giúp đỡ đối tượng neo đơn, tặng quà gia đình chính sách, hỗ trợ gia đình bị hỏa hoạn, thiên tai…, đặc biệt là Dự án "Thắp sáng tương lai”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục