Người chiến sỹ quân y với dự án làm giàu từ rừng

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/9/2011 | 2:53:54 PM

YBĐT - Khởi nghiệp chỉ bằng tâm huyết và sự dạn dày sau bao năm sống giữa biển khơi, anh Lợi đang từng bước gây dựng cho mình một trang trại rừng quy mô lớn nhất huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Đinh Quang Lợi (bên phải) trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây giống tại vườn ươm.
Đinh Quang Lợi (bên phải) trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây giống tại vườn ươm.

Biết anh Đinh Quang Lợi chừng hai năm nên tôi có cảm giác anh là con người của những chuyến đi. Vừa qua, đến Mường Lò lại có dịp trò chuyện cùng anh, tôi mới biết đó là những chuyến anh lặn lội đi tìm thị trường cho trại cây giống - nơi anh xác định là "bàn đạp" để thực hiện dự án trồng rừng quy mô lớn.

Trong lần gặp này, tôi còn được biết Lợi từng là một chiến sỹ quân y đã từng xung phong ra làm nhiệm vụ tại đảo Lớn thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 1999, sau khi học xong trường Trung cấp quân y, anh Lợi không trở về miền quê Hưng Khánh, (Trấn Yên), mà làm đơn xin được nhận công tác phục vụ tại Trường Sa. Anh Lợi tâm sự, vốn là người của núi rừng, thời gian đầu ra giữa biển khơi sống cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khó từ việc làm quen với khí hậu đến những yêu cầu khắt khe trong sinh hoạt bởi điều kiện sống thiếu thốn ngoài đảo. Gian khổ là vậy nhưng do công tác tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nên anh Lợi đã được kết nạp vào Đảng.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, rời đảo, chia tay với cái nắng gắt và những cơn phong ba của biển, anh Lợi trở về quê hương xây dựng kinh tế. Năm 2001, anh xin đi làm tại Lâm trường Văn Chấn rồi gắn bó với công việc ươm gieo cây giống để cung cấp cho các chương trình trồng rừng.

Suốt quãng thời gian dài gắn bó với nghề giúp anh tích luỹ được những kinh nghiệm quý báu để rồi sau 7 năm công tác, nhận thấy Lâm trường khó có thể vực dậy được trước những khó khăn cố hữu, anh đã mạnh dạn mở hướng đi riêng - tự đầu tư kinh doanh cây giống. Đồng vốn eo hẹp, trong khi vườn ươm của Lâm trường rất thuận lợi nhưng do khó khăn nên để trống, anh đã mạnh dạn xin thuê lại để tổ chức sản xuất giống cây. Chính kinh nghiệm trong nghề đã giúp công việc chuyên môn của anh gặp thuận lợi.

Vườn ươm của anh nhanh chóng được Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh công nhận về chất lượng và mỗi năm có thể cung cấp hàng triệu bầu giống các loại ra thị trường. "Vạn sự khởi đầu nan", khó khăn về thị trường luôn là bài toán khó đối với những người mới làm kinh doanh như anh.

Để tìm kiếm được thị trường, anh Lợi đã lặn lội đi khắp nơi ở các tỉnh lân cận để "tiếp thị". Nhờ đó, sau gần ba năm kinh doanh, anh đã có nhiều đối tác lớn ở hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái như: Ban Quản lý Dự án 661 huyện Văn Chấn, Phòng Kinh tế huyện Mường Khương, Nông trường chè Thanh Bình (Mường Khương)... Cùng với đó là những hợp đồng đặt mua bầu cây giống liên tục tăng lên từ 35.000 cây năm 2008 lên 1.000.000 cây năm 2011. Anh Lợi cho biết: “Với số lượng xuất bán này, mỗi năm vườn ươm mang về cho gia đình anh thu nhập trên dưới 500 triệu đồng”.

Không dừng lại ở đó, vốn hiểu được nguồn lợi giá trị của rừng mang lại, anh Lợi đã xin UBND huyện Văn Chấn tạm giao quản lý 110 ha đất đồi trọc nằm tại xã Suối Quyền. Có đất, cùng chút vốn tích lũy được từ trại cây giống, cuối năm 2009, đầu năm 2010, anh Lợi đã đầu tư trồng hơn 40ha cây keo và bồ đề theo đúng kỹ thuật canh tác. Để thuận lợi hơn cho việc đi lại, xây dựng mô hình trang trại trong dự án trồng rừng, anh đã đầu tư trên 465 triệu đồng mở một con đường dài gần 700 mét từ Trạm Kiểm lâm Vực Phung ở thôn Suối Quyền (thuộc xã Suối Quyền) lên trang trại. Đến nay, diện tích keo và bồ đề anh trồng đang sinh trưởng tốt, cây cao trên 60cm. Thời gian tới, anh dự định mỗi năm sẽ tiếp tục đầu tư, trồng mới từ 25 - 30ha keo và bồ đề trên diện tích còn lại.

Khởi nghiệp chỉ bằng tâm huyết và sự dạn dày sau bao năm sống giữa biển khơi, anh Lợi đang từng bước gây dựng cho mình một trang trại rừng quy mô lớn nhất huyện Văn Chấn. Trang trại rừng của anh đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 11 lao động với thu nhập 1,7 triệu đồng/tháng, góp phần tích cực vào phong trào xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

 Văn Thông

Các tin khác
Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Ông Nguyễn Văn Thêm tại Lễ ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học.

Vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng vì những thành tích xuất sắc, ông Nguyễn Văn Thêm - Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 14, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục