Người cựu chiến binh giỏi chăn nuôi
- Cập nhật: Thứ tư, 29/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo lời giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi vào thăm gia đình anh Phạm Đình Kết, cựu chiến binh 44 tuổi ở thôn Suối Chép, xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình - Yên Bái). Nét mặt cương nghị, rắn rỏi, đầy ý chí, khiến người ta dễ nhận ra một con người dám nghĩ, dám làm. Điều đó càng được minh chứng, khi chúng tôi đi thăm cơ ngơi của anh với hệ thống ao hồ nuôi cá và hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn gà qui mô rộng lớn được bố trí khoa học.
Anh cho biết: năm 1990, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương rồi xây dựng gia đình, nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, anh đã ngày đêm suy nghĩ làm thế nào để đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói. Thế rồi, anh đã mạnh dạn nhận đấu thầu gần 5 ha mặt nước để nuôi cá, kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm. Những năm đầu chưa có vốn nên mọi công việc từ đắp bờ, dọn tẩy ao... đều do bàn tay của 2 vợ chồng cùng với anh em họ hàng giúp đỡ. Ban đầu anh thả 6 triệu con cá giống các loại: trắm cỏ, chim trắng, chép, trôi, mè, trường giang, rô phi đơn tính...
Nhờ được tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư và qua các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với kinh nghiệm sản xuất sẵn có, anh đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đó vào chăn nuôi. Vậy là năm đầu tiên anh thu được trên 2 tấn cá, thu về trên 30 triệu đồng.
Có chút vốn trong tay, cộng vay mượn thêm bạn be,ø anh lại tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất. Hệ thống chuồng trại nuôi lợn được xây dựng kiên cố, hợp lý có áp dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như: tiến bộ về giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y... đặc biệt là sử dụng hệ thống biogas để tạo nguồn khí đốt vừa tận dụng phân bón, đảm bảo vệ sinh môi trường. Lứa đầu anh nuôi 20 con lợn thịt, sau tăng dần lên 30-50 con, có những thời điểm nuôi đến 100 con. Với mỗi lứa nuôi trong thời gian 3 tháng, đạt trọng lượng xuất chuồng bình quân 70 kg/con, tính ra mỗi năm anh quay vòng được 4 lứa bán ra thị trường được trên 16 tấn.
Riêng đầu năm 2008, gia đình anh xuất bán được 4,3 tấn lợn hơi thu về trên 120 triệu đồng, trừ mọi khoản chi phí thu nhập từ nuôi lợn cũng cho anh lãi trên 20 triệu đồng, dự kiến lứa tới anh lại tiếp tục nuôi thêm 100 con nữa. Anh còn cho biết tuy nuôi lợn lãi không nhiều nhưng chủ yếu anh tận dụng nguồn phân từ bã thải của hầm Biogas trút xuống ao cho cá, làm như vậy cá chóng lớn mà tiền đầu tư thức ăn không cao. Kết quả cho thấy vụ thu hoạch cá vừa qua gia đình anh đã bán được 4 tấn cá các loại, thu về trên 100 triệu đồng. Lợi dụng mặt nước nuôi cá, năm 2007 gia đình anh đã nuôi trên 200 con ngan vịt/ lứa, mỗi năm xuất bán 4 lứa cũng thu về trên 50 triệu đồng. Không những chăn nuôi giỏi, gia đình anh còn biết tận dụng những nơi có mặt bằng để khai hoang ruộng trồng lúa.
Nhờ áp dụng thâm canh gieo cấy bằng các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, nên hàng năm với diện tích hơn một mẫu ruộng cũng cho anh trên 5 tấn thóc đảm bảo đủ lương thực cho gia đình và chăn nuôi. Anh cho biết: "Trong thời gian tới gia đình tôi tiếp tục san gạt làm đường mở rộng thêm mô hình chăn nuôi tổng hợp, tạo mô hình kinh tế qui mô lớn hơn. Tuy nhiên, trong phát triển chăn nuôi, vốn vẫn là nhu cầu bức thiết nhất đối với người nông dân. Với mức lãi suất cao như hiện nay, thời gian vay lại ngắn nên chưa khuyến khích được người vay. Tôi mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện về cơ chế vay vốn với lãi suất thấp để nhiều hộ như gia đình tôi phát triển kinh tế tốt hơn".
Với phương thức chăn nuôi, trồng trọt kết hợp như vậy, nên tổng thu nhập năm 2007 của gia đình anh trừ mọi chi phí còn thu về trên 90 triệu đồng. Dự kiến trong những năm tới, trang trại của gia đình sẽ cho thu nhập cao hơn hiện nay. Không chỉ mạnh dạn đi đầu áp dụng kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế làm giàu cho chính gia đình mình, anh Kết còn tích cực vận động bà con trong thôn, trong xã cùng áp dzzzzzzzụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình. Ai thiếu kinh nghiệm sản xuất đều được anh hướng dẫn tỉ mỉ, chỉ mong sao đời sống của bà con ngày một khá lên.
Lê Thị Hải Yến
Các tin khác
YBĐT - Bà Đinh Thị Mằn 53 tuổi, dân tộc Mường, cư trú ở thôn Ả Hạ xã Nghĩa Phúc (TX Nghĩa Lộ - Yên Bái), là một trong những gương điển hình trong phong trào thi đua "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Từ một gia đình nghèo, nhưng bằng nghị lực của mình, gia đình chị đã tìm được hướng phát triển sản xuất vươn lên làm giàu.
YBĐT - Dưới nhà sàn của vợ chồng anh chị Hà Thị Dương, Lò Văn Xuân ở trên Chao Hạ 1 xã Nghĩa Lợi, (thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái), tiếng khung cửi, tiếng máy khâu và máy thêu đều đều. Qua đôi bàn tay khéo kéo của chị em phụ nữ, các hoa văn tinh tế hiện ra những đường nét thật đẹp trên khổ vải.
YBĐT - Hỏi về những chiến công trong chiến đấu, ông Tình lắc đầu. Hỏi đã khai hoang bao nhiêu đất hoang ở những vũng bom mìn chằng chịt để lấy đất sản xuất cho chính gia đình và hợp tác xã những năm chiến tranh vừa dứt, ông không nói. Hỏi ông đã bị thương và nghị lực sống? ông cũng chẳng trả lời. Chỉ biết rằng, những gì ông đã sống và lao động đến ngày hôm nay thì người dân trong cái thôn 11 xã Minh Quán (Trấn Yên) đều phải thừa nhận: "Ông Trần Xuân Tình không chỉ ngoan cường, mạnh mẽ trong bom đạn mà trong lao động ông cũng thật anh hùng".
YBĐT - Người con của dân tộc Mông được sinh ra trên cao nguyên Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) không chỉ nổi danh vượt khó thời niên thiếu mà nay đã trở thành một Anh hùng, một thầy thuốc giỏi, đó là bác sĩ Vàng A Sàng - Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.