Người “cõng” nghề lên núi

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/9/2011 | 3:00:49 PM

YBĐT - Đi thăm quan học hỏi nhiều nơi, về xuôi thấy có nghề mây tre, giang đan phát triển, lại thấy Lục Yên có nhiều tre, giang, ông Toản đã nghĩ ngay đến việc mang nghề mây tre đan “lên núi”.

Nghề mây, tre đan thu hút mọi lứa tuổi cùng tham gia.
(Ảnh: Quang Thiều)
Nghề mây, tre đan thu hút mọi lứa tuổi cùng tham gia. (Ảnh: Quang Thiều)

Mỗi ngày, Hợp tác xã của ông nhập vào hơn 200 sản phẩm mây tre, giang đan của bà con. Cứ vài ngày ông lại chuyển hàng về xuôi một lần với hàng nghìn sản phẩm chất lượng và đa dạng về hình thức mẫu mã...

Một người tập trung một ngày có thể làm ra được chục sản phẩm với mức thu nhập khoảng 100 nghìn đồng. Nguyên liệu được Hợp tác xã Toản Thắng mang đến tận nhà cho bà con và khi làm ra sản phẩm, bất cứ lúc nào Hợp tác xã cũng tiếp nhận và trả tiền luôn.
Hơn 10 gắn bó với nghề buôn vải, ông thấm thía cuộc sống khó khăn của những người nông dân lam lũ. Trăn trở trước những nỗi vất vả của bà con, qua học hỏi nhiều nơi và được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện tạo điều kiện cho vay vốn, ông đã quyết định thành lập Hợp tác xã Mây tre, giang đan Toản Thắng. Đây là cơ sở làm sản phẩm mây tre, giang đan duy nhất của huyện Lục Yên và toàn tỉnh Yên Bái đã góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động nghèo ở nông thôn. Ông là Đoàn Văn Toản - thị trấn Yên Thế  (Lục Yên).

Chúng tôi đến thăm nhà ông Toản những ngày giáp hạt. Rất đông người dân đang tập trung tại Hợp tác xã của ông để giao hàng, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ nụ cười. Vừa đếm lại số tiền mà ông Toản trả cho những sản phẩm của mình, bà Hoàng Thị Xuân xã Liễu Đô vừa hồ hởi: “ Từ ngày có Hợp tác xã Mây tre, giang đan Toản Thắng mà người dân chúng tôi bớt được nỗi lo về cái ăn. Trước đây chỉ biết đi làm thuê, làm mướn cực nhọc, thậm chí đi vay nặng lãi để lấy tiền mua gạo. Nay chỉ cần ngồi nhà tranh thủ lúc nhàn rỗi mình vẫn có thể kiếm tiền mua mắm, muối và gạo để ăn. Cả nhà tập trung làm 2 ngày cũng được hơn trăm nghìn, đủ gạo ăn trong một tuần”.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nam, năm 1976 ông cùng gia đình chuyển lên vùng kinh tế mới Lục Yên. Ở đây, ông bắt đầu gắn bó với nghề buôn vải, ông đạp xe đến khắp các bản làng trong huyện để bán vải may mặc cho nhân dân. Hàng chục năm gắn bó với nghề buôn vải, chứng kiến biết bao người dân không có tiền mua vải họ phải lấy thóc đổi hoặc làm thuê, làm mướn cực nhọc mới có tiền mua. Hình ảnh những đứa trẻ nhỏ với những bộ quần áo rách, hay những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn đói ăn đã thôi thúc ông tìm nghề để giúp dân thoát nghèo.

 Ông Toản tâm sự: “ Ngày đó đi đến đâu cũng thấy cảnh đói ăn, tôi đã đi nhiều nơi và dưới quê tôi tuy người dân có nghèo nhưng họ có nghề làm, đảm bảo thu nhập thường xuyên, còn người dân nơi đây chỉ biết nương rẫy”. Đi thăm quan học hỏi nhiều nơi, về xuôi ông thấy có nghề mây tre, giang đan phát triển, thấy Lục Yên có nhiều tre, giang ông đã nghĩ ngay đến việc mang nghề mây tre, giang đan “lên núi”.

Năm 2004 ông đã quyết định bỏ nghề buôn vải và vay Ngân hàng CSXH huyện 40 triệu đồng, thành lập Hợp tác xã Mây tre, giang đan Toản Thắng. Huyện Lục Yên có hơn 80% đồng bào là dân tộc thiểu số và hơn 90% là cư dân lao động ở vùng nông thôn, trình độ dân trí và mức sống của đại đa số người dân nơi đây còn thấp.

Ngay sau khi thành lập Hợp tác xã, ông Toản đã nhanh chóng đi về các bản làng, nơi đời sống nhân dân khó khăn, những nơi không có việc làm tạo thu nhập thường xuyên. Ông đã tích cực vận động người dân tham gia học lớp mây tre, giang đan miễn phí do ông mở tại Hợp tác xã, sau đó ông cung cấp nguyên liệu, giao cho các hộ gia đình về tự làm. Sản phẩm sau khi làm xong, người dân tự mang đến Hợp tác xã để bán lại cho ông. Những ngày đầu rất ít người nghe theo ông, lớp học chỉ có những người ở các xã gần đến học như: thị trấn Yên Thế, xã Minh Xuân, Yên Thắng, Liễu Đô…

Đến nay ông đã mở được hơn chục lớp cho hơn 300 lao động nông thôn. Mỗi ngày, Hợp tác xã của ông nhập vào hơn 200 sản phẩm mây tre, giang đan của bà con. Cứ vài ngày ông lại chuyển hàng về xuôi một lần với hàng nghìn sản phẩm chất lượng và đa dạng về hình thức mẫu mã... Nhờ làm mây tre, giang đan mà rất nhiều hộ dân nơi đây đã thoát nghèo và có thu nhập thường xuyên, không còn tình trạng đói đứt bữa trong những ngày giáp hạt.
Ông Toản cho biết: “3 năm đầu tôi làm ăn thua lỗ vì rất ít người tham gia vào lớp học. Sản phảm làm ra quá ít, không những vậy, sản phẩm hỏng, lỗi, không đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng lại quá nhiều. Tuy nhiên tôi vẫn phải nhập cho bà con và trả công bình thường, chỉ có như vậy thì họ mới tiếp tục duy trì và phát triển được nghề mây tre, giang đan trên đất Lục Yên”.

Chấp nhận bù lỗ, không nản chí, ông tiếp tục xoay vốn để đầu tư, trực tiếp đến từng hộ gia đình vận động và thu hút nhân dân tham gia vào lớp học để tạo ra nguồn sản phẩm phong phú. Từ những con số ít ỏi ban đầu nhưng bằng sự tâm huyết, ông Toản đã kéo những người dân vốn chỉ biết ngồi nhà sau những buổi lên nương rẫy đến học nghề. Được ông truyền dạy và tận tình chỉ bảo, đặc biệt là được tạo thuận lợi khi thu mua sản phẩm, bà con vô cùng phấn khởi.

Từ những lợi nhuận nhỏ nhoi (5- 6 nghìn đồng với mỗi sản phẩm) góp nhặt lại, hiệu quả kinh tế quả không nhỏ với người lao động nơi đây, nghề mây tre, giang đan đã bắt đầu” bén rễ” và phát triển mạnh. Năm 2009, được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng, ông đã đầu tư thêm máy móc chế biến nguyên liệu, mở rộng các lớp học nghề mây tre, giang đan đến các bản làng, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Từ người già đến thanh niên, trung niên, tranh thủ những thời gian rảnh rỗi như buổi trưa, buổi tối và những ngày mưa không ra đồng được, người dân vẫn có thể làm sản phẩm. Nếu như một người tập trung một ngày có thể làm ra được chục sản phẩm với mức thu nhập khoảng 100 nghìn đồng. Nguyên liệu được Hợp tác xã Toản Thắng mang đến tận nhà cho bà con và khi làm ra sản phẩm, bất cứ lúc nào Hợp tác xã cũng tiếp nhận và trả tiền luôn.

Gia đình chị Hoàng Thị Hiền, thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, trước đây là  hộ nghèo có 4 miệng ăn chỉ trông vào 2 sào ruộng, ngoài ra không có việc làm kiếm thêm thu nhập nên nghèo đói đeo bám quanh năm. Từ ngày được đào tạo làm nghề mây tre, giang đan, gia đình chị đã chăm chỉ học nghề và miệt mài làm sản phẩm. Những ngày đầu do thiếu kinh nghiệm nên sản phẩm làm ra bị hỏng rất nhiều, không đạt ngày công nên ai cũng chán nản. Nhờ sự động viên của ông Toản mà đến nay mọi người trong gia đình chị đều đã làm rất thành thạo, trung bình một ngày gia đình làm được hơn chục sản phẩm thu về hàng trăm nghìn đồng.

Chị Hiền tâm sự: “Nhờ làm sản phẩm mây tre đan mà nhà tôi mới có tiền mua giường và ti vi. Trước đây chỉ có mình tôi làm, nay cả chồng và con tôi cũng làm nên thu nhập cũng khá, không còn phải lo lắng tìm tiền để chi tiêu các khoản vặt hay đóng tiền học cho con”. Còn với cụ Nguyễn Thị Tiền ở thị trấn Yên Thế, năm nay đã 80 tuổi, không còn sức khỏe nhưng ngồi nhà làm sản phẩm cụ cũng kiếm được mỗi ngày 40-50 nghìn đồng. Không còn suy nghĩ mặc cảm bị “ăn bám” con cháu mà cụ còn kiếm tiền lo cho cháu gái cụ tiền bút mực, sách vở thường xuyên. Cụ tâm sự: “ Làm mây tre đan không mệt nhọc, người già như chúng tôi nếu bảo ngồi không thì khó chịu lắm, có việc làm vừa vui vừa có thêm thu nhập giúp con cháu”.

Ngày càng có nhiều người dân biết đến nghề mây tre, giang đan, những sản phẩm mây tre, giang đan mang thương hiệu Lục Yên ngày càng đa dạng, phong phú và chất lượng hơn. Sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết, thậm chí có lúc “cháy” hàng.

Chỉ sau một thời gian ngắn nghề mây tre, giang đan phát triển mạnh đã giúp Toản Thắng hoàn số nợ 100 triệu đồng đúng thời hạn. Ông Toản tâm sự: “Hiện nay nhu cầu học nghề và tham gia vào nghề này là rất lớn. Đặc biệt nguồn hàng bán ra thị trường rất thuận lợi, nếu có vốn tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, thu hút thêm nhiều lao động, tạo việc làm cho người lao động nghèo”.

Triệu Huấn


 

Các tin khác
Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Ông Nguyễn Văn Thêm tại Lễ ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học.

Vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng vì những thành tích xuất sắc, ông Nguyễn Văn Thêm - Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 14, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục